Người Hà Nội bỏ xe máy, đi làm bằng tàu điện tránh cảnh tắc đường

Hoài Trang

(Dân trí) - Thay vì di chuyển bằng phương tiện cá nhân chịu cảnh khói bụi, tắc đường, nhiều người làm văn phòng ở Hà Nội đã lựa chọn tàu điện trên cao kết hợp đi bộ để đến nơi làm việc.

Từ ngày 21/11, Metro Hà Nội chính thức kết thúc việc miễn phí đi tàu trải nghiệm, bắt đầu bán vé cho hành khách. Nhiều người dân Hà Nội hào hứng bỏ phương tiện cá nhân, lựa chọn đi làm bằng tàu điện. Hầu hết đều có phản hồi khá tích cực cho loại hình giao thông công cộng này. 

Với quãng đường từ Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân) đến cơ quan nằm ở Cát Linh (quận Đống Đa), chị Nguyễn Lý (45 tuổi) chọn đi tàu điện để rút ngắn thời gian, thay vì mất cả tiếng chạy xe máy ngoài đường trong thời tiết lạnh giá, tắc đường.

Người Hà Nội bỏ xe máy, đi làm bằng tàu điện tránh cảnh tắc đường - 1
Nhiều người lựa chọn tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông làm phương tiện di chuyển đến nơi làm việc (Ảnh: Hoài Trang).

Những ngày đầu khi tàu điện Cát Linh - Hà Đông chạy miễn phí 15 ngày, chị Lý đã có dịp trải nghiệm và nhận thấy, đi lại rất thuận tiện. Vì thế, chị đã quyết định bỏ xe máy, mua vé tháng đi tàu điện đi làm.

Người Hà Nội bỏ xe máy, đi làm bằng tàu điện tránh cảnh tắc đường - 2
Sợ tắc đường chị Lý chọn đi tàu điện (Ảnh: Hoài Trang).

"Tôi sợ nhất cảnh đường tắc, cả người và xe nhúc nhích từng đoạn một, nhiều khi tôi muốn bỏ xe máy chuyển qua đi bộ nhưng vì quãng đường đến chỗ làm khá xa nên đành phải chấp nhận.

Từ khi tàu điện Cát Linh - Hà Đông đi vào vận hành tôi mừng lắm, đi trải nghiệm thấy tàu đi rất nhanh và êm, nên tôi quyết định chọn tàu điện làm phương tiện di chuyển đến cơ quan của mình", chị Lý giãi bày.

Người Hà Nội bỏ xe máy, đi làm bằng tàu điện tránh cảnh tắc đường - 3
Không còn cảnh khách hàng chen chúc mua vé khi vận hành thương mại (Ảnh: Hoài Trang).

Tương tự, chị Mai Anh (23 tuổi, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) cho biết, khi chưa có tuyến tàu điện chị mất khoảng 30 phút di chuyển đến chỗ làm, dù khoảng cách từ phòng trọ đến công ty chỉ khoảng 4km. Khi sử dụng tàu điện trên cao chị Mai Anh chỉ mất phân nửa khoảng thời gian di chuyển.

"Tôi thấy, đi tàu điện trên cao hơn hẳn các loại hình phương tiện giao thông hiện có. Hôm nay lần đầu đi làm bằng tàu, tôi thấy nhàn nhã hẳn, không còn cảnh chen lấn như những ngày đầu", chị Mai Anh cho hay.

Người Hà Nội bỏ xe máy, đi làm bằng tàu điện tránh cảnh tắc đường - 4
Chị Mai Anh chọn đi tàu vì có thể dành thời gian xem điện thoại hoặc nghỉ ngơi (Ảnh: Hoài Trang).

Chị Mai Anh nói thêm: "Ngồi trên tàu điện nhìn xuống có thể thấy rõ giao thông phía dưới luôn trong tình trạng quá tải vào giờ cao điểm. Trong khi đó, đi tàu điện không những nhanh mà còn tiết kiệm được xăng xe, thời gian và mọi người trên tàu cũng rất văn minh".

Người Hà Nội bỏ xe máy, đi làm bằng tàu điện tránh cảnh tắc đường - 5
Hành khách vẫn còn bỡ ngỡ khi mua vé tại cây bán vé tự động (Ảnh: Hoài Trang).

Là một trong những khách sử dụng vé tháng, anh Phan Văn Tuấn (27 tuổi, nhân viên một ngân hàng ở quận Hà Đông) thì cho rằng, việc di chuyển bằng tàu điện trên cao giúp anh tiết kiệm được 30 phút để đến chỗ làm cũng như về nhà.

Bên cạnh cơ sở vật chất tân tiến, hiện đại, anh Tuấn nhận thấy vẫn còn một số bất cập cần phải khắc phục để thu hút người đi tàu, như thiếu dịch vụ đổi tiền, rút tiền tại các nhà ga, hay nhiều nhà ga chưa có khu vực để xe cho hành khách khi muốn di chuyển bằng tàu điện.

Vì vậy, anh Tuấn hy vọng trong tương lai các nhà ga sẽ cải thiện được nhu cầu của hành khách.

Người Hà Nội bỏ xe máy, đi làm bằng tàu điện tránh cảnh tắc đường - 6
Khi chờ lên tàu, khách hàng đều chú ý giữ khoảng cách (Ảnh: Hoài Trang).

"Nhà tôi cách ga La Thành 500m, chỉ mất vài phút đi bộ, quãng đường đi bộ xem như tập thể dục rèn luyện sức khỏe. Tuy nhiên, cần có nhiều phương tiện kết nối cũng như có điểm trông giữ xe thuận tiện cho khách đi tàu thì sẽ mang lại trải nghiệm tốt hơn", anh Tuấn chia sẻ.

Người Hà Nội bỏ xe máy, đi làm bằng tàu điện tránh cảnh tắc đường - 7
Lượng hành khách giảm nhiều so với những ngày đầu, chủ yếu là dân công sở (Ảnh: Hoài Trang).

Cũng theo anh Tuấn, với giá vé tháng 200.000 đồng, vé ngày 30.000 đồng, không giới hạn số lần đi. Vé chặng dao động từ 6.000 đến 15.000 đồng là mức giá hợp lý, rẻ hơn rất nhiều so với đi xe cá nhân. 

Trong thời gian tới, trừ những công việc cần sử dụng phương tiện cá nhân, anh Tuấn khẳng định sẽ gắn bó với phương tiện giao thông mới này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm