Kon Tum

Nghệ nhân tạc tượng cuối cùng của người Rơ Mâm

(Dân trí) - Với bàn tay khéo léo, già A Ren (SN 1955, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) đã đi khắp cả nước để tạc tượng nhà rông, nhà mồ… Tuy nhiên, ông lại chạnh lòng vì nghề tạc tượng gỗ đang mai một dần.

“Thổi hồn” vào tượng gỗ

Với kinh nghiệm gần 40 năm trong nghề, già A Ren (SN: 1955, Người đồng bào thiểu số Rơ Mâm, trú làng Le, xã Mo Rai, Sa Thầy) đã nhận được nhiều giải thưởng lớn qua các cuộc thi tạc tượng gỗ dân gian trong và ngoài tỉnh.

Với bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú ông đã cho ra đời hàng trăm tác phẩm tượng nhà mồ đặc sắc, tạo nên nét riêng biệt của buôn làng Tây Nguyên. Không những thế, ông cũng là người duy nhất vinh dự được đại diện làng Le ra thủ đô Hà Nội tham gia hội nghị chiến sĩ tiêu biểu toàn quốc.

Nghệ nhân tạc tượng cuối cùng của người Rơ Mâm - 1

A Ren, người tạc tượng cuối cùng của bộ tộc cổ Rơ Mâm

Trên mảnh đất biên giới Mo Rai, người Rơ Mâm là một trong những dân tộc ít người nhất cả nước. Hiện nay, trên địa bàn xã có hơn 110 hộ dân là người Rơ Mâm sống tập trung tại làng Le (hay còn gọi là làng Le - Rơ Mâm). Vì là người bản địa sống từ lâu đời trên vùng biên giới Mo Rai nên tộc người Rơ Mâm rất coi trọng việc thờ cúng cho những người đã khuất. Trong làng, già A Ren được dân làng mệnh danh là người bắc chiếc cầu tâm linh. Các lễ nghi và tạc tượng nhà mồ đều do A Ren tự tay làm để phục vụ việc thờ cúng.

Xưa nay, đồng bào Mô Rai vẫn xem nơi yên nghỉ cuối cùng của các vị tiền nhân là vùng đất thiêng, hay còn gọi là “làng ma”. Nét độc đáo của “làng ma” là sự góp mặt của quần thể tượng nhà mồ đa dạng. Đặc biệt, dịp cuối năm hay lễ Pơ Thi (lễ bỏ mả), bà con có tập tục tu bổ, sửa sang lại những phần mộ của cha ông. Lúc đó, họ lại tạc tượng gỗ nhằm bảo vệ linh hồn cho những người đã khuất.

Nghệ nhân tạc tượng cuối cùng của người Rơ Mâm - 2
Khu nhà ma của đồng bào Rơ Mâm

Dạo một vòng quanh làng “ma”, chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy những pho tượng gỗ với đường nét hoa văn được đục đẽo, gọt dũa một cách công phu, tỉ mỉ. Đặc biệt, hàng trăm pho tượng độc đáo trong “vùng đất thiêng” đều được tạo nên bởi bàn tay của người nghệ nhân tài hoa A Ren.

Ông A Ren tâm sự, ngày xưa, cha ông là một người thợ điêu khắc tượng gỗ có tiếng trong làng. Ngay từ nhỏ, ông theo chân cha rong ruổi khắp nơi học hỏi, chắt chịu kinh nghiệm quý báu từ nghề đục tượng nhà mồ. Lúc cha mất, ông đã đủ cứng cáp để đảm đương trách nhiệm dân làng giao phó. Ngày trước, trong làng luôn có một người bạn cũng biết tạc tượng nhà mồ. Sau khi người đồng nghiệp qua đời, trong làng còn duy nhất mình A Ren hành nghề.

Ông A. Ren bộc bạch: “Muốn làm được một tượng gỗ, người thợ lành nghề cũng phải mất khoảng 3 ngày. Gỗ dùng tạc tượng là loại gỗ thân mềm nhưng mối mọt không ăn được. Dùng búa và dao phải vẽ nên được những đường nét mặt trang nghiêm, biểu cảm cho các pho tượng gỗ. Đây được coi như những vị thần sẽ bảo vệ cho những người đã khuất trong gia đình. Mỗi nhà mồ ít nhất phải có 4 pho tượng đứng ở 4 góc và 2 tượng bảo vệ cửa nhà mồ.”.

Ai tiếp nối nghề đục tượng (?)

Nói đến đây, ông A Ren vẻ mặt rầu rĩ: “Hiện nay, tập tục làm tượng gỗ cho người đã khuất vẫn được bà con duy trì và gìn giữ. Tuy nhiên, giờ mình tay đã yếu, sức cũng gần cạn mà chưa có lớp trẻ thay thế. Nhiều lần, mình đã hướng dẫn cho nhiều thanh niên trong làng nhưng họ cũng không mặn mà với nghề. Hiện tại, mình đang hướng dẫn và truyền nghề lại cho hai đứa cháu. Bước đầu mình hướng dẫn các cháu công đoạn đơn giản như đẽo gỗ, tập tành điều khắc hình dáng thô sơ. Điều quan trọng nhất là đòi hỏi ở người học là sự kiên trì, chịu khó trong thời gian dài”.

Nghệ nhân tạc tượng cuối cùng của người Rơ Mâm - 3
Nỗi lo tiếp nối nghề tạc tượng gỗ của đồng bào Rơ Mâm bị thất truyền

Trò chuyện với chúng tôi, Trưởng thôn A Thái chia sẻ: “Khu nhà mồ nằm phía ven rừng cách làng khoảng 1 cây số. Đồng bào dân tộc Rơ Mâm làng Le cũng giống các dân tộc khác ở Tây Nguyên là dựng tượng nhà mồ cho người đã khuất. Vào dịp cuối năm, người thân thường tổ chức cải tạo, sửa sang các pho tượng để tưởng nhớ người đã khuất. Trong làng chỉ còn duy nhất nghệ nhân là ông A Ren. Những năm qua, các tượng gỗ trong “làng ma” được dựng lên chính là nhờ đôi bàn tay khéo léo của ông A Ren”.

Nghệ nhân tạc tượng cuối cùng của người Rơ Mâm - 4
Hầu như tất cả các tượng trong khu nhà mồ đều do A Ren tạc

“Các phong tục, tập quán trong dịp lễ Pơ Thi, mừng Nhà Rông, nhà mã đều phải có người đục đẽo nhà mồ để phục vụ bà con. Hiện nay, ông A Ren đang còn giúp đỡ nhưng sau này không biết ai có thể giúp dân làng. Tôi cũng đã vận động một số người trong làng nhờ già A Ren hướng dẫn để tránh cho nghề bị thất truyền…”.

Trao đổi với chúng tôi, ông H’Rách Láo (Chủ tịch UBND xã Mo Rai) cho biết: “Các cấp chính quyền địa phương cần có giải pháp tích cực để lưu giữ nét văn hóa đặc trưng riêng biệt của các dân tộc Tây Nguyên. Riêng chính quyền xã Mô Rai thời gian tới sẽ vận động, cũng như tổ chức cho tầng lớp thanh niên trong làng, kế thừa và phát huy nét văn hóa truyền thống để mãi lưu giữ được nét văn hóa đặc trưng riêng biệt của buôn làng Tây Nguyên nói chung và người Rơ Mâm nói riêng”.

Phạm Hoàng