Ngày ông Công, ông Táo nên cúng cỗ mặn hay cỗ chay?
(Dân trí) - Cứ đến ngày 23 tháng Chạp hàng năm, người Việt lại thành kính sắm sửa lễ vật, mâm cỗ cúng để tiễn ông Công, ông Táo chầu trời. Tuy nhiên, việc chuẩn bị cỗ chay hay cỗ mặn lại là điều khiến khá nhiều người băn khoăn.
Bàn về vấn đề này, nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Công (thành viên của UNESCO Việt Nam) cho rằng, đây là thắc mắc khá phổ biến khi chúng ta đang sống trong thời kì giao thoa văn hóa, trong đó có văn hóa tín ngưỡng.
Nếu đứng theo góc độ tâm lý xã hội, việc cúng lễ là hành động của con người muốn hướng về một niềm tin, có thể là ở mức tín ngưỡng hay tôn giáo. Cúng lễ thể hiện sự thành tâm trước thiên nhiên hay những lực lượng siêu hình (như thần linh) để mong muốn sự bình an cho bản thân và gia đình.
Nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Công cho biết: “Trong suốt chiều dài lịch sử, người Việt bị ảnh hưởng bởi văn hóa Á Đông và Trung Quốc nhưng lại có những bản sắc rất riêng của văn hóa, tín ngưỡng bản địa. Những nghi thức cúng lễ được pha trộn bởi tinh thần của Nho giáo, Lão giáo, Đạo Mẫu, tục thờ cúng gia tiên, các tín ngưỡng tự nhiên và mang đậm dấu ấn vùng miền”.
Chính từ sự ảnh hưởng của các nghi thức này nên việc cúng mặn (sử dụng động vật làm món ăn) và đốt vàng mã đã trở thành một phong tục có bề dày lịch sử.
“Tuy nhiên, điều này sẽ có đôi chút khác biệt với những người có ảnh hưởng bởi Phật giáo, với chủ trương không hoặc hạn chế sát sinh. Do đó, việc cúng lễ chỉ cần sự thành tâm, giản tiện và giảm thiểu các nghi thức, đặc biệt thể hiện trong mâm cỗ chay. Các tín ngưỡng, tôn giáo khác cũng vậy. Chính vì thế, việc cúng cỗ chay hay mặn sẽ tùy thuộc khá lớn vào tín niệm của người hành lễ, sẽ lựa chọn nghi thức nào phù hợp nhất với niềm tin của mình”, thành viên của UNESCO Việt Nam kết luận.
Vị chuyên gia cũng khẳng định, nhằm hướng tới những giá trị tốt đẹp về phong tục, nhân văn, giáo dục truyền thống cổ truyền tốt đẹp, việc cúng lễ nên chú trọng vào sự thành tâm, đúng như quan điểm “lễ bạc lòng thành” của tín ngưỡng Việt hay “thành tâm hướng Thiện” của tín ngưỡng Phật giáo.
Có cùng quan điểm với thành viên của UNESCO Việt Nam, TS. Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, việc cúng cỗ chay hay cỗ mặn là tùy thuộc vào văn hóa của từng vùng miền cũng như thói quen, điều kiện của mỗi gia đình.
“Nếu đúng theo quan niệm dân gian, mâm cỗ truyền thống sẽ bao gồm rất nhiều món như gà luộc, canh mọc, xào thập cẩm, giò, xôi gấc, hoa quả, rượu, trầu cau, hoa cúc, hoa đào,…. Tuy nhiên, đặt trong hoàn cảnh cuộc sống bận rộn như hiện nay thì mỗi gia đình cũng chỉ cần làm đơn giản. Cái quan trọng và cần thiết nhất là tấm lòng thành kính hướng đến tổ tiên. Cũng nên lưu ý, khi thắp hương chỉ nên cầu cho “người yên vật thịnh”, gia đình yên ấm, mọi người bình an chứ không nên đặt nặng vấn đề tài lộc, phú quý như nhiều người đang làm”, TS Trần Hữu Sơn chia sẻ.
Thông thường, ngoài bộ áo mũ ông Công, ông Táo thì các gia đình thường chuẩn bị mâm cỗ mặn với xôi, gà, các món canh hoặc hay lễ chay (bao gồm trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc...)
Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn vái xong, gia chủ sẽ đợi hương tàn rồi thắp thêm một tuần hương nữa mới được lễ tạ. Hoàn tất công việc hóa vàng mã, gia chủ mới được thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối… để ông Táo lên chầu Trời.
Nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Công – thành viên của UNESCO Việt Nam: “Trong dịp Tết, nghi lễ cúng Táo Quân bắt nguồn từ Trung Quốc, ảnh hưởng khá lớn của Lão Giáo, do đó các gia đình thường sẽ cúng mặn. Tuy nhiên, việc phóng sinh cá chép trong ngày này lại mang ý nghĩa rất nhân văn của tư tưởng Phật Giáo. Phải chăng, đó là một sự giao thoa văn hóa?”.
Hà Trang – Hoàng Ngọc