Gia Lai

Những “bàn tay vàng” của làng thổ cẩm Gla

(Dân trí) - Làng thổ cẩm Gla (thuộc xã Gla, huyện Đăk Đoa, Gia Lai) là nơi kết nối những con người đam mê nghề dệt thổ cẩm lại với nhau. Bằng sự nỗi lực của những người “đầu tàu”đã xây dựng làng thổ cẩm thành một hợp tác xã Nông nghiệp và Dệt thổ cẩm Gla nhằm mục đích quảng bá thổ cẩm Banar và truyền nghề lại cho con cháu đời sau.

Tình yêu nghề vượt lên cả luật tục

Vào những ngày tháng 3, khi kho lúa đã đầy thì những phụ nữ Banar tại làng Gla lại cần mẫn bên khung dệt để làm nên những tấm vải thổ cẩm mang bản sắc dân tộc mình.

Là người chị cả của làng thổ cẩm Gla, bà M’lốp-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dệt thổ cẩm Gla đang tận tụy truyền thụ những tinh túy trong cách dệt thổ cẩm lại cho những cô thiếu nữ Banar. Ngồi với chúng tôi, bà M’lốp tâm sự, trước kia làng Gla phụ nữ nào cũng biết dệt thổ cẩm, những cô con gái muốn bắt chồng phải tự dệt khăn, váy.

Nhưng giờ đây, trang phục hiện đại đã làm cho những bộ thổ cẩm xa dần với lớp trẻ. Nhằm bảo tồn những giá trị mà ông cha đã làm ra nên tôi đã cùng với những thợ dệt trong làng Gla họp lại để xây dựng nên hợp tác xã thổ cẩm.

Bà Mlốp là người giữ lửa cho nghề dệt Gla
Bà M'lốp là người giữ lửa cho nghề dệt Gla

Nhưng với sự đô thị hóa, hiện đại hóa nên chúng tôi đã xây dựng nên HTX Nông nghiệp và Dệt thổ cẩm Gla để giúp cho nghề dệt thổ cẩm cạnh tranh được với xu hướng trang phục hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc. Đây cũng là nơi để những người thợ có thể truyền lại cho lớp trẻ những kinh nghiệm, bí quyết dệt nên những tấm thổ cẩm đẹp, tinh xảo và đúng với bản sắc dân tộc.

Hợp tác xã Nông nghiệp và Dệt thổ cẩm Gla được thành lập năm 2006 với khoảng 80 xã viên, nay đã lên con số hơn 300 xã viên. Ban đầu, xưởng dệt của Hợp tác xã đặt tại nhà của Giám đốc M’lốp. Nhưng sau xã viên ngày càng đông, nhu cầu nhà xưởng cũng lớn hơn nên huyện Đăk Đoa quyết định đầu tư cho Hợp tác xã một nhà xưởng rộng rãi, khang trang hơn.

Bà M’lốp cho biết: “Hiện nay, Hợp tác xã có khoảng trên 300 xã viên, gồm phụ nữ tất cả các làng trong xã, có cả phụ nữ của nhiều xã khác trong huyện cũng tình nguyện tham gia, còn có cả các cháu học sinh lớp bốn, lớp năm cũng hăng hái tham gia học nghề...".

Bà Mlốp đã hướng dẫn ra bao nhiêu học trò, tiếp nối với nghề dệt thổ cẩm của người Banar
Bà M'lốp đã hướng dẫn ra bao nhiêu học trò, tiếp nối với nghề dệt thổ cẩm của người Banar

Khi vào thăm xưởng dệt nhà bà M’lốp (làng Đô 2, xã Gla) đã gặp học trò cưng là em H’Nga đang miệt mài chạy chỉ. Bà M’lốp tâm sự: “Tôi không thể nhớ hết mặt học trò của mình. Trong suốt mấy chục năm làm nghề, tôi đã truyền dạy cho không biết bao nhiêu người. Không chỉ trong làng, trong xã mà tôi còn đi dạy nghề dệt thổ cẩm cho những buôn làng người Banar ở An Khê, Đăk Pơ, Kông Chro và còn mãi tận Kon Tum xa xôi...

“Ngày xưa, nghề này chỉ truyền lại cho con gái trong nhà. Những bí quyết gia truyền, cấm không được truyền dạy cho người ngoài. Nhưng bây giờ, tôi sẵn sàng mang hết bí quyết gia truyền, những hiểu biết và kỹ năng truyền lại cho bất cứ ai ham muốn học hỏi. Trước thì luật tục còn hà khắc chứ giờ cũng thoáng rồi, chứ cứ cổ hủ giữ nghề rồi mai một nghề thì tiếc lắm…” bà Bà M’lốp bộc bạch.

Những “bàn tay vàng” của làng thổ cẩm Gla

Xã Gla cũng chính là “cái nôi” của nghề thổ cẩm Đăk Đoa. Với lòng yêu nghề, bà M’lốp đã truyền ngọn lửa ấy tất cả các phụ nữ trong làng. Bà M’lốp cho biết: “Khi biết tôi có ý định thành lập Hợp tác xã, không ít người e ngại rằng Hợp tác xã thành lập ra, liệu có xã viên nào tham gia không? Rồi là nguồn vốn hoạt động, thị trường tiêu thụ?... Không phải là tôi không lo nghĩ đến điều đó, nhưng tôi vẫn quyết làm bởi tôi có niềm tin và sự ủng hộ, giúp đỡ của chính quyền địa phương…”.

Niềm tin và sự quyết tâm của bà M’lốp đã trở thành hiện thực khi Hợp tác xã đã có trên 300 xã viên tham gia. Sản phẩm Hợp tác xã làm ra không chỉ là áo váy, mà còn có cả những dụng cụ sinh hoạt tân thời như túi xách, ví, mũ, khăn choàng...Những sản phẩm thổ cẩm Gla luôn được sáng tạo thêm nhiều mẫu mã mới để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Bây giờ, sản phẩm thổ cẩm của Hợp tác xã đã không còn quá xa lạ với thị trường trong nước. Đặc biệt, Hợp tác xã còn là một điểm du lịch để tạo cầu nối cho thổ cẩm Gla “bay” ra nước ngoài nhằm giới thiệu với bạn bè các nước biết về những văn hóa của người Việt...

H’Nga là học trò cưng của bà Mlốp, tương lai sẽ cùng với phụ nữ Gla lưu giữ nghề dệt thổ cẩm
H’Nga là học trò cưng của bà M'lốp, tương lai sẽ cùng với phụ nữ Gla lưu giữ nghề dệt thổ cẩm

Không ít người đã trở thành “bàn tay vàng” của Hợp tác xã, H’Nga là một trong những người như vậy. Cô gái H’Nga người Banar (người làng Đô 2) đã theo bà M’lốp học nghề dệt gần 20 năm nay. Hiện nay, H'Nga chuẩn bị “bắt chồng” và cô đang miệt mài dệt nên những tấm váy cho ngày hạnh phúc của mình. Cô còn được bà M’lốp phân công là một trong bốn người của Hợp tác xã chuyên đứng chạy chỉ và là người giữ lửa cho làng dệt Gla.

Với sự sáng tạo của chị Mlơn đã tạo nên những sản phẩm hiện đại, nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc
Với sự sáng tạo của chị M'lơn đã tạo nên những sản phẩm hiện đại, nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc

Còn với chị M’Lơn (35 tuổi, con gái bà M'lốp) có lẽ được học nghề dệt thổ cẩm từ lúc... còn nằm trong bụng bà M’lốp. Bao nhiêu tinh túy bí truyền của nghề dệt thổ cẩm bà M’lốp đã truyền dạy hết cho cô con gái yêu này. Tiếp nối và phát triển nghề của mẹ, M'lơn đã xây dựng cho mình một xưởng nhỏ để dệt nên những túi xách, ví, khăn choàng vừa hiện đại, nhưng vẫn không làm thay đổi những giá trị văn hóa trên những tấm thổ cẩm.

“Hiện nay mỗi bộ áo váy thổ cẩm có giá từ 1 triệu đến 1,3 triệu, tùy theo hoa văn, kích cỡ. Một túi xách cũng có giá từ 1-3 trăm ngàn đồng và các sản phẩm vật dụng hàng ngày. Bên cạnh đó, tôi còn liên kết với làng dệt thổ cẩm Gla để lấy vải. Sau đó, về tạo các các sản phẩm hoàn chỉnh…”, chị M'Lơn cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Kim Anh- Chủ tịch xã Gla cho biết: “Hợp tác xã Nông nghiệp và Dệt thổ cẩm Gla thành lập đã tạo ra nguồn thu nhập cho chị em phụ nữ, quan trọng hơn còn là giữ gìn và phát huy nét đẹp, phát huy cái nghề truyền thống của đồng bào Banar nơi đây. Hướng sắp tới, xã sẽ xin phép cơ quan chức năng, mở tour du lịch kết nối các điểm du lịch của tỉnh, của huyện đến với Đồi Cỏ hồng Đăk Đoa, đến với làng nghề truyền thống Gla này...

Phạm Hoàng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm