Hội An:

Nghệ nhân đau đáu với việc "giữ hồn" nghề mộc ở làng nghề trăm năm tuổi

(Dân trí) - “Tôi muốn lưu giữ những giá trị tinh hoa của làng nghề, giữ âm thanh sống của làng mộc, cũng là tâm huyết cha ông để cho các thế hệ sau biết và hiểu hơn về nghề mộc Kim Bồng. Đó là gốc rễ của nghề và là trách nhiệm vinh quang mà mỗi truyền nhân làng mộc có được, để mai sau không phải ân hận”, nghệ nhân Huỳnh Sướng chia sẻ.

Làng mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim, TP Hội An), nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn chảy qua địa phận Hội An trước khi đổ ra biển. Du khách có hai cách để di chuyển đến đây, đó là đi ghe hoặc bằng đường bộ qua cầu Cẩm Kim.

Người nghệ nhân giữ hồn nghề mộc ở làng nghề trăm năm tuổi ở Hội An

Nghệ nhân Huỳnh Sướng bên tác phẩm dự triển lãm tại Hà Nội năm 2019

Trải qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, người thợ làng nghề đã có lúc phải buông búa, đục để mưu sinh bằng nghề khác nhưng tình yêu cháy bỏng với nghề chưa bao giờ dập tắt.

Đó chính là lý do mà nghề mộc và những sản phẩm mộc Kim Bồng vẫn sống và phát triển cho đến ngày hôm nay để minh chứng cho sức sống mãnh liệt của một làng nghề đã tồn tại hàng trăm năm tuổi.

Người nghệ nhân giữ hồn nghề mộc ở làng nghề trăm năm tuổi ở Hội An

Hiện ngôi nhà của nghệ nhân Huỳnh Sướng đang là nơi trưng bày, dạy trải nghiệm nghề mộc cho du khách khi đến làng mộc Kim Bồng; bên cạnh đó là dạy nghề cho những ai muốn theo nghề

Ở Cẩm Kim có bốn tộc họ đang gắn bó với nghề mộc là họ Nguyễn, Huỳnh, Phan, Trương. Ông Huỳnh Sướng (SN 1969), là đời thứ 13 của họ Huỳnh giữ gìn và phát triển nghề mộc.

Hơn 40 năm gắn bó với nghề, nghệ nhân Huỳnh Sướng là người duy nhất trong gia đình chọn kế nghiệp từ cha, mà theo ông tâm sự “cái duyên này không thể dứt được, dù đã không ít lần ông bỏ xứ ra đi rồi lại quay trở về”.

Người nghệ nhân giữ hồn nghề mộc ở làng nghề trăm năm tuổi ở Hội An

Tác phẩm “cá chép hóa rồng” được nhiều người đánh giá cao khi tham gia triển lãm

Năm 1996, mộc Kim Bồng được UNESCO và UBND TP Hội An tổ chức gầy dựng lại. Nghệ nhân Huỳnh Sướng đã thuyết phục cha mình là nghệ nhân Huỳnh Ry bước ra khỏi ý niệm chỉ truyền nghề trong gia tộc, để cùng dạy và truyền nghề cho những thanh niên có niềm đam mê và nhiệt huyết muốn theo nghề.

“Muốn nghề mộc Kim Bồng được lưu giữ và truyền bá rộng rãi, tránh nguy cơ thất truyền thì mình phải vượt qua ý niệm chỉ truyền cho con cháu, bởi chưa chắc con cháu sau này sẽ theo nghề. Đặc biệt, nghề này cũng kén người bởi phải có tâm huyết, sự kiên trì và sự sáng tạo không ngừng nghỉ.

Để cho sản phẩm của mình tinh xảo, mỗi nghệ nhân mộc Kim Bồng cần có kỹ năng, kỹ xảo của mình. Sản phẩm gắn với hồn, không có độ rung cảm của nghệ nhân, thì cái hồn của tác phẩm mỹ nghệ đó khó thành công. Một tác phẩm nghệ thuật phải chứa đựng linh hồn”, nghệ nhân Huỳnh Sướng tâm huyết.

Người nghệ nhân giữ hồn nghề mộc ở làng nghề trăm năm tuổi ở Hội An

Nhiều thế hệ truyền nhân của làng mộc đã đi và đưa sản phẩm mộc Kim Bồng đi khắp nơi

Tiếp đến năm 1999, phố cổ Hội An được công nhận Di sản văn hóa thế giới, nghề mộc Kim Bồng thực sự hồi sinh từ đây. Những nghệ nhân làng nghề có thêm cơ hội học hỏi các nghệ nhân Nhật Bản về bảo tồn, duy tu nhà cổ.

Từ đó tinh thần học hỏi, sáng tạo của nghệ nhân làng mộc ngày càng được nâng cao và được đón nhận rộng rãi hơn. Trải qua nhiều nỗ lực, nhãn hiệu tập thể mộc Kim Bồng mới được xác lập.

Ghi nhận những thành quả có được, tháng 6/2016, nghề mộc Kim Bồng đã được Bộ VH-TT&DL chính thức công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện nay, cả làng mộc Kim Bồng có trên dưới 200 người thợ làm việc ở 20 cơ sở mộc.

Người nghệ nhân giữ hồn nghề mộc ở làng nghề trăm năm tuổi ở Hội An

Nghệ nhân Huỳnh Sướng và du khách đến tham quan bên tác phẩm “Cội nguồn” đạt giải Ba trong cuộc thi sản phẩm thủ công Việt Nam năm 2010

“Nhờ những thế hệ trẻ được đào tạo mà nghề mộc Kim Bồng ngày một vươn xa hơn, theo chân các em đến những miền đất hứa làm cho tên tuổi làng mộc được nhiều người biết đến”, ông Sướng cho biết.

Những công trình lớn cũng được xây dựng, tu bổ từ đội ngũ trẻ này, có thể nhắc đến như Thánh thất Cao Đài và Tịnh Xá Ngọc Giáng tại thành phố Đà Nẵng; Tượng Phật Thích Ca tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây là tượng Phật được xếp vào loại tượng Phật bằng gỗ lim lớn nhất của Việt Nam thời điểm năm 2014 với trọng lượng nặng 4 tấn, cao 3m và rộng 1,6m.

Không bằng lòng với những gì mình có, nghệ nhân Huỳnh Sướng còn đi học tập ở các làng nghề khác trong cả nước. Từ đó, góp phần vào việc sáng tạo những sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như tranh tứ linh, tranh bình sứ, tranh tứ quý, đĩa song phụng… Trong đó có tác phẩm “Cội nguồn” được giải Ba trong cuộc thi sản phẩm thủ công Việt Nam lần VII năm 2010 cùng nhiều tác phẩm độc đáo khác…

Nghệ nhân Huỳnh Sướng chia sẻ về nghề mộc

Với đóng góp và cống hiến cho quê hương Hội An, ngày 14/8/2014, thừa ủy nhiệm của Chủ tịch nước, UBND tỉnh Quảng Nam đã trao danh hiệu nghệ nhân ưu tú cho ông. Đây là phần thưởng xứng đáng ghi nhận những đóng góp của nghệ nhân Huỳnh Sướng đối với việc gìn gi và phát huy nghề mộc Kim Bồng, tạo cơ sở để ông tiếp tục gắn bó với nghề, đồng thời đào tạo đội ngũ thợ trẻ giữ gìn và phục hồi làng nghề để không bị mai một, góp phần làm phong phú loại hình du lịch làng nghề truyền thống ở Hội An.

Làng mộc Kim Bồng vài năm trở lại đây ngày càng nhộn nhịp du khách thập phương, đặc biệt là khách nước ngoài. Sản phẩm làng mộc bây giờ đã vươn ra ngoài tầm của ngôi làng nhỏ bên dòng Thu Bồn, có mặt tại nhiều nơi trên đất nước Việt Nam và thế giới.

Theo ông Huỳnh Sướng, làng mộc không bán vé tham quan nên việc đầu tư lại cho làng nghề rất khó. Bên cạnh đó là điều kiện giao thông, nhân lực nghề ngày càng ít do cơ chế kinh tế, nhiều người trẻ muốn đi làm ăn tại các khu du lịch.

Hiện nay thành phố Hội An đang đầu tư bài bản hơn cho làng mộc để thu hút khách du lịch hơn nữa. Cây cầu xây dựng nối làng du lịch sinh thái Triêm Tây, làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà và với đô thị cổ Hội An thuận tiện cho các loại phương tiện đi lại đang mở ra cơ hội du lịch lớn.

Ông Huỳnh Sướng chia sẻ, việc phát triển làng nghề gắn với du lịch cũng là một trong những hướng đi của làng mộc. Các nghệ nhân làng chú trọng phát triển sản phẩm nội địa như chạm trổ, xây dựng đình, chùa, miếu, nhà cửa… nên sản phẩm của làng nghề luôn được yêu thích bởi độ tinh xảo, cũng như tư duy sáng tạo không ngừng nghỉ để cho ra sản phẩm chất lượng, ấn tượng đến khách hàng.

“Đây là nghề thủ công, để có sản phẩm cạnh tranh được với sự phát triển của nhiều mặt hàng khác thì người thợ Kim Bồng phải có đam mê, lòng nhiệt huyết. Đòi hỏi họ luôn phải sáng tạo, nâng cao tay nghề và đặt toàn bộ tâm hồn, trí tuệ của mình vào tác phẩm”, nghệ nhân Huỳnh Sướng nói.

Công Bính-Ngô Linh