Quảng Nam:
Ngỡ ngàng với vườn lan rừng khủng của chàng trai 9x xứ Quảng
(Dân trí) - Doanh thu hơn tỷ đồng/năm, vườn lan rừng của anh Tài đã mang lại hiệu quả kinh tế cao; anh quyết định phát triển thêm mô hình cà phê, tham quan kết hợp trải nghiệm trồng lan tại vườn.
Đó là anh Huỳnh Đức Tài (SN 1995, xã Tiên Mỹ, Tiên Phước, Quảng Nam)
Khác với cái nắng gay gắt ngoài trời, tại vườn lan rừng của anh Tài là không khí hăng say lao động, các công nhân đang cố gắng hoàn tất các công đoạn để sớm đưa mô hình cà phê, tham quan du lịch kết hợp trải nghiệm trồng lan tại vườn đi vào hoạt động.
Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn, anh Huỳnh Đức Tài hứng khởi chia sẻ: “Đây sẽ là nơi thưởng ngoạn, giao lưu, học hỏi của những người đam mê lan rừng, cũng là cơ hội để từ đó tìm kiếm nguồn khách hàng. Bên cạnh đó, tôi cũng phát triển thêm một vườn cây ăn trái kết hợp trồng cùng lan “kiếm tiên vũ” rộng khoảng 2.000m², là nơi vừa du lịch sinh thái vừa được ngắm vườn lan tuyệt đẹp”.
Theo anh Tài, hiện vườn lan trên 1.000 m² của gia đình có khoảng 15.000 gốc lan phi điệp (hay còn gọi giả hạc) với 10.000 chậu, thời gian tới anh sẽ tăng thêm lên 20.000 chậu để phục vụ nhu cầu thị trường.
Các loại lan phi điệp - lan giả hạc đang được ưa chuộng hiện nay và được giới sành chơi lan mua với giá trị hàng trăm triệu đồng, được trồng ở tầng 2 nơi thoáng gió và cách mặt đất 5m. Tầng dưới anh trồng lan rừng kiếm tiên vũ Quảng Nam và các loại lan rừng khác như nghinh xuân, lan trầm, hạc vỹ....
Tại vườn lan của anh Tài, còn có một khu vực luôn thu hút khách chơi lan. Trao đổi với anh Tài, chúng tôi được biết đây cũng là khu anh để những chậu lan có giá trị nhất, dòng lan đột biến, sẽ được anh phát triển mạnh trong thời gian tới.
Trong một khu vực với diện tích khoảng 15m2, có khoảng hơn 50 chậu lan, theo anh Tài, chỗ lan này tổng cộng “ngốn” hết của anh trên dưới 10 tỷ đồng tiền vốn. Anh đích thân chăm sóc, nhân giống lan ở khu này. Hầu hết khách hàng mua lan ở khu vực này đều đến trực tiếp, dù ở từ rất xa như ở Hà Nội, Sài Gòn.
“Dòng lan đột biến rất hiếm, giá trị gấp cả trăm lần chậu lan thường. Nhưng nó cũng đòi hỏi kỹ thuật cao, phải có kinh nghiệm chăm sóc, tỉ mẩn, hiểu tính nết của lan mới dám “chơi”. Tôi đã bỏ ra số vốn khá lớn để đầu tư dòng lan này, khi các nhánh cho mầm tốt thì lợi nhuận thu về gần nửa số vốn bỏ ra”, anh Tài cho biết.
Tính đến nay, vườn lan rừng anh Tài có hơn 20 chủng loại lan rừng khác nhau, tiêu biểu như phi điệp lá phát tài, phi điệp 5 cánh trắng, quế lan hương rừng Quảng Nam và kiều hồng Quảng Nam….
“Lúc trồng chơi vài chậu thì đơn giản, đến lúc đi vào kinh doanh thì quả thật không ít khó khăn. Trước đây, đã nhiều lần cả giàn lan bị thối rễ, mất hết cả vốn. Qua nhiều lần thất bại, đến giờ tôi mới đủ tự tin để làm chủ các kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc lan. Chính chất lượng các loại lan có giá trị từ màu sắc đẹp và lạ, hình dáng cấu trúc hoa chặt chẽ, hương thơm nồng nàn, dáng giò đẹp đã thu hút nhiều khách hàng”, anh Tài chia sẻ.
Việc kinh doanh lan của anh Tài chủ yếu qua kênh online, thông qua kênh này anh Tài sẽ hướng dẫn cách trồng lan, cách làm giá thể, cách chăm sóc các loại hoa lan cho những người đam mê lan trên khắp mọi miền đất nước. Với hơn 34.000 lượt đăng ký theo dõi, đây còn là nơi tìm kiếm nguồn khách hàng chính của anh.
Khởi nghiệp từ năm 2016 khi đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, sau 4 năm “bén duyên” với lan rừng, anh Huỳnh Đức Tài đã có trong tay cơ ngơi vững chắc, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.
“Tính riêng năm 2019, sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận thu về từ vườn lan gần 2 tỷ đồng. Năm 2020, dự định sẽ cho lãi cao hơn nhưng hầu hết số tiền thu về tôi đều dành để đầu tư dòng mới có giá trị, một phần phát triển thêm quy mô vườn, một phần cũng vì thỏa lòng đam mê”, anh Tài nói.
Vườn lan rừng của anh Tài không chỉ là nơi học hỏi kinh nghiệm, giao lưu, trao đổi của những người cùng đam mê. Mà nơi đây còn tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 10 lao động tại địa phương, với mức thu nhập bình quân 6-7 triệu/người/tháng.
Ông Võ Kim Chung - Chủ tịch UBND xã Tiên Mỹ (Tiên Phước, Quảng Nam) nhận xét: “Mô hình trồng lan rừng của anh Huỳnh Đức Tài là một mô hình tiêu biểu của thanh niên lập thân lập nghiệp, thành công vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Ngoài làm kinh tế giỏi, anh còn giải quyết việc làm cho gần chục lao động và sẵn sàng hướng dẫn nhiệt tình cho những ai có nhu cầu học hỏi. Thời gian tới, địa phương sẽ khuyến khích, tạo điều kiện để những thanh niên trẻ như anh Tài về quê lập nghiệp, góp phần phát triển kinh tế địa phương”.
Công Bính – Ngô Linh