Những cách chăm con “phản khoa học” bố mẹ Việt hay mắc phải

(Dân trí) - Sử dụng xe tập đi, cho trẻ uống sữa bò, nước ép hoa quả, mua các món đồ chơi đắt tiền… là những cách chăm con có thể phản tác dụng và gây ra các tác hại không ngờ đến sự phát triển thể chất cũng như tâm sinh lý của trẻ nếu bố mẹ không thực sự hiểu rõ.

Xe tập đi

Thực tế đã chứng minh, những tác hại của xe tập đi gây ra với trẻ nhỏ lớn hơn nhiều lợi ích mà nó mang lại. Thậm chí, xe tập đi đã bị cấm ở Canada. Trước hết, loại xe này khiến các cơ bắp của trẻ phát triển không đồng đều, dẫn đến sự lệch hoặc hoặc biến dạng của bàn chân và cẳng chân.

Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng xe tập đi, xương sống của trẻ sẽ chịu một lực nén rất lớn do trọng lượng cơ thể gây ra. Lực này có tác động mạnh mẽ nhất đến các đoạn cong của xương sống, vốn phát triển chưa toàn diện ở lứa tuổi đầu đời. Ngoài ra, việc lạm dụng xe tập đi sẽ làm giảm khả năng tự thăng bằng của trẻ và sẽ khiến trẻ thậm chí còn biết đi chậm hơn bình thường.

Những cách chăm con “phản khoa học” bố mẹ Việt hay mắc phải - 1

Biện pháp: Bố mẹ hoàn toàn có thể giúp con mình tập đi bằng loại xe này và loại bỏ các tác hại kể trên bằng một liệu trình khoa học. Hàng ngày, hãy chỉ để trẻ sử dụng xe tập đi 2 lần, mỗi lần 15 phút dưới sự giám sát của người lớn. Và cần nhớ rằng, chỉ sử dụng xe tập đi khi trẻ đã có thể tự đứng dậy.

Nước ép hoa quả đóng hộp

Bố mẹ thường thích cho con mình uống các loại nước ép đóng hộp, bởi nghĩ rằng đó là cách bổ sung các chất dinh dưỡng từ trái cây trọn vẹn và tiện lợi nhất. Tuy nhiên, các vị phụ huynh cần biết rằng, thành phần của những loại nước trái cây bán sẵn này, chỉ có một lượng rất nhỏ vitamin so với trái cây thông thường.

Thêm vào đó, hàm lượng đường lớn có chứa trong đó sẽ gây ra các bệnh về răng miệng và chứng béo phì ở trẻ.

Những cách chăm con “phản khoa học” bố mẹ Việt hay mắc phải - 2

Biện pháp: Tốt nhất bố mẹ nên dành thời gian tự làm các loại nước ép trực tiếp từ trái cây tươi để cung cấp chất dinh dưỡng toàn diện nhất cho trẻ.

Uống sữa bò

Sữa bò tươi là một trong những loại thức ăn dặm được sử dụng phổ biến cho trẻ. Tuy nhiên, rất ít vị phụ huynh biết rằng, không giống như sữa mẹ, sữa bò có chứa rất ít sắt trong khi lại quá nhiều chất dinh dưỡng không cần thiết cho trẻ sơ sinh.

Chính vì vậy, việc lạm dụng sữa bò tươi có thể ảnh hưởng xấu đến thận và gây ra các tình trạng bệnh lý khác như: thiếu máu, dị ứng, mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột.

Những cách chăm con “phản khoa học” bố mẹ Việt hay mắc phải - 3

Biện pháp: Chỉ nên cho trẻ uống sữa bò tươi khi đã lớn hơn một tuổi và với lượng sữa không quá 500g mỗi ngày.

Các loại đồ chơi quá nổi bật

Ở độ tuổi trước khi đến trường, trẻ em sẽ xây dựng tính cách cùng nhận thức về thế giới xung quanh qua đồ chơi của chúng.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những món đồ chơi có màu sắc bất thường (quá nổi bật), phát ra những âm thanh điện tử gây khó chịu hay sở hữu những chi tiết, thiết kế thiếu thân thiện… có thể khiến cho suy nghĩ, tư duy của trẻ bị phát triển lệch lạc. Thậm chí, nó có thể dẫn đến các triệu chứng tâm lý hết sức tiêu cực như: tính bốc đồng, sự sợ hãi vô căn cứ, chứng tăng động…

Những cách chăm con “phản khoa học” bố mẹ Việt hay mắc phải - 4

Biện pháp: Chọn cho trẻ những loại đồ chơi làm bằng các chất tự nhiên như gỗ, vải, bông… và có hình thù, màu sắc mô phỏng các sự vật có thật trong cuộc sống.

Thiết bị điện tử

Việc bố mẹ có ít thời gian để chơi đùa với con cái và phó mặc chúng với bảo mẫu “smartphone” là một thực trạng đáng báo động trong cuộc sống gia đình ngày nay.

Những cách chăm con “phản khoa học” bố mẹ Việt hay mắc phải - 5

Để trẻ sử dụng các món đồ công nghệ quá sớm sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển các giác quan ở trẻ. Bên cạnh đó, sống trong thế giới ảo khiến trẻ thiếu đi sự tương tác với với xã hội, làm giảm khả năng giao tiếp, ứng xứ, đưa ra các quyết định và nặng hơn là có thể sinh ra chứng tự kỷ.

Chưa hết, ngoài các tác động về mặt tâm lý, ánh sáng xanh từ màn hình của các thiết bị điện tử còn gây ra các động xấu đến đôi mắt của trẻ. Thậm chí, nhiều trường hợp trẻ bị mù tạm thời do nghiện smartphone đã được ghi nhận trên thế giới.

Minh Nhật

Theo BS