Nghề đem lại hương thơm đặc trưng trong dịp Tết cổ truyền
(Dân trí) - Đến làng hương cổ truyền Đông Khê, xã Hoằng Qùy, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) vào thời điểm này có cảm nhận như xuân đến sớm với mùi hương nồng nàn, ấm cúng cùng không khí nhộn nhịp, hối hả với nghề làm hương. Những mẻ hương đang được khẩn trương để chuẩn bị phục vụ vào dịp Tết cổ truyền Canh Tý 2020.
Từ bao đời nay, nén hương thơm vào những dịp lễ tết là một nét đẹp văn hóa quen thuộc của mỗi người dân Việt Nam. Hương không chỉ đơn thuần là sản phẩm tâm linh, nét đẹp văn hóa trong ngày lễ tết, mà hương cũng đã trở thành mặt hàng mang lại thu nhập cao cho người sản xuất trong dịp Tết.
Với người dân ở Đông Khê, xã Hoằng Qùy, huyện Hoằng Hóa, làm hương vốn là một nghề truyền thống đã được lưu truyền bao đời nay. Đặc biệt, đây là thời điểm tiêu thụ lớn nhất trong năm với những đơn hàng chuẩn bị phục vụ nhu cầu dịp Tết cổ truyền Canh Tý 2020.
Người dân nơi vùng quê Đông Khê xem cây hương không chỉ là hồn quê, chứa đựng trong đó những nét tinh hoa được cha ông để lại. Hương còn là một nghề đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân nơi đây.
Những ngày này, khắp các đường làng, ngõ xóm nơi làng nghề hương Đông Khê luôn phảng phất mùi hương nồng nàn, ấm cúng. Người lớn, phụ nữ, trẻ em ai cũng tất bật với công việc, bởi đây cũng là mùa làm ăn chính của họ.
Đây đó, những bó tăm hương đỏ rực được phơi dọc trong sân, ngoài ngõ của những hộ sản xuất hương trong làng, cảm nhận như Xuân đã đến sớm với làng hương Đông Khê. Các loại hương được làm chủ yếu là hương trăm, hương sào và hương thẻ.
Trải qua bao đời nay, nghề làm hương ở Đông Khê với những thăm trầm, nhưng nghề làm hương tại Đông Khê vẫn luôn được duy trì và có những bước chuyển mình rõ rệt cả về chất lượng lẫn hình thức. Đến nay làng hương Đông Khê vẫn duy trì với hàng chục hộ làm nghề.
Ngày trước, những cây hương Đông Khê chủ yếu được người thợ làm thủ công. Nhưng 10 năm trở lại đây, những chiếc máy làm hương xuất hiện đã hỗ trợ trong các công đoạn làm hương. Một số hộ ở làng Đông Khê vẫn lưu truyền nghề làm hương bằng phương pháp thủ công.
Nhìn những sản phẩm hương cho mùi thơm đặc trưng và que hương đơn giản, nhưng để cho ra được các sản phẩm hương, người dân Đông Khê có những công thức cũng như bí quyết riêng.
Gia đình ông Đoàn Văn Mậu (62 tuổi) đã có thâm niên bốn đời làm hương truyền thống tại làng Đông Khê. Gia đình ông Mậu cũng là một trong số ít những hộ còn lưu giữ lại nghề làm hương bằng phương pháp thủ công. Đây là thời điểm gia đình ông đang gấp rút chuẩn bị cho những đơn hàng phục vụ nhu cầu Tết nguyên đán Canh Tý 2020.
“Trước kia hầu hết người dân trong làng đều sống bằng nghề làm hương. Làm hương bằng phương pháp thủ công rất vất vả nhưng đổi lại nó có một nét đặc trưng riêng, tạo nên những nén hương thơm đặc biệt. Từ khi có máy, nhiều gia đình chuyển qua mô hình mới. Gia đình tôi vẫn giữ lại cách làm hương thủ công”, ông Mậu chia sẻ.
Để cho ra những nén hương thơm đặc trưng bằng phương pháp thủ công đòi hỏi những người thợ phải tỉ mỉ, nhập tâm đến từng công đoạn.
Theo chia sẻ của ông Mậu, với cách làm truyền thống, mỗi cây hương phải mất ít nhất 5 công đoạn. Đầu tiên là xử lý tăm hương. Nguyên liệu làm tăm hương được chọn từ thân cây vầu; vầu sau khi được lấy về sẽ được chẻ thành từng thớ nhỏ để tạo nên tăm hương.
Sau khi tăm hương được xử lý sẽ tiến hành dùng thuốc nhuộm chân tăm rồi phơi khô. Một công đoạn cũng không kém phần quan trọng để tại nên hương vị của cây hương là chạy nhựa. Thông thường, nhựa dùng làm hương là loại nhựa của cây trám trộn cùng bột than (than vừng, mía, lá chuối…) rồi đưa vào cối giã nát.
Tiếp đến là công đoạn tẩy tăm. Trước khi đưa vào chạy thuốc cho hương thì các tăm hương sẽ được tẩy bằng một lượt nhựa trám tẩm than.
Công đoạn cuối cùng là “chạy bài”. Những que hương sau khi hoàn tất sẽ được đưa vào máy chạy thuốc để tạo mùi thơm đặc trưng cho hương. Thuốc bài chính là loại bột mịn được chiết xuất từ cây bài, đây là loại cây đem đến hương thơm đặc trưng.
Những que hương sau khi chạy bài xong sẽ được đem ra phơi khô rồi đóng gói. Nếu gặp thời tiết mưa, hương sẽ được đưa vào các lò sấy khô. Lúc này, những cây hương đã bắt đầu có mùi thơm đặc trưng.
Để cho ra một mẻ hương tốt phải chú ý đến khâu chọn nguyên liệu. Hương liệu trước đây là rễ cây trầm, nhưng bây giờ, rễ trầm ngày càng khan hiếm nên người ta thường thay thế bằng rễ cây trám, rồi trộn lẫn với một số hương liệu khác tạo mùi thơm dễ chịu cho hương.
Nghề làm hương đòi hỏi sự tỉ mỉ nhưng cũng không vất vả như nghề nông, thị trường tiêu thụ tương đối ổn định, mang lại thu nhập khá cho người lao động và tranh thủ được nguồn lao động sẵn có trong gia đình.
Cũng chính vì vậy mà hương của làng Đông Khê không chỉ có mặt trong tỉnh mà còn vươn ra thị trường các tỉnh khác.
Đến làng nghề hương Đông Khê những ngày này, cảnh người trộn bột, người se hương, người phơi phóng tạo nên một không khí hối hả, nhộn nhịp. Mùi thơm nồng nàn của hương cho ta cảm giác như xuân đã đến sớm hơn với các hộ gia đình làm hương làng hương Đông Khê.
Duy Tuyên