Nhà sáng chế “chân đất” đa năng ở xứ Quảng

(Dân trí) - Dù chưa trải qua trường lớp nào nhưng “kỹ sư chân đất” Lê Tất Dũng đã làm nên những điều kì diệu mà không phải ai cũng làm được. Ông đã mày mò, tự nghiên cứu, sáng chế ra máy cày đa năng để giải phóng sức lao động cho bà con nông dân...

Mấy năm gần đây, cái tên Lê Tất Dũng (SN 1965, trú thôn Phú Lộc, xã Đại An, Đại Lộc, Quảng Nam) được nhiều người nông dân ở khắp huyện Đại Lộc cũng như cả nước biết đến bởi ông đã bỏ tiền túi ra để đầu tư xây dựng cầu phao nối đôi bờ sông Vu Gia.

dsc-0177-1cb44
“Kỹ sữ chân đất” Lê Tất Dũng tự mày mò và sáng chế chiếc máy cày đa năng

Cây cầu phao này do chính ông Dũng thiết kế và đầu tư xây dựng. Đây quả là một kỳ tích có một không hai bởi ông Dũng chưa hề học qua bất cứ một trường lớp nào. Tự mày mò, nghiên cứu cộng với sự siêng năng, cần cù của người nông dân mới làm được điều kỳ diệu này.

Không dừng lại ở chiếc cầu phao phao ấy, hằng ngày ông Dũng cứ mày mò bên máy hàn, các loại máy móc, thiết bị nhằm tiếp tục sáng chế ra những cái máy mới hơn, hiện đại hơn để tiếp tục giúp cho bà con nông dân quê mình.

dsc-0180-4aeb1
Chiếc máy cày đa năng của ông Lê Tất Dũng được tận dụng các loại thiết bị, máy móc cũ của xe máy

Ông Dũng kể, trong một lần ở nhà chứng kiến người em trai của mình cả ngày cứ hì hục làm đất màu, thấy em vất vả, mồ hôi nhễ nhại nhưng hiệu quả lại không cao. Đặc biệt, tài vùng B đất Đại Lộc là nơi nông dân làm đất màu khá nhiều nhưng chủ yếu dựa vào sức người để rạch hàng, tỉa và gieo hạt. Điều này tốn nhiều thời gian và công sức. Thấy vậy, ông nảy sinh ý tưởng sáng chế chiếc máy cày để giúp em trai mình và bà con trong xã.

dsc-0184-67404

Hoàn thiện những khâu cuối cùng để chuẩn bị cho ra lò chiếc máy cày đa năng của “kỹ sư chân đất” Lê Tất Dũng

Nghĩ là làm, ngay hôm sau ông lấy xe máy chạy khắp nơi để tìm mua những vật dụng cần thiết rồi đưa về tập kết lại để bắt đầu làm thử nghiệm.Sau hơn một tháng trời mày mò, nghiên cứu và chế tạo, cuối cùng chiếc cày tỉa rọc đa năng (gọi là máy cày đa năng) cũng được hình thành. Vào tháng 6/2014 ông đưa ra chạy thử nghiệm thành công, người dân xã Đại An nói riêng và huyện Đại Lộc lại một lần nữa vui mừng và tự hào khi ông Dũng chế tạo thành công chiếc máy cày đa năng này.

Chiếc máy cày đa năng của ông Dũng có cấu tạo gồm: Tay cầm lái như xe máy, bánh lồng làm bằng hai vành xe máy có lưỡi bám đất khi vận chuyển, động cơ xe máy 110 phân khối, hệ thống sên xích tải có chức năng giảm vòng quay bánh xe tăng sức kéo cho lưỡi cày hệ thống côn ga và phanh bằng tay, bình chứa xăng tận dụng bằng chai nước suối, bình điện (6V, 5A) dùng để đề khởi động máy. Khung sườn máy cày làm bằng sắt V5 hàn nối theo cấu tạo xe lôi, chính giữa khung sườn sắt có một bánh xe định vị cân đối giữa bánh lồng mà chiếc cày, cày sâu hoặc nông là nhờ vào bánh xe định vị này.

dsc-0252-f3c81
Với chiếc máy cày của ông Lê Tất Dũng, chỉ cần 1 lít xăng, chạy một tiếng đồng hồ thì bà con nông dân có thể làm đến 3-4 sào ruộng, và một ngày có thể làm 30-40 sào/ngày

Theo ông Dũng, tính năng khó nhất ở máy cày này là làm sao cân đối được vòng tua giữa hệ thống sên xích với động cơ để kéo được chiếc máy cày đi bởi động cơ xe máy chỉ có trớn thì mới chạy mạnh được.

Ông Dũng tự hào: “Chiếc máy này nhỏ gọn nhưng công năng rất hiệu quả bởi vừa rọc hàng, vừa cày, tỉa, lấp đất để bà con bớt đi công lao động và giảm chi phí. Hiệu quả của nó cao gấp hơn 10 lần so với lao động của người bình thường và rất có ý nghĩa khi rọc và gieo tỉa các loại cây xen canh trên đất đang trồng các loại cây khác trong lúc các máy cày hiện có không làm được. Với chiếc máy cày này, chỉ cần 1 lít xăng, chạy một tiếng đồng hồ thì bà con nông dân có thể làm đến 3-4 sào và một ngày có thể làm 30-40 sào/ngày”.

Ông cũng vui mừng cho biết, đến nay nông dân khắp nơi đã mua máy cày của ông về sử dụng và 25 chiếc đã bán ra thị trường. Giá bán mỗi chiếc 2,5 triệu đồng, trừ các chi phí, mỗi chiếc (mỗi chiếc máy cày hiện nay ông làm từ 5-7 ngày là xong) ông lời từ 500-700 ngàn đồng. Dù là thu nhập không bao nhiêu, nhưng thấy bà con nông dân vui và tiết kiệm được thời gian, công sức trong việc đồng án là lòng thấy vui hơn.

 

Ngoài việc sáng chế ra chiếc máy cày đa năng này, ông Dũng còn sáng chế ra máy sạc đậu xanh khá hiện đại và hiệu quả. Với chiếc máy này, mỗi giờ có thể sạc được hơn 200 ký hạt đậu xanh. Ông Dũng còn ấp ủ sẽ tiếp tục sáng chế một chiếc máy lặc hạt đậu phụng trong thời gian tới.

Chiếc máy cày đa năng này ông Dũng được nhận bằng khen của tỉnh Quảng Nam năm 2014 và năm 2015 ông được bình chọn là một trong 63 nông dân tiêu biểu của Việt Nam. Mặc dù vậy, ông Dũng cho biế chiếc máy cày này hiện vẫn chưa được đăng ký sáng chế độc quyền vì kinh phí không có.

“Tôi mong có nhà tài trợ đầu tư tôi sẽ mạnh dạn mở rộng cơ sở để sản xuất hàng loạt loại máy cày này nhằm có giá thành thấp hơn để giúp cho người nông dân đỡ vất vã hơn. Nếu được tài trợ, 10 chiếc máy cày đầu tiên tôi làm để tặng cho nông dân nghèo ở các vùng…”, ông Dũng mơ ước.

Công Bính

Nhà sáng chế “chân đất” đa năng ở xứ Quảng - 5

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm