Người trẻ Sài Gòn nhớ da diết quán bar, thấy buồn vì cảnh "tắt đèn tối om"

Thư Quỳnh

(Dân trí) - "Giờ kẹt dịch bệnh không được đi bar, mình thèm khủng khiếp. Nhiều khi áp lực không biết tìm đến đâu", Nguyễn Thanh An nhân viên một ngân hàng ở Sài Gòn, tâm sự.

"Sài Gòn về đêm bỗng lạnh lẽo, trống vắng khi bar đóng cửa"

Đã gần một tháng, kể từ ngày các quán bar tại Sài Gòn tạm ngưng hoạt động để phòng chống dịch Covid-19. Đi ngang những con đường như Nguyễn Huệ, Bùi Viện, Tôn Đức Thắng… đã không còn màu đèn rực rỡ, tiếng nhạc sôi động cùng đông đúc các nam thanh nữ tú qua lại.

Theo cách nói của anh Nguyễn Đỗ Nguyên Lễ (29 tuổi), một nhà thiết kế nội thất đang sống và làm việc tại Sài Gòn: "Sài Gòn về đêm bỗng trở nên lạnh lẽo, trống vắng và có chút gì đó sầu não khi các quán bar đóng cửa".

Người trẻ Sài Gòn nhớ da diết quán bar, thấy buồn vì cảnh tắt đèn tối om - 1

Con đường Bùi Viện nổi tiếng với nhiều quán bar, pub tưng bừng, rực rỡ mỗi đêm nay vắng lặng, tối đen (ảnh: Hải Long).

"Khó mà khẳng định bar, pub ở Sài Gòn có quá quan trọng hay không. Nhưng với mình, nó giống như một đoạn kết bài của phần lớn người trẻ trong một ngày dài. Đây là nơi để họ có thể giải tỏa và quên hết những lo toan nhọc nhằn trong cuộc sống. Đang buồn đến sẽ vui, đang vui đến sẽ vui hơn. Những quán bar luôn đi cùng với nhịp sống của Sài Gòn, là một đặc trưng đầy màu sắc cho cuộc sống về đêm nhộn nhịp của những người trẻ", anh Nguyên Lễ chia sẻ.

Những suy nghĩ về bar, pub của anh Lễ cũng là quan niệm của đa số người trẻ Sài Gòn, bar là một hình thức giải trí bình thường, lành mạnh. "Văn hóa đi bar" của thế hệ trẻ hiện nay cũng tương tự như "văn hóa cà phê", "văn hóa nhậu" của những thế hệ trước, tốt hay xấu là do bản thân mình tự quyết định.

Người trẻ Sài Gòn nhớ da diết quán bar, thấy buồn vì cảnh tắt đèn tối om - 2

Anh Nguyên Lễ chụp ảnh check-in tại một quán bar ở quận Tân Phú. (Ảnh: NVCC)

Chị Đỗ Hải Đăng (26 tuổi), một khách quen của nhiều quán bar, pub, lounge ở Sài Gòn, chia sẻ sau giờ làm việc, thay vì la cà quán nhậu hay cà phê, chị tìm đến những quán bar có không gian mở trên các tầng thượng để nhâm nhi một vài ly cocktail, thả hồn theo âm nhạc. Tiêu chí chọn quán bar của chị Đăng là những quán đẹp, sang trọng, lịch sự và riêng tư. Dù giá cả ở những quán này có phần đắt đỏ, chị vẫn rất vui vẻ chi trả.

Suốt một thời gian không được đến bar vì ảnh hưởng của dịch bệnh, chị Đăng cảm thấy nhớ da diết cảm giác ngồi tại quầy rượu, nhìn bartender pha chế và nhớ cả hương vị của những ly cocktail yêu thích.

Cùng tâm trạng ấy, anh Nguyễn Thanh An (25 tuổi), nhân viên ngân hàng thì bảo "thèm kinh khủng khiếp, nhiều khi áp lực không biết tìm đến đâu luôn!".

Người trẻ Sài Gòn nhớ da diết quán bar, thấy buồn vì cảnh tắt đèn tối om - 3

Cảnh tượng vắng vẻ, đìu hiu ở một góc Bùi Viện buổi tối cuối tuần (ảnh: Hải Long).

Anh chàng này chia sẻ bar pub không phải là nơi để thác loạn, sa đọa vào tệ nạn mà là điểm để người trẻ như anh hẹn hò, tâm sự cùng bạn bè, để thư giãn, xả stress sau những giờ làm việc căng thẳng

Những hôm đi cùng bạn bè, anh An sẽ chọn những quán đông đúc, nhộn, sôi động để "quẩy" cùng nhạc. Nhưng nếu chỉ đi một mình, anh sẽ chọn những quán yên tĩnh, ngồi tại quầy bar thưởng thức rượu và huyên thuyên vài câu chuyện với bartender. 

Nhiều khách nhắn tin than thở nhớ quán

Chị Mai Thảo (28 tuổi), chủ một quán bar tại quận 1 cho biết: "Từ ngày dịch bùng phát tới giờ, nhiều khách nhắn tin với mình than thở là nhớ quán quá! Mình cũng nhớ khách nhưng tình hình bệnh dịch như vậy cũng đành chịu. Thỉnh thoảng mình vẫn ghé quán, quét dọn rồi ngồi nhâm nhi vài ly rượu cho đỡ nhớ. Chỉ hy vọng dịch bệnh sớm qua để mọi thứ được trở lại bình thường".

Tuy không thường xuyên ghé thăm các quán bar, nhưng trong thời gian dịch bệnh, các quán bar tạm ngưng hoạt động, anh Phan Hiệp Hưng (26 tuổi) vẫn thấy hơi nhớ những loại rượu ưa thích cùng những người "bạn rượu" chí cốt của mình.

Người trẻ Sài Gòn nhớ da diết quán bar, thấy buồn vì cảnh tắt đèn tối om - 4

Anh Phan Hiệp Hưng nhâm nhi ly rượu yêu thích tại "quán ruột" ở quận 1 những ngày trước dịch. (Ảnh: NVCC)

"Trước dịch, mình thường ghé đến các quán bar yên tĩnh, âm nhạc nhẹ nhàng, không quá đông đúc để có thể thưởng thức rượu được trọn vẹn hơn, dễ trò chuyện với bạn bè hơn".

Trong suy nghĩ của anh Hưng, các quán bar mà anh từng lui tới đều là những nơi tuyệt vời để vừa nhâm nhi những loại rượu ưa thích, vừa tâm sự một vài câu chuyện riêng một cách cởi mở mà bình thường khó có thể tâm sự cùng ai.

Mặc dù có nhớ, nhưng anh Hưng hiểu được việc đóng cửa các quán bar là bắt buộc phải làm. Những nhu cầu giải trí có thể tạm gác lại chờ dịch bệnh qua đi vì sức khỏe là quan trọng nhất.