Người kết nối hàng trăm cây cầu nông thôn ở miền Tây Nam Bộ
(Dân trí) - Hơn 10 năm qua, khi nói tới nhiều cây cầu nông thôn được xây nên ở nhiều tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL, không ai không nhắc tới người có công rất lớn trong việc kết nối để cho ra đời những cây cầu này, đó là Thượng tọa Thích Minh Hạnh, trụ trì chùa Thiên Thới (xã Thới An Hội, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng).
Trò chuyện với chúng tôi, Thượng tọa Thích Minh Hạnh chia sẻ: “Nhiều địa phương ở Sóc Trăng và các tỉnh miền Tây Nam Bộ có hệ thống sông ngòi chằng chịt, vì thế từ bờ này qua bờ kia, người dân chủ yếu là đi xuồng ghe hay bắc cầu tạm bằng cây gỗ nên rất khó khăn. Vì thế, tôi có ý nguyện làm sao có được những cây cầu bê tông vững chắc cho bà con đi lại thuận tiện, các cháu học sinh đi học an toàn.
Thật vui khi ý nguyện của mình được nhiều người ủng hộ nên từ cuối năm 2008, 3 cây cầu đầu tiên được xây dựng tại huyện Kế Sách. Sau 3 cây cầu này, trung bình mỗi năm, chúng tôi xây dựng được 30 cây cầu ở vùng sâu, vùng xa. Đến nay đã có trên 200 cây cầu được xây dựng xong với kinh phí hàng chục tỉ đồng ở nhiều tỉnh trong khu vực ĐBSCL”.
Theo Thượng tọa Thích Minh Hạnh, Phật tử muốn xây dựng cầu ở tại địa phương để phục vụ cho bà con đi lại, cũng như cho bà con được hạnh phúc, an vui. Trên cơ sở đó, Thượng tọa Thích Minh Hạnh đã kết nối với các nhà tài trợ, các nhà hảo tâm để xây dựng cầu. “Đây cũng là một chút công sức của mình đóng góp cùng các địa phương thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới”, Thượng tọa Thích Minh Hạnh cho biết.
Ông Nguyễn Văn Hải (xã Đại Hải, huyện Kế Sách) cho biết, cầu nông thôn nối 2 bên bờ sông giữa ấp Hậu Bối và ấp Nam Hải thuộc xã Đại Hải là một trong rất nhiều cây cầu được Thượng tọa Thích Minh Hạnh vận động các nhà hảo tâm đóng góp xây dựng. Cây cầu được xây dựng hơn 250 triệu đồng, hoàn thành mang lại niềm vui lớn cho người dân địa phương. Cuộc sống người dân thay đổi hẳn. “Trước đây không có cây cầu, bà con đi qua rất khó khăn, các cháu học sinh đi học qua sông cũng rất bất tiện. Nay có cầu bà con rất phấn khởi”, ông Hải nói.
Thượng tọa Thích Minh Hạnh cho biết: “Việc xây cầu thì chùa Thiên Thới có hẳn một đội do các nông dân tự nguyện tham gia xây dựng cầu với tinh thần lòng hướng thiện, mang niềm vui đến cho người dân”.
Ông Nguyễn Văn Chiêu (năm nay đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn tham gia đội xây dựng cầu của chùa Thiên Thới) cho biết: “Tôi tham gia nhóm xây dựng cầu của chùa hơn mười mấy năm rồi. Xây cầu phục vụ bà con nên rất vui, không thấy mệt chút nào”.
Ông Bùi Khuyến Thiện - Chủ tịch UBND xã Thiện Mỹ (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) cho biết: “Xã chúng tôi là vùng sâu vùng xa, có cầu nhưng cầu cây do bà con tự bắc qua sông nên đi lại khó khăn. Vừa qua chúng tôi được Thượng tọa Thích Minh Hạnh và các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng 2 cây cầu với kinh phí khoảng 620 triệu đồng. Có cầu, bà con vui lắm. Những cây cầu được Thượng tọa Thích Minh Hạnh và các nhà hảo tâm xây dựng rất có ý nghĩa đối với địa phương trong xây dựng xã nông thôn mới, giúp người dân thuận tiện trong đi lại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội”.
Nói về nguyện vọng của mình khi thực hiện việc kết nối xây cầu, Thượng tọa Thích Minh Hạnh cho biết: “Tôi mong muốn sẽ kết nối để xây dựng được 1.000 cây cầu cho người dân ở các địa phương đi lại thuận lợi hơn”.
Với những đóng góp trong công tác từ thiện xã hội, Thượng tọa Thích Minh Hạnh đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì và nhiều Bằng khen của UBND các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL.
Cao Xuân Lương