Người Huế ăn gì trong ngày Tết Đoan Ngọ?
(Dân trí) - Với tính cầu kỳ trong cách chế biến ẩm thực của con người xứ Huế, không kể là Tết Đoan Ngọ, bất kỳ những dịp lễ nào, người Huế đều có thể tạo ra những món ăn hấp dẫn và độc đáo.
Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch) hay còn gọi là Tết Đoan Dương. Ở Việt Nam còn có tên gọi khác là Tết “diệt sâu bọ”, bởi đây là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng… Đây là dịp mà mọi người thường quây quần bên nhau, nấu những món ăn ngon cho gia đình. Theo truyền thống của người dân xứ Huế, Tết Đoan Ngọ không thể thiếu chè kê và thịt vịt.
Những món ngon từ vịt
Dân gian thường quan niệm rằng ngày 5/5 âm lịch là ngày khí trời nóng nực, nhiệt độ cao nên người ta dùng thịt vịt có tính mát, bổ, để quân bình nhiệt - hàn giữa Trời và Người. Hơn nữa, bắt đầu từ mùng 5 tháng 5 trở đi, vịt bắt đầu vào mùa. Những con vịt béo hơn, thịt ngon và không có mùi hôi nữa. Chính vì vậy món ăn từ thịt vịt luôn được mọi người lựa chọn trong dịp này.
Dù sang hay hèn, dù giàu hay nghèo thì thịt vịt vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của các bà nội trợ. Vào những ngày này, vịt được bán rất nhiều và bán rất chạy tại các chợ ở Huế. Các bà nội trợ luôn ra chợ từ sớm để lựa chọn những con vịt to, béo để chuẩn bị cho bữa ăn của gia đình.
Với sự cầu kỳ trong chế biến món ăn, người Huế luôn biết cách tạo ra nhiều món ăn ngon và hấp dẫn từ một nguồn thực phẩm. Với thịt vịt, những món ăn như cháo vịt, vịt luộc chấm nước mắm gừng, bún vịt xáo măng, vịt quay,… luôn được người dân xứ Huế ưa chuộng. Phổ biến nhất vẫn là món vịt luộc chấm nước mắm gừng ăn kèm rau sống.
Sự kết hợp của món ăn này vô cùng hợp lí và hấp dẫn. Bởi vịt, theo Đông y có tính hàn, nên được dùng vào thời tiết nắng nóng là thích hợp, rồi khi chế biến, người nội trợ lại thêm một lần kết hợp “nóng lạnh“ giữa vịt và gừng tạo nên một món ăn không chỉ thơm ngon mà còn bổ dưỡng!
Chè kê, bánh tráng
Chè kê là món ăn đặc trưng cho ngày Tết Đoan Ngọ ở Huế. Những hạt kê mẩy tròn sau khi được xay cho tróc vỏ, ngâm và đun sôi đến khi nở mềm, sền sệt, bỏ thêm đường và nước gừng sẽ cho ra nồi chè thơm phức với màu vàng kê quyến rũ.
Chè kê ở Huế đặc biệt ở chỗ đó là thường ăn kèm với bánh tráng mè. Lúc ăn, người ta không cần muỗng mà dùng bánh tráng để xúc. Chính vì vậy, vị giòn của bánh tráng nhanh chóng hòa lẫn với vị ngọt của đường, vị dẻo thơm của kê và thơm cay thoang thoảng của gừng tươi khiến món chè này đã ngon càng thêm hấp dẫn.
Chè kê tuy nấu đơn giản nhưng chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn so với các ngũ cốc khác, đồng thời có tác dụng bồi bổ khí huyết, cân bằng thể trạng, là thức uống giải nhiệt tốt cho mùa hè.
Bạch Châu – Đại Dương