Nguyên tắc tự trọng của cô bé bán dạo quần áo chó, mèo
Hình ảnh một cô bé có dáng người nhỏ thó, gầy gò, làn da đen nhẻm nhưng lại luôn nở nụ cười thân thiện với câu nói: “Cô ơi, cô có cần mua đồ cho chó, mèo không?” đã dần trở nên quen thuộc với những người dân quanh khu vực chợ Bến Thành hay Nhà thờ Đức Bà (quận 1, TP Hồ Chí Minh). Đó là Nguyễn Thị Bảo Trâm - cô bé sinh năm 1999, quê Bình Định.
Ít ai biết được trước khi bán quần áo cho chó, mèo, cô bé 16 tuổi đã làm rất nhiều nghề như: bán vé số, phụ hồ, phụ quán ăn,... Buôn bán rất khéo, nếu khách không mua, Trâm không bao giờ nài nỉ hay đi theo làm phiền mà vẫn tươi cười cảm ơn. Điều ấn tượng nhất là em thà sống bằng 2.000 đồng – 5.000 đồng tiền lời của chiếc áo chó, mèo chứ tuyệt đối không nhận vài trăm ngàn đồng do một người khác tặng.
Ngày nào cũng bắt đầu từ 10h30 sáng, em đạp xe đi bán dạo. Đi quanh khu vực chợ Bến Thành, Hồ Con Rùa, Nhà thờ Đức Bà, cả những con hẻm nhỏ trong thành phố từ quận 1 đến quận 12.
Kèm theo câu chuyện kể là nụ cười tươi: “Một ngày trung bình em bán được khoảng 200.000 đến 300.000 đồng, em lấy công làm lời là chính nên phải cố gắng đi nhiều. Đến khoảng 22h30 em về đến nhà. Có nhiều cô chú thương em cho tiền, em biết ơn lắm, nhưng em còn có tay, chân, em muốn nỗ lực vươn lên từ sự lao động của mình. Em thấy vui và thích hơn khi mọi người ủng hộ em bằng cách mua những bộ áo quần cho chó, mèo”.
Cô Hiệp (mẹ của Trâm) bồi hồi nhớ lại, ngày trước ở ngoài quê Bình Định, ba Trâm là người thường xuyên rượu chè, cứ hễ say xỉn lại về đánh mẹ con Trâm. Có những hôm nửa đêm, ba mẹ con Trâm phải chạy qua nhà hàng xóm ngủ nhờ để tránh những trận đòn của người chồng, người cha vũ phu. Không chịu nổi những trận đòn trút giận, một đêm cuối năm 2012, ba mẹ con Trâm lén trốn vào Sài Gòn khi trong túi chỉ còn vỏn vẹn 100.000 đồng.
Ngồi ở nhà chờ bến xe, cả ba người không biết đi đâu về đâu, không nhà cửa, không bà con họ hàng thân thích, cuối cùng cả ba mẹ con bắt một chuyến xe buýt và cứ để… tới đâu thì tới. Và chỗ họ tới là bờ kè trên đường Hoàng Sa, ba mẹ con vừa tủi vừa buồn, ôm nhau ngủ trên lề đường với cái bụng đói meo.
Nhắc lại khoảng thời gian đó, cô Hiệp ngậm ngùi: “Kể ra thì xấu hổ, nhưng chúng tôi đã đi vào ngõ cụt, sáng ra đứa em của Trâm còn nhỏ phải bế trên tay khóc rã người vì đói, vì thiếu sữa. Bé Trâm thì im lặng chịu đựng, cùng đường nên mẹ con tôi đành ngồi bên vỉa hè xin tình thương mọi người đi qua. Lúc đó tôi chỉ cảm nhận được người Sài Gòn nhân ái lắm, nhờ sự nhân ái đó mà mẹ con tôi có bữa ăn qua ngày. Cũng may có một người mở quán ăn, thương tình cho ba mẹ con vào rửa chén, cho cả chỗ ăn chỗ ở miễn phí, nhờ vậy mà tôi để dành được số vốn nho nhỏ, bữa nào quán không bán thì mẹ con tôi lãnh vé số đi bán”.
Gần đây, mẹ con Trâm gặp được một cô chủ nhà tốt bụng ở quận 12 cho thuê trọ với giá rẻ nên đỡ chật vật hơn. Ngày trước mẹ Trâm đã từng làm công nhân may ở xí nghiệp, Trâm lại bàn với mẹ may đồ em bé để Trâm bán dạo ngoài đường. Nhưng một thời gian ngắn sau đó, thấy đồ em bé có rất nhiều người bán nên Trâm nói với mẹ ý tưởng may áo quần cho chó, mèo để bán. Hai mẹ con thuê máy may, máy vắt sổ về làm.
“Ban đầu em nản lắm, em mang đồ đi gõ cửa từng nhà để chào bán, chạy lòng vòng khắp nơi, thấy nhà nào có nuôi chó, mèo hay có người dẫn chó, mèo đi dạo em cũng đến mời nhưng chẳng có mấy người mua. Em cũng sợ nếu bán không được sẽ không đủ để đóng tiền nhà, sẽ bị đuổi đi như trước đây, vậy là vừa đạp xe vừa khóc mãi. Đến khi ra chợ Bến Thành thì có nhiều người mua hơn. Từ đó em đạp xe đi càng nhiều nơi càng tốt”.
Cô bé được nhiều người ủng hộ và thương vì sự lễ phép, đáng yêu, đặc biệt là em còn rất thật thà. Lần đầu tiên bán được 500.000 đồng là một ngày may mắn mà em không bao giờ quên được.
Nhắc lại với sự hào hứng: “Bữa đó đi cả ngày mà chẳng bán được cái nào, mời từng người nhưng không ai mua, đi trên bờ kè Hoàng Sa – Trường Sa vừa đói vừa bất lực nên em bật khóc. Các cô chú gần đó thấy vậy hỏi thăm, biết hoàn cảnh nên nói nhau mỗi người mua một ít ủng hộ”. Cảm giác vui mừng lẫn biết ơn ngày hôm đó mỗi khi nhớ lại em vẫn thấy còn như in.
Người Sài Gòn nhân ái là vậy, nhưng cũng không thiếu cạm bẫy mà một cô bé mới lớn nếu không vững tâm sẽ dễ dàng sa chân vào. Trâm kể: “Có lần em đang đạp xe về thì có một người trạc tuổi ông của em chạy lên rủ em đến chỗ vắng người, sợ quá nên em đạp thật nhanh vòng xe đường khác về nhà”.
Ở độ tuổi ăn học, Trâm phải vượt qua những nỗi sợ hãi, đều đặn mỗi ngày đạp xe trên khắp những con đường, khắp mọi ngõ hẻm của Sài Gòn để bán từng chiếc áo quần cho chó, mèo. Nghị lực sống mạnh mẽ cùng những nét hồn nhiên của tuổi mới lớn ánh lên con người em nét đẹp hiền hậu, chịu thương chịu khó. Trâm chỉ ước mơ có chút vốn mở một tiệm nhỏ chuyên bán áo quần chó, mèo, để mẹ bớt khổ, để có tiền trang trải cuộc sống, và bé Trúc được đến trường học cái chữ.
Theo Bảo Trân
Công an Nhân dân