Người dân trồng hoa "dè chừng" trước vụ mùa lớn nhất năm

Hoài Trang

(Dân trí) - Do lo ngại không có đầu ra vi ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nhà vườn "dè chừng" xuống giống, giảm diện tích gieo trồng.

Làng hoa Tây Tựu, Mê Linh được biết đến là khu vực trồng hoa lớn nhất miền Bắc, cung ứng hoa tươi phục vụ nhu cầu không chỉ của người dân Hà Nội mà còn cho nhiều tỉnh thành lân cận.

Dịch bệnh đã tác động lớn đến việc sản xuất, kinh doanh của người dân làng hoa. Nhiều nhà vườn phải nhổ bỏ hết số hoa không bán được trong thời điểm thành phố giãn cách xã hội. Trước lo ngại biến động của thị trường trong bối cảnh dịch Covid-19, người dân làng hoa giảm mạnh diện tích gieo trồng trước vụ hoa Tết 2022.

Đang chăm bón cho ruộng hoa của mình, anh Nguyễn Hoài Nam (29 tuổi, thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh) cho biết, thời điểm này của các năm trước, ruộng hồng nhà anh đã có hàng nghìn bầu hoa chậu được khách đặt. Năm nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời tiết thất thường khiến người làng hoa "điêu đứng" vì thất thu, trong khi chi phí đầu tư giống và phân bón tăng 20-30%.

Người dân trồng hoa dè chừng trước vụ mùa lớn nhất năm - 1
Hầu hết người dân làng hoa giảm diện tích gieo trồng vụ Tết trước tình hình dịch bệnh căng thẳng (Ảnh: Hoài Trang).

"Đang vào thời điểm chăm, tỉa cho vụ hoa Tết nhưng tôi không khỏi trăn trở bởi thị trưởng hoa năm nay. Thời điểm này năm ngoái, nhiều mối quen đã gọi điện đặt cọc trước, nhưng hiện giờ các thương lái vẫn e dè chưa giám đặt, họ đợi thị trường và diễn biến dịch bệnh ổn định mới dám chi tiền", anh Nam buồn bã nói.

Nếu như các năm trước, gia đình ông Nguyễn Huy Hùng (54 tuổi, làng hoa Mê Linh) dành bảy sào đất để trồng hoa cúc phục vụ Tết Nguyên đán thì năm nay ông quyết định chỉ trồng hơn ba sào cúc, số còn lại ông trồng các loại hoa kế vụ.

Theo ông Hùng, thời gian vừa qua mưa lớn gây hại cho hoa màu, nên hiện tại hoa cúc đang được giá. Dù vậy, vụ hoa Tết ông vẫn dè chừng xuống giống. Hơn 20 năm trồng hoa, nhưng chưa năm nào gia đình ông trồng ít hoa cho vụ Tết như năm nay.

Người dân trồng hoa dè chừng trước vụ mùa lớn nhất năm - 2
Dù là vụ mùa lớn nhất năm nhưng ông Hùng không trồng tập trung vào một vụ (Ảnh: Hoài Trang).

Ông nói, người dân trồng hoa sợ nhất là ảnh hưởng của thời tiết, tuy nhiên thời gian gần đây dịch Covid-19 bùng phát người dân lại càng lo lắng hơn.

"Chúng tôi hay nói vui với nhau, làm nghề trồng hoa như đánh canh bạc, người đỏ thì được, người đen thì mất. Mọi năm, vào vụ Tết người dân làng chúng tôi phấn khởi, tất bật gieo trồng cho vụ mùa lớn nhất năm. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh vẫn đang căng thẳng, chúng tôi không ai biết trước được điều gì.

Bởi vậy, tôi quyết định giảm một nửa diện tích trồng hoa phục vụ thị trường Tết, số còn lại tôi trồng kế vụ ra Giêng bán cho người dân đi lễ, chùa vào dịp Rằm tháng Giêng, chứ không dám mạo hiểm trồng một vụ với số lượng nhiều", ông Hùng bộc bạch.

Đang lúi húi chăm những luống cây giống, bà Nguyễn Thị Sáu (53 tuổi, thôn Hạ Lôi) cho biết, khác với các năm trước, năm nay, các hộ trồng hoa đang còn đắn đo chưa dám xuống giống, nhất là các hộ trồng hoa ly vì chi phí cao.

Người dân trồng hoa dè chừng trước vụ mùa lớn nhất năm - 3
Bà Sáu lo lắng vụ hoa Tết không có đầu ra (Ảnh: Hoài Trang).

"Đợt dịch vừa rồi đã khiến làng hoa gần như đóng băng, nhiều chợ đóng cửa, hoa xuống giá, việc tiêu thụ không thuận lợi, thậm chí nhiều người bỏ ruộng trống cho cỏ mọc đi làm công nhân.

Thời gian gần đây khi thành phố nới lỏng giãn cách, thị trường hoa mới "dễ thở" chút, nhưng mưa lớn kéo dài nên cũng không có nhiều hoa để xuất ra thị trường", bà Sáu cho hay.

Hướng ánh mắt xa xăm, bà Sáu rầu rĩ nói, bà gắn bó với nghề làm hoa đã lâu, bây giờ bỏ ruộng thì không có thu nhập. Bà hy vọng thời tiết cuối năm thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát để thu lại phần vốn bỏ ra.

Bà Sáu nói, vụ hoa cuối năm thường là vụ sinh lời cho người dân, nhưng hiện tại gia đình bà đã giảm gần một nửa diện tích từ hoa hồng cắt cành sang trồng hoa chậu để hạn chế rủi ro. Nếu hồng chậu bán không hết thì năm sau vẫn bán được.

"Năm nay, dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế của người dân khiến ai cũng khó khăn. Thế nên, năm nay việc chi phí cho các thú chơi Tết cũng sẽ bị "dè chừng".

Vì vậy, gia đình tôi không dám trồng nhiều, chỉ trồng hai sào hồng cắt bông, ba sào hồng chậu và 2 sào cúc vàng. So với năm ngoái thì năm nay số lượng hoa phục vụ thị trường tết giảm hẳn", bà Sáu nói.

Người dân trồng hoa dè chừng trước vụ mùa lớn nhất năm - 4
Người dân trồng hoa sợ nhất là ảnh hưởng của thời tiết, nhưng giờ đây thời tiết không đáng sợ bằng Covid-19 (Ảnh: Hoài Trang).

Cách ruộng bà Sáu không xa, anh Nguyễn Xuân Bách (32 tuổi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh) đang đang bón phân cho ruộng hoa của mình, anh cho hay, chưa năm nào thị trường hoa Tết phập phồng như năm nay, hầu hết người trồng hoa đều có tâm lý lo ngại thị trường tiêu thụ giảm mạnh do tác động của dịch bệnh.

Cùng thời gian này của năm trước, các thương lái đã tấp nập về vườn đặt hàng cho vụ Tết nhưng năm nay chưa thấy có ai tới. Theo anh, năm nay thời tiết thất thường, cây khó phát triển, trong khi chi phí đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ở mức cao nên người dân chủ động thu hẹp diện tích gieo trồng.

Người dân trồng hoa dè chừng trước vụ mùa lớn nhất năm - 5
Để cung ứng cho thị trường hoa Tết anh Bách giảm một nửa số lượng hồng chậu (Ảnh: Hoài Trang).

"Mấy năm trước, vụ hoa cuối năm tôi trồng khoảng 3000 nghìn chậu hồng để phục vụ người dân chơi hoa Tết, cả ngày tất bật ngoài ruộng không có thời gian nghỉ để kịp thời vụ. Thế nhưng năm nay, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, lo ngại thị trường hoa, cây cảnh dịp Tết sẽ ảm đạm nên không dám đầu tư như mọi năm. Hy vọng, dịch bệnh nhanh chóng qua đi để cuộc sống người dân được trở lại như trước đây", anh Bách nói.