Người đàn ông leo rừng, lặn biển nhặt rác
(Dân trí) - Nhiều năm nay, không chỉ dành thời gian mỗi ngày để nhặt rác trên rừng Sơn Trà, anh Đào Đặng Công Trung (40 tuổi, trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) còn lặn xuống tận đáy biển để “làm vệ sinh”.
Đi đâu thấy rác là... nhặt mang về
Bán đảo Sơn Trà được mệnh danh là lá phổi xanh, là khu bảo tồn thiên nhiên của quốc gia với nhiều động thực vật phong phú. Nơi đây, ngày càng thu hút khách du lịch ghé thăm.
Tuy nhiên, “tỷ lệ thuận” với lượng khách ngày càng tăng là lượng rác thải hàng ngày mà bán đảo xinh đẹp này đang phải oằn mình gánh chịu.
Là người gốc ở Hội An nhưng anh Trung đã “phải lòng” Sơn Trà, hàng ngày phải chứng kiến bán đảo này phải oằn mình gánh chịu đủ loại rác thải, từ vỏ lon, hộp nhựa, ni lông nên anh quyết định… đi nhặt rác.
Gặp anh trong một lần đang rong ruổi khắp các ngõ ngách của Sơn Trà để nhặt rác. Với làn da rám nắng đi cùng là chiếc xe máy cũ, lỉnh kỉnh hàng đống túi rác, không ai nghĩ anh đang là giám đốc của một công ty du lịch.
"Chiến lợi phẩm" sau những lần lặn xuống biển là đủ các loại vỏ chai, lon bia
Anh Trung cho biết, trung bình mỗi tuần anh Trung lên rừng Sơn Trà hai ba lần, có lần đi cùng bạn, đa số đi một mình. Và “chiến lợi phẩm” sau mỗi lần leo rừng là những bao rác hàng chục kg với đủ các loại vỏ chai, túi ni lông, quần áo, mũ, nón…
“Có thời gian bận việc nên ít lên, rác nhiều đến khó thở”, anh Trung nhớ lại.
Công việc nhặt rác được anh Trung thực hiện từ nhiều năm nay
Thế rồi anh Trung đặt ra quy định cho bản thân, cứ một tuần 3 buổi anh lên Sơn Trà nhặt rác. Buổi sáng tầm 6 giờ đến 8 giờ, buổi chiều tầm 17h30 đến 18h30, chia theo từng khu vực.
Vậy là, gần 10 năm nay, sau những giờ bận bịu với công việc mưu sinh, anh Trung đều dành thời gian cho công việc mà mình cũng rất yêu thích, đó là nhặt rác.
“Trời mùa hè, nhặt rác xong xuống núi thì trời còn sáng nhưng trời mùa đông, gặp những hôm mưa gió, xuống núi thì trời đã tối đen, nguy hiểm. Từng ngóc ngách của núi rừng Sơn Trà tôi đều thuộc như lòng bàn tay, những ổ gà, những khúc cua, ở khúc cua đó có cây gì tôi đều biết” – anh Trung chia sẻ.
Không chỉ nhặt rác dưới biển, anh Trung còn nhặt rác trên rừng. Cứ ở đâu có rác là anh nhặt
Nói vậy nhưng không hẳn là không có những nguy hiểm rình rập anh khi băng qua những đoạn rừng này. Đó là khi anh gặp cả tổ rắn lục trong bụi cây hay những hốc đá sâu hoắm cần phải có sức khỏe và cả kinh nghiệm mới vượt qua được.
Không chỉ nhặt rác ở rừng Sơn Trà, giờ đây anh Trung còn lặn biển… nhặt rác quanh bán đảo Sơn Trà.
“Tôi có những chuyến lặn biển và thấy những lon bia, chai nước, những vật dụng của con người dưới biển. Tôi thấy nó không có lợi cho môi trường sinh sống của các loại hải sản và tôi đã nhặt lên. Từ đó, dù bất đi cứ đâu, rảnh là tôi lại bơi biển lặn lấy rác lên. Mình là người yêu thiên nhiên, đi đâu thấy rác cũng lượm mang về”, anh Trung chia sẻ.
Theo anh Trung, nhặt rác ở dưới nước khó khăn gấp nhiều lần ở trên bờ, đòi hỏi phải có kỹ năng bơi, lặn. Tùy theo độ sâu mà người lặn có thể lặn một hơi, tầm 5 - 7 m nước để nhặt 2 - 3 vỏ lon.
Nếu gặp nơi nhiều rác quá mà cứ gắng lượm từng cái và không lường được con nước để trồi lên thì rất nguy hiểm. Không những thế, dưới đáy biển cũng có nhiều sinh vật có độc như cá mặt quỷ. Nếu nhặt nhầm cá này sẽ bị trúng độc, bị nặng sẽ bất tỉnh. Với kinh nghiệm nhiều năm lặn biển vớt rác của mình, anh Trung chưa bị con vật nào tấn công nhưng bị trầy xước cơ thể thì nhiều, do bị sóng dập chân va rạn đá ngầm.
Lan tỏa ý thức bảo vệ thiên nhiên
Lần đầu tiên đi nhặt rác, anh bị mọi người chê gàn dở. Rồi cũng có những khu vực hôm nay mình đã nhặt rác rồi nhưng ngày mai trở lại thì rác lại bị vứt bừa bãi. Những lúc như thế, anh Trung không khỏi chạnh lòng trước ý thức của nhiều người. Nhưng rồi anh cũng tự động viên: “Thôi mình cứ làm đi, mình cứ vui đi rồi dần dần sẽ có người hưởng ứng”.
Đúng như anh Trung mong muốn, việc làm của anh ngày càng được lan tỏa, nhiều bạn trẻ biết đến anh nên cùng anh chung tay nhặt rác.
Phút nghỉ nơi của anh Trung sau chuyến lặn biển nhặt rác
Hiện nay, anh Trung còn đưa thói quen này của mình trở thành một hoạt động trong các tour của công ty. Trong mỗi tour, anh Trung đều trang bị dụng cụ lặn, vợt vớt rác và giỏ đựng cho du khách và dành ra 15 phút để du khách thu gom rác bị vứt bừa bãi tại điểm đến. Ngoài ra, công ty của anh còn tiến hành đổi những chiếc túi ni lông mà du khách mang theo sang túi cói để ngăn chặn những chiếc túi ni lông ấy sẽ vô tình bị vứt lại biển đảo, gây ô nhiễm môi trường.
Việc làm của anh Trung đã lan tỏa đến nhiều bạn trẻ. Hiện nay, có nhiều bạn trẻ đã cùng anh tham gia nhặt rác
Theo anh Trung bảo, Sơn Trà có quần thể động, thực vật rất phong phú nhưng cũng rất mong manh, do vậy sự can thiệp của con người rất dễ biến đổi cảnh quan và cân bằng sinh học nơi này. Để bảo vệ sự đa dạng và phong phú của bán đảo Sơn Trà – hòn ngọc quý giá của miền Trung thì môi trường phải sạch.
“Tôi sẽ cố gắng duy trì công việc nhặt rác hằng tuần, thậm chí hằng ngày đến khi nào không còn sức lực nữa mới nghỉ. Nhưng tôi vẫn hy vọng những người tham quan Sơn Trà sẽ mang rác theo khi về, hay ít nhất là bỏ rác đúng nơi quy định để góp phần gìn giữ bán đảo xanh tươi này luôn sạch đẹp”, anh Trung chia sẻ.
Anh Vũ