Quảng Nam:
Nhộn nhịp vào mùa làm lân Trung thu
(Dân trí) - Gần đến dịp Tết Trung thu, không khí tại các cơ sở chế tác đầu lân tại Quảng Nam lại rộn ràng hơn để cung cấp sản phẩm cho các thị trường địa phương và trên cả nước.
Những ngày này, cơ sở sản xuất đầu lân của ông Nguyễn Hưng (thôn Trảng Kèo, xã Cẩm Hà, Hội An, Quảng Nam) lại nhộn nhịp hơn hẳn bởi không khí sản xuất và mua bán.
Mỗi con lân, mặt nạ đều chứa đựng cái hồn, vẻ đẹp khác nhau, tùy theo tâm trạng và cảm xúc của người làm. Điều quan trọng nhất để hình thành một con lân đẹp là khâu vẽ, sơn màu lên những chi tiết của con lân, mặt nạ.
Nhiều mẫu mã đẹp, đa dạng đáp ứng nhu cầu của khách hàng
“Thần thái” của con lân nằm ở đôi mắt. Lân mạnh mẽ, lân hung dữ, lân hiền lành… đều thể hiện qua ánh mắt. Còn điểm nhấn của mặt nạ chính là nụ cười rộng rãi, phóng khoáng. Nhờ có năng khiếu vẽ hoa văn, chịu khó học hỏi và mày mò thay đổi mẫu mã sản phẩm nên đầu lân tại cơ sở anh Hưng luôn đắt khách.
Để hoàn thành một chiếc đầu lân thì tốn ít nhất 4 ngày. Giá bán mỗi chiếc đầu lân nhỏ từ 70.000-100.000 đồng/cái; đầu lân tầm trung giá khoảng 260.000-400.000 đồng/cái; loại lớn giá 750.000 đến gần 1 triệu đồng/cái. Có những đầu lân được đặt có giá từ 5-7 triệu đồng/cái. Còn giá bán mặt nạ và mặt nạ ông địa có giá từ 55.000-80.000 đồng/cái.
Các nét vẽ tinh tế, tỉ mỉ và cũng đầy sáng tạo khiến các bạn trẻ rất yêu thích
Bình quân mỗi mùa Trung thu, cơ sở của ông sản xuất và bán được chừng 2.000 đầu lân nhỏ, khoảng 600-700 đầu lân lớn cùng khoảng 1.000 mặt nạ ông địa các loại, cung cấp cho bạn hàng ổn định khắp nơi từ Nam ra Bắc.
Ông Mai Văn Vàng (SN 1970, thôn Đồng Thạnh, xã Điện Minh, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) cũng là một trong số ít những người còn trụ lại với nghề gần 30 năm qua.
Đam mê làm lân từ nhỏ, đến năm 1995 ông Vàng mới chính thức khởi nghiệp, phát triển cơ sở sản xuất lân - sư - rồng Mai Vàng, đồng thời thành lập nên đội Mai Vàng song lân hội.
Ông Mai Văn Vàng, người đã giữ nghề làm lân gần 30 năm để mỗi Tết Trung thu lại làm đẹp cho đời
Tất cả sườn lân đều do ông chế tạo, chia tỷ lệ và đan. Để làm được sản phẩm đầu lân, ngay từ sau Tết Nguyên đán, ông mua tre và thuê nhân công làm khuôn, vót tre, chuẩn bị dụng cụ để làm khuôn, vót tre..
Đối với đầu lân nhỏ thì để hoàn thiện được nó cần có 3 công đoạn. Đầu tiên là đắp cốt, sau đó đợi khô rồi gỡ, đến công đoạn dán và sơn hoàn thiện. Còn với đầu lân lớn thì công đoạn hoàn thiện nó dài hơn, đầu tiên là làm vành, tiếp đến là đan mây, dán vải sau đó vẽ và dán lông.
Cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh
“Nghề làm lân tưởng nhàn nhã nhưng nhọc nhằn. Trước đây trong vùng nhiều người cũng mở xưởng, sau vài vụ là dẹp bỏ. Một đầu lân lớn bán giá cả chục triệu nhưng người làm lân chẳng giàu nổi do chi phí vật liệu từ nước ngoài khá đắt đỏ, cộng với công sức, thời gian bỏ ra khá lớn. Người làm nghề này chủ yếu là vì đam mê, tâm huyết với nghề. Nghề này chỉ tạm đủ sống nên ít người theo được”, ông Vàng cho biết.
Mỗi dịp hè và những ngày cận Tết Trung thu, cơ sở của ông nhận 20-50 bạn trẻ học nghề, có cả học sinh, sinh viên tranh thủ kiếm thêm. Các bạn được trả công mỗi ngày 150.000-200.000 đồng.
Ngoài các mẫu lân truyền thống, ông Vàng còn nghiên cứu và phát triển thêm nhiều mẫu mã mới phù hợp thị hiếu giới trẻ. Nhiều mẫu mã lân tại cơ sở như mẫu Singapore, Malaysia, Trung Quốc; hay lân đúc giả sườn vải gấm hoa văn tạo cho mùa Trung thu thêm nhiều màu sắc rực rỡ… được các bạn trẻ yêu chuộng, giá cả cũng phù hợp.
Khách hàng của ông Vàng chủ yếu là khách trong tỉnh, ngoài ra còn có nhiều người từ Quy Nhơn, Đăk Lăk, Bắc Ninh, Huế, Quảng Ngãi tìm đến đặt hàng. Mỗi năm, đến tháng 8 âm lịch, ông Vàng lại xuất bán hơn 15.000 đầu lân lớn nhỏ, con lân đắt nhất có giá 20 triệu đồng.
C.Bính-N.Linh