Nhật Tân tất bật trồng lại đào sau Tết
(Dân trí) - Cứ vào giữa tháng Giêng âm lịch, chủ các vườn đào Nhật Tân (quận Tây Hồ) lại bắt tay vào công cuộc thu gom và trồng lại đào. Những gốc đào đã cho thuê từ trước Tết sẽ được “quy tụ” về vườn, chuẩn bị cho công cuộc hồi sinh để phục vụ cho dịp Tết năm sau.
Nhộn nhịp mùa “gom” đào
Khoảng từ mùng 10 tháng Giêng trở ra, trên các tuyến đường Hà Nội, ta bắt gặp rất nhiều xe máy, ô tô vận chuyển những cây đào lớn về vùng đào Nhật Tân. Ngay sau đợt nghỉ Tết Nguyên Đán, nhiều nhà vườn đã mở dịch vụ “tái nhận” và phục hồi đào.
Hầu hết các cây đào được chở về vườn vào thời điểm này là đào thuê. Chủ vườn đào Hiệp Vụ (Nhật Tân, Tây Hồ) cho biết: “Tính trong đợt Tết Đinh Dậu vừa rồi, vườn nhà tôi đã cho thuê khoảng 500-600 cây. Tùy từng loại cây, từng loại gốc mà giá có sự dao động khác nhau. Cây nhỏ có giá trong khoảng 5-7 triệu, những cây to giá có thể lên đến chục triệu đồng”.
Năm nay, việc cho thuê đào có xu hướng “lên ngôi”. Nhiều chủ vườn đào chia sẻ, họ thường lựa chọn hình thức cho thuê đào nhiều hơn là để khách hàng mua đứt cây.
Chủ vườn đào Hiệp Vụ giải thích: “Cách đây 1,2 năm thì còn nhiều người bán đào. Nhưng giờ đây, hầu như mọi người trong làng chỉ cho thuê. Lý do một phần vì những gốc đào này rất quý, có gốc tuổi đời lên đến hàng chục năm nên giá cao, không có người mua. Nhưng bên cạnh đó, giờ không thể tìm đâu ra những gốc đào như vậy nữa nên chúng tôi phải giữ và chăm sóc cẩn thận”.
Được biết, một gốc đào nếu được chăm sóc cẩn thận có thể được quay vòng đến 7,8 năm. Sau khi lấy đào về chăm sóc tại vườn, người trồng tiếp tục tạo dáng rồi trông chờ vào dịp Tết Nguyên Đán năm sau. Lúc đó, nếu gốc đào già hơn, đẹp hơn, giá thuê cũng có thể dôi lên so với năm trước.
“Khách hàng thường hỏi thuê nhiều hơn, bởi như vậy vừa tiết kiệm, mà họ có thể thay đổi kiểu dáng đào mỗi năm. Tuy nhiên, việc trồng lại đào sau khi cho thuê cũng có nhiều cái may rủi. Chúng tôi phải bỏ nhiều công ra chăm sóc hơn. Phải là người làm đào thì mới thấu hết nỗi vất vả này. Chưa hết Tết ở quê, tôi đã phải tất bật lên ngay để chuẩn bị cho công việc”, một người đàn ông làm thuê quê Thanh Hóa chia sẻ.
Cái “may rủi” mà người trồng đào nhắc đến, đó là nỗi lo cho sự sinh trưởng của cây sau khi chở cây về từ nhà khách hàng.
Có nhiều trường hợp, dù người bán đã nhắc nhở nhưng người chơi đào vẫn không nắm được cách chăm sóc. Có nhà chỉ thuê về trưng cho đẹp, không tưới nước, không quan tâm nên khi lấy về trồng lại, đào nhanh chóng bị héo. Cũng có những nhà tưới nước quá nhiều làm đào bị úng, thối rễ. Đó không phải là chuyện hiêm gặp ở làng đào Nhật Tân.
Khó có “cửa” cho đào ký gửi
Trong dịp Tết, nhiều gia đình, cơ quan sau khi chi mạnh tay cho những gốc đào đáng giá bạc triệu thì giờ đổ xô đi tìm nơi gửi, nhờ chăm sóc để lấy lại vào Tết năm sau.
Chủ vườn Hiệp Vụ ước tính, khách muốn gửi đào tại vườn phải trả công chăm sóc và chi phí cho toàn bộ dịch vụ cũng gần bằng giá mua cây mới, thậm chí nhiều tiền hơn. “Một gốc đào được chăm sóc từ A đến Z trong vòng 1 năm, bao gồm các chi phí về phân bón, công người chăm sóc rơi vào khoảng 4-6 triệu. Với cây to hơn, giá cũng cao hơn”.
Trong gói dịch vụ nhận gửi đào có rất nhiều công đoạn, từ việc vận chuyển đến cắt tỉa cành lá, tách cây từ chậu xuống đất vườn, bón phân và tạo dáng cho cây nở đẹp, đúng thời gian dịp tết.
Tuy nghe có vẻ đơn giản, nhưng không nhiều nhà vườn muốn nhận chăm sóc cây theo hình thức này. Một người trồng đào lâu năm tại vườn đào Nhật Tân lý giải “Việc chăm sóc đào ký gửi rất vất vả, kỳ công. Nếu làm không đúng quy trình, không chỉ mất uy tín mà còn làm hỏng cả cây của khách. Nhiều khách hàng do chơi đào quá lâu, hoặc gốc đào yếu nên khi gửi tại vườn chăm sóc không thể phục hồi được như cũ được. Chẳng may cây chết, vườn lại phải mua cây mới bù cho khách. Chính vì thế, không phải chủ vườn nào cũng mặn mà với dịch vụ chăm sóc như vậy”.
Một số chủ vườn cho hay, dù có khách trả giá cao gấp 2-3 lần nhưng cũng đành từ chối vì không còn đất trồng, trừ khách hàng thân quen hoặc đã mua đào tại chính vườn nhà mình.
Hoàng Ngọc