Người Hải Phòng vào siêu thị sạc pin, thuê nhà nghỉ ở vì mất điện, mất nước
(Dân trí) - Gia đình chị Hà phải thuê phòng nghỉ với giá 500.000 đồng/đêm để tắm gội, còn anh Tuấn chờ đợi ở siêu thị để được sạc pin. Cuộc sống của họ cùng nhiều người dân Hải Phòng đảo lộn vì bão Yagi.
Đảo lộn vì "ba không": Không điện, không nước, không sóng di động
Bão Yagi đổ bộ vào các tỉnh, thành phía Bắc đã làm hư hỏng nghiêm trọng lưới điện trung, hạ áp tại miền Bắc. Tại Hải Phòng, hàng trăm cột điện bị gãy đổ do gió bão hoặc cây xanh đổ đè lên. Hiện chưa kiểm đếm được thiệt hại nhưng có khoảng 500.000 khách hàng trên 142 đường dây mất điện.
Mất điện, mất nước, sóng di động không ổn định sau bão đã khiến cuộc sống của người dân Hải Phòng đảo lộn.
Chị Bùi Ngọc Vân (quận Kiến An, Hải Phòng) cho biết, tính đến tối 8/9, khu vực chị ở vẫn chưa có điện lưới.
"Trưa 7/9, khi gió giật mạnh và bão đổ về, điện bị mất và sau đó nước cũng bị ngưng luôn. Nhà tôi dùng bếp gas nên vẫn nấu được đồ ăn, tuy nhiên, tôi phải mua nước đóng chai để sử dụng. May mắn đến trưa nay, nước đã được cấp trở lại", chị Vân cho hay.
Không có điện, cả nhà chị Vân phải đốt nến để có ánh sáng. Điện thoại bị hết pin, chồng chị Vân tranh thủ lúc gió lặng ra nổ máy ô tô để sạc tạm.
Chị Vân cho biết, chiều tối 8/9, nghe tin đường dây điện tại quận Lê Chân đã được khắc phục, chị vội đưa 2 con sang nhà mẹ chồng tranh thủ sạc pin cho thiết bị tích điện trong nhà và hứng sóng di động gọi điện hỏi han tình hình gia đình ở quê.
"Nơi nào khắc phục được cây đổ, cột điện đổ mới cấp điện lại được cho người dân. Trong khu vực thành phố, đến chiều tối 8/9, một số nơi cũng đã có điện", chị Vân nói.
Người phụ nữ này cũng cho hay, do ảnh hưởng của bão Yagi nên các con của chị chưa có lịch trở lại trường học. Nhà trường thông báo vẫn đang trong quá trình khắc phục hậu quả sau bão.
Chị Thanh Hà (phố Lê Lợi, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) cho biết, vì nhà mất điện, mất nước nên chị phải đi thuê nhà nghỉ để ở.
Sau khi liên hệ 5-6 khách sạn, nhà nghỉ vợ chồng chị và 2 con mới tìm được chỗ ở cho đêm 8/9. Dự kiến, cả nhà sẽ ở tạm một đêm, ngày mai theo dõi tình hình mới lên phương án tiếp theo.
"Tuy giá phòng khá cao, khoảng 500.000 đồng/đêm nhưng lúc này thuê được chỗ ở đã là quá may mắn. Vợ chồng tôi phải thuê phòng bên ngoài vì cả nhà 2 ngày chưa tắm rửa, nước vẫn ngập ở tầng một khoảng 10cm", chị Hà cho hay.
Chị Hà đã sống ở Hải Phòng 35 năm nhưng chưa bao giờ chứng kiến cơn bão nào có cường độ mạnh như Yagi.
Sau khi mưa như trút xuống từ 3h sáng ngày 6/9, nước bắt đầu tràn vào nhà gây ngập. Khoảng 15h, điện bị cắt, sóng điện thoại chập chờn rồi mất hẳn, gia đình chị Hà không thể liên lạc được với bên ngoài.
Vào thời điểm gió bão Yagi hoành hành, gia đình chị Hà ăn tạm cơm và thức ăn còn lại của buổi trưa. Ngày 7/9, khi bão đi qua, hai vợ chồng phải mượn nhờ bếp gas nhà hàng xóm để nấu ăn. Việc tìm được quán ăn lúc này không hề dễ dàng, do nhiều gia đình đang tập trung khắc phục hậu quả của bão.
Chị Hà cho hay: "Khi ngồi trong nhà nghe tiếng gió giật mái tôn, tôi nơm nớp lo sợ. Lúc đó, hai vợ chồng nghĩ mái nhà sẽ bị tốc, may mắn bình an vô sự, không có thiệt hại về vật chất. Hải Phòng chịu nhiều thiệt hại do bão, đến nay điện lực vẫn đang nỗ lực khắc phục. Cuộc sống của các gia đình đảo lộn hoàn toàn".
Đổ xô vào siêu thị sạc pin, mua bánh mỳ
Anh Linh (sống ở Hải Phòng) cho hay, khác với những ngày trước bão, tối 8/9, nhiều tuyến đường vẫn đang trong tình trạng tối om do mất điện. Với những người sống ở Hải Phòng lâu năm như anh Linh đây là hình ảnh hiếm hoi.
Anh Linh cho biết: "Sạc dự phòng được chuẩn bị từ trước bão đã cạn kiệt, tôi phải chạy lòng vòng qua vài tuyến phố mới tìm được chỗ cho sạc pin điện thoại. Gia đình tôi không ở Hải Phòng nên phải giữ liên lạc để mọi người đỡ lo. Tôi mong tình hình này sớm qua, có điện để bà con ổn định cuộc sống".
Nơi anh Linh ngồi sạc pin nhờ cũng có rất đông người. Thậm chí, do số cổng cắm sạc ít nên có người phải chờ đợi. Ai cũng vội và muốn về nhà hoặc đi tìm chỗ nghỉ ngơi nhưng mọi người đều cố gắng nhường nhịn giữa lúc khó khăn.
Tối 8/9, chung cư Hoàng Huy, An Đồng, An Dương - nơi chị Minh Huyền (34 tuổi) - sinh sống vẫn chìm trong bóng tối. Nhờ mua một số nến điện từ trước bão nên đến tối, chị Huyền bật lên để chiếu sáng cho cả nhà.
Nguồn nước sạch cũng bị ảnh hưởng do bão. Trưa 8/9, chị Huyền và chồng huy động hết xô, chậu trong nhà để xuống sảnh xin nước từ téc nước di động. Đến 22h, nghe tin có nước sạch dưới chân tòa nhà, chị Huyền lại cùng hàng xóm xách xô xuống xếp hàng chờ lấy nước.
"Đây là nước trực tiếp từ ống nên có trước, vì cạn nguồn nước dùng nên chúng tôi đã xuống lấy một ít dùng dần", chị Huyền nói.
Hơn một ngày qua, không có nước, không có điện, các thành viên trong gia đình chị Huyền ăn uống đơn giản, hạn chế tắm giặt.
Trưa 8/9, anh Vũ Tuấn Mạnh (quận Lê Chân) cũng hòa vào dòng người xếp hàng chờ đợi ở siêu thị AEON Mall Hải Phòng để mua bánh mỳ.
Anh Tuấn Mạnh cho biết, vì mất điện mất nước, nhiều hàng quán chưa phục vụ trở lại nên gia đình anh đành ăn tạm bánh mỳ.
Ngoài ra, vì pin điện thoại đã cạn kiệt sau hơn một ngày Hải Phòng mất điện, vì vậy, anh Mạnh cũng tranh thủ vào sạc nhờ điện thoại trong siêu thị.
"Không có điện, không có nước, không sóng điện thoại cuộc sống của người dân gặp không ít xáo trộn. Tôi không ngờ, ảnh hưởng của cơn bão lại nặng nề đến thế. Chúng tôi liên tục nghe ngóng chờ sớm được cấp điện trở lại để ổn định cuộc sống", anh Mạnh nóng lòng cho hay.
Theo anh Mạnh, 2 ngày qua, nhiều gia đình có máy phát đã chia sẻ nguồn điện quý giá cho hàng xóm để mọi người sạc điện thoại, đèn tích điện.
Đến chiều tối 8/9, một số khu vực trong thành phố đã được cấp điện trở lại, nhiều gia đình đã chia sẻ thông tin hỗ trợ để người dân có nhu cầu sạc điện thoại tìm tới sử dụng.