TPHCM:
Nghệ nhân chia sẻ "bí kíp" chăm hoa mai sau Tết
(Dân trí) - Sau Tết, tất cả các cành dư thừa, hoa, nụ còn sót lại đều phải được cắt sạch. Tùy theo sức khỏe của cây mà người nghệ nhân sẽ có những cách chăm bón phân sao cho phù hợp. Đây được coi là khâu quyết định vì nếu chăm sóc không kỹ năm sau mai sẽ khó nở hoa.
Nếu như người miền Bắc chưng hoa đào thì người miền Nam lại ưa thích chưng hoa mai ngày Tết. Mai không chỉ chưng cho đẹp nhà mà nó còn thể hiện sự bình an, may mắn và phát tài phát lộc. Dân gian vẫn tin rằng nếu ngày Tết cây mai nở càng nhiều hoa thì năm đó gia chủ càng phát tài.
Tại TPHCM, do nhiều người không có thời gian, kinh nghiệm và diện tích chăm hoa nên ngày Tết họ sẽ thuê một chậu mai về chưng nhà. Nhiều gia đình có điều kiện thì bỏ ra hàng trăm triệu để mua hoa và thuê người chăm hoa sau ngày Tết. Tuy vậy, để chăm được cây mai khỏe mạnh và ra hoa đúng dịp Tết năm sau thì không hề đơn giản.
Theo nghệ nhân Trần Văn Đức - chủ vườn mai ở Thủ Đức thì việc chăm mai cần hết sức tỉ mỉ và phải yêu hoa thực sự mới làm được. Dù chỉ mới gắn bó gần 20 năm mới cây mai nhưng anh Đức đã sưu tầm cho mình hàng trăm cây mai "khủng" trị giá nhiều tỉ đồng.
Dịp tết Kỷ Hợi vừa qua, đa số các gốc mai trong vườn nhà anh đều cho hoa nở đều cây và đúng Tết. Bí quyết giúp anh có được những gốc mai ra đẹp như thế là do anh biết cách chăm sóc theo từng thời điểm phát triển của cây mai.
"Việc chăm sóc mai sau những ngày Tết có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nó ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây và nở hoa. Do vậy, ngay sau khi các gia đình chưng Tết xong, chúng tôi sẽ đến lấy mai về và tiến hành quá trình chăm sóc.
Đầu tiên sẽ phải cắt hết các cành dư thừa, nụ, hoa để năm sau nở nhiều và đều hơn. Thường công việc này phải hoàn thành trước ngày 20 âm lịch", anh Đức chia sẻ.
Theo chia sẻ của anh Đức, việc cắt tỉa sau Tết giúp cây không bị mất sức và dễ khôi phục hơn. "Hầu hết các gia đình chưng mai đều không biết rõ cách chăm sóc và điều kiện thời tiết cũng khác nhau nên mai rất dễ bị ảnh hưởng. Do vậy nếu không cắt tỉa thì cây mai dễ bị si, cây phải nuôi quá nhiều cành, hoa nên dễ suy kiệt và nấm bệnh. Đây là nguyên nhân chính khiến mai nở sớm hoặc nở chậm hơn so với Tết".
Tiếp theo đó, việc thay đổi môi trường của cây mai cũng cần phải được chú trọng. Thường sau khi chưng trong nhà thì phải để ra ngoài bóng mát chừng 1, 2 tuần rồi mới đưa ra ngoài nắng. Việc làm này giúp cây mai dễ dàng tiếp xúc từ từ với môi trường quang hợp sau thời gian dài được chưng trong nhà.
Bên cạnh đó, khâu bón phân cũng là một yếu tố quan trọng. Theo các nghệ nhân, việc bón phân phải được các nghệ nhân dày kinh nghiệm chăm bón. Nếu lượng phân bón không đủ hoặc quá dư thừa sẽ làm cây bị chết.
"Khoảng đầu đến giữa tháng 2, khi lá đã ra đầy đủ thì nên bón một lượng phân vừa đủ lấp gốc cây. Không nên bón nhiều bởi rễ cây chưa hoạt động mạnh, nếu bón ít quá cây sẽ khô và chết. Ngoài bón phân, các nghệ nhân sẽ phối nhiều loại phân hóa học khác nhau tùy vào sức khỏe của cây để nó khỏe mạnh hơn. Rồi khoảng cuối tháng 3 và đầu tháng 4, khi rễ đã cứng cáp thì tiến hành thay chậu cho mai để sau này dễ cắt tỉa theo ý muốn", anh Đức nhấn mạnh.
Theo anh Đức, nghề chăm mai đòi hỏi nghệ nhân phải hết sức tỉ mỉ và có kinh nghiệm. Nhiều nghệ nhân mới vào nghề đã phải trả giá hàng trăm triệu đồng vì cây mai được thuê chăm sóc không nở hoa đúng Tết.
"Hiện nay, vườn của tôi trên 400 cây mai. Do đó, việc chăm sóc phải hết sức tỉ mỉ. Chỉ cần một cây mai không nở hoa hay chết là chúng tôi phải đền lại cây mới cho khách. Nhiều người họ gửi cây mai cả trăm triệu đồng để mình chăm sóc. Chi phí hàng năm chăm sóc vào khoảng 40% giá trị cây mai.
Tuy vậy, nếu mình làm hư hỏng cây mình phải trả cho họ một cây mới tương đương như thế. Làm nghề này cũng vui nhưng cơ cực lắm. Nhiều năm chúng tôi phải bỏ ra cả trăm triệu để đền cho khách. Tuy vậy, chúng tôi vẫn mong muốn mình có thể làm ra nhiều cây mai đẹp cho bà con chơi Tết. Niềm vui của họ cũng là niềm vui của nhà vườn chúng tôi và các nghệ nhân".
Xuân Hinh