Hội An:

Nghề làm lân phố cổ nhộn nhịp vào Tết Trung thu

(Dân trí) - Những ngày cận Tết Trung thu, các cơ sở làm lân tại Hội An lại bận rộn nhiều hơn. Sản phẩm lân Hội An không chỉ tập trung cung cấp tại địa bàn, mà còn tiêu thụ nhiều nơi trong nước.

Cơ sở làm lân của anh Nguyễn Hưng (thôn Trảng Kèo, xã Cẩm Hà) ngổn ngang những mặt nạ ông địa, lân lớn nhỏ... Kẻ bán, người mua tất bật, tạo nên không khí nhộn nhịp của những ngày cận Tết Trung Thu.

Lân Hội An đang rộn ràng chuẩn bị dịp Tết Trung thu
Lân Hội An đang rộn ràng chuẩn bị dịp Tết Trung thu

Điều đặc biệt cơ sở của anh Hưng đang tạo công ăn việc làm cho gần 20 em thanh niên, đa số các em nghỉ học từ rất sớm vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Là cơ sở làm lân truyền thống, nên xưởng của anh làm lân quanh năm nên lương của các em khá ổn định.

Nghề làm lân phố cổ nhộn nhịp vào Tết Trung thu - 2
Khâu vẽ, sơn màu… cần được làm tỉ mỉ, nét vẽ có hồn để toát lên được cái thần thái của lân theo mong muốn
Khâu vẽ, sơn màu… cần được làm tỉ mỉ, nét vẽ có hồn để toát lên được cái thần thái của lân theo mong muốn

Anh Nguyễn Hưng cho biết, làm đầu lân quan trọng nhất là ở khâu tạo khuôn, từ đó người thợ sẽ đắp giấy để tạo hình con lân. Mọi khâu đều cần tỉ mỉ, từ khâu vẽ, sơn màu lên những chi tiết để toát lên được cái thần thái của mỗi con lân, mặt nạ.

Khâu làm đầu là quan trọng nhất, sau đó người thợ sẽ đắp giấy dán lên để tạo hình lân
Khâu làm đầu là quan trọng nhất, sau đó người thợ sẽ đắp giấy dán lên để tạo hình lân

Mỗi đầu lân, mặt nạ mang một cái hồn, thần thái khác nhau tùy theo tâm trạng và cảm xúc của người làm. Tất cả các công đoạn đều làm thủ công nên yêu cầu độ khéo léo, tinh xảo và thẩm mỹ cao trong các công đoạn, đặc biệt là khâu vẽ các chi tiết lên lân hay mặt nạ.

Lân hung dữ, lân hiền lành… đều toát qua đôi mắt của lân, đó cũng chính là thần thái mà người vẽ biểu hiện qua cảm xúc của mình khi tạo hình
Lân hung dữ, lân hiền lành… đều toát qua đôi mắt của lân, đó cũng chính là thần thái mà người vẽ biểu hiện qua cảm xúc của mình khi tạo hình

Mỗi ngày trung bình anh làm được khoảng 5-6 con lân các loại, khoảng 12 mặt nạ ông địa. Giá bán sỉ đầu lân nhỏ từ 70.000-100.000 đồng/cái, đầu trung từ 250.000-400.000 đồng/cái, loại lớn giá từ 5-6.500.000 đồng/cái. Mặt nạ ông địa có giá từ 50.000-70.000 đồng/cái.

Cơ sở làm lân tất bật chuẩn bị để kịp đón Tết Trung thu
Cơ sở làm lân tất bật chuẩn bị để kịp đón Tết Trung thu

Bình quân mỗi năm, cơ sở của anh sản xuất và bán được chừng 2.000 đầu lân nhỏ, khoảng 600-700 đầu lân lớn cùng khoảng 1.000 mặt nạ ông địa các loại, cung cấp cho bạn hàng ổn định khắp nơi từ Nam ra Bắc. Doanh thu của gia đình anh mỗi năm khoảng hơn 200 triệu đồng.

Nghề làm lân phố cổ nhộn nhịp vào Tết Trung thu - 7
Nghề làm lân phố cổ nhộn nhịp vào Tết Trung thu - 8
Lân xuất hiện trong nhiều lễ hội nhưng nhiều và đặc sắc nhất vẫn là mỗi dịp Trung thu, thu hút sự quan tâm của cả trẻ em và người lớn
Lân xuất hiện trong nhiều lễ hội nhưng nhiều và đặc sắc nhất vẫn là mỗi dịp Trung thu, thu hút sự quan tâm của cả trẻ em và người lớn

Đã là trò chơi dân gian thì phải tuân thủ theo các quy ước đã có từ xưa. Múa lân còn là một thứ lễ nghi mang tính tôn giáo, các lễ hội múa lân là dịp để tế lễ, cầu xin sự ấm no, an lành của người dân địa phương. Người làm đầu lân vì thế không chỉ bán để kiếm tiền mà còn phải biết hướng dẫn người mua về màu sắc, mẫu mã, lựa chọn các thứ đi kèm như mặt nạ, trống…

Tết Trung thu đã cận kề, lân lại xuất hiện khắp thành thị đến thôn quê, tiếng trống lân rộn ràng gợi nhớ nhiều kỷ niệm của thời thơ ấu. Và những cơ sở làm lân sẽ hân hoan hơn, khi những sản phẩm của mình làm ra góp phần mang đến niềm vui cho trẻ thơ.

N.Linh