Người Việt ở Mỹ sau bão Milton: Đợi 3 tiếng mua xăng, một tuần chưa có điện
(Dân trí) - Sau khi bão Milton đi qua, nhiều khu vực ở Florida chưa được cung cấp điện trở lại khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn.
Tối 9/10, bão Milton đổ bộ vào Florida, Mỹ với sức gió khoảng 193km/h (cấp 3 - theo thang đo của Mỹ).
Cường độ gió giảm hơn so với dự báo trước đó, song vẫn gây một số thiệt hại như: Cây đổ, nhiều nhà tốc mái, lưới điện bị hư hỏng...
Đến nay, sau một tuần từ khi bão đổ bộ, nhiều khu vực ở Florida vẫn chưa có điện trở lại.
Mất điện một tuần, cảnh sát hộ tống xe chở xăng
Bão đi qua, căn nhà của anh Tuấn Trần (sống ở Sarasota, Florida, Mỹ) vẫn bình an vô sự. Sau một đêm gió lớn càn quét, khi bước ra sân, người đàn ông gốc Việt chứng kiến cảnh tượng ngổn ngang.
Nhà kho bị tốc mái, hàng rào gỗ xung quanh đổ sập. Cây hoa giấy được cả nhà nâng niu, chăm sóc cẩn thận bị gió bão vùi dập, tơi tả hoàn toàn.
Dù có một số thiệt hại nhỏ, nhưng nhìn thấy cả nhà và hàng xóm vẫn bình an, anh Tuấn Trần cảm thấy nhẹ nhõm.
Những ngày này, cuộc sống của gia đình anh gắn bó với chiếc máy phát điện kêu ồ ồ. Thiết bị này tiêu tốn 7,5 lít xăng/ngày, chi phí khoảng 30 USD (hơn 750.000 đồng).
Sarasota - nơi gia đình anh Tuấn Trần sinh sống - là khu vực có tâm bão quét qua. Tuy mưa to, gió mạnh trút xuống trong nhiều giờ đồng hồ, song mức độ tàn phá không lớn như mọi người lo lắng.
Sau bão, tình trạng mất điện đã kéo dài một tuần, cuộc sống của gia đình anh Tuấn Trần đảo lộn.
"Dự kiến ngày 17/10, khu vực nhà tôi ở mới có điện. Cuộc sống bị ảnh hưởng rất nhiều, song cả nhà cố gắng khắc phục. Tôi dùng lò nướng BBQ để nấu đồ ăn, các con phải tắm bằng nước lạnh", anh Tuấn nói.
Chung tình cảnh với gia đình anh Tuấn Trần, tính đến sáng 15/10, có hơn 193.000 hộ dân ở Florida chưa có điện sau bão Milton. Trước đó, 50.000 nhân viên ngành điện đã được huy động, làm việc liên tục giúp 4 triệu hộ gia đình ở bang này được cấp điện trở lại.
Sau bão, nhiều người gốc Việt ở Florida chứng kiến cảnh xếp hàng dài, chờ đợi để mua xăng.
Theo anh Tuấn Trần, một số cây xăng ở chợ Costco có máy phát điện công suất lớn mới mở bán cho khách hàng. Trong khi đó, nhiều cây xăng khác bị mất điện không thể hoạt động. Hình ảnh xếp hàng mua xăng không còn xa lạ với người dân nơi đây sau mỗi cơn bão lớn.
"Cách đây vài ngày, cảnh xếp hàng 3-4 tiếng để mua xăng không phải là chuyện hiếm gặp. Do các gia đình đi tránh bão trở về gây ùn tắc đường, xe bồn không vận chuyển xăng được kịp thời.
Cảnh sát phải hộ tống, dẫn đường cho xe bồn di chuyển nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Hiện, tình hình đã tốt hơn, khoảng 10% khu vực ở Sarasota vẫn mất điện", anh Tuấn Trần chia sẻ với Dân trí.
Lái xe đi lòng vòng để... sạc pin
Khi bão đổ bộ, 4 người trong gia đình chị Thủy (Odessa, Florida, Mỹ) ngồi trong căn nhà kín vẫn nghe tiếng gió quật mạnh ở bên ngoài. Âm thanh rít lên từng hồi khiến người phụ nữ này tưởng tượng về mức độ thiệt hại lớn.
Sau một đêm, hai vợ chồng lái xe dạo một vòng thành phố. Ngoại trừ một số cây cối bị đổ do sức mạnh 193km/h của bão Milton, không nhìn thấy thiệt hại nào quá lớn, người phụ nữ gốc Việt mới thở phào.
Trả lời phỏng vấn Dân trí, chị Thủy chia sẻ: "Đêm 9/10, khi bão đổ bộ, cơ quan chức năng cắt điện để đảm bảo an toàn. Sau bão, những ngày chưa có điện, vợ chồng tôi phải lái xe dạo xung quanh nhà, vừa đi vừa cắm sạc pin điện thoại.
Tối 12/10, nhà tôi có điện trở lại. Hiện, cuộc sống đã bình thường như trước bão."
Trong lúc mất điện, máy phát điện công suất nhỏ không đáp ứng được nhu cầu, vợ chồng người phụ nữ này chạy đôn đáo khắp nơi tìm mua thiết bị có công suất lớn hơn.
Điện bị mất trên diện rộng tại Florida nên nhu cầu mua máy phát điện rất lớn, hàng về đến đâu được bán sạch đến đó. Một số hộ kinh doanh thông báo không có hàng để bán.
"Sau 2 ngày tìm kiếm khắp nơi, tôi mua được máy phát công suất 6000W với giá 1.200 USD (hơn 30 triệu đồng). Giá cả không bị tăng so với trước đây. Tối 12/10, điện được cấp trở lại nên máy phát mới mua sẽ được dùng trong các cơn bão sau", chị Thủy chia sẻ.
Sống tại Mỹ 8 năm, chị Thủy chứng kiến rất nhiều cơn bão quét qua Florida. Người dân ở đây luôn có ý thức phòng tránh bão, chằng chống nhà cửa cẩn thận. Các căn nhà ở Florida chủ yếu được làm bằng gỗ nhưng cách thiết kế đảm bảo chắc chắn.
"Hầu hết các căn nhà ở đây đều được trang bị kiểu cửa sổ chống bão. Khi có tin bão đổ bộ, gia chủ gắn thêm tấm kim loại bên ngoài, có thể ngăn gió giật.
Gia đình tôi không có kiểu cửa này nên mua tấm gỗ về che chắn. Thời gian tới, vợ chồng tôi sẽ làm kiểu cửa chống bão, không còn phải lo lắng mỗi khi có bão", chị Thủy nói.