Ngày “đèn đỏ”

Chẳng cần giải thích cũng biết đây không phải ngày về giao thông. Dĩ nhiên, chúng tôi cũng không định bàn về nó trên phương diện y khoa.

 

Từ 15/11 tới, theo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động liên quan đến chính sách với lao động nữ, ngày “đèn đỏ” chính thức được luật hóa. Đây là một chủ trương nhân văn với lao động nữ. Người không trong cuộc khó lòng mà biết, đàn ông chỉ nên hình dung, vận dụng kiến thức cùng với tấm chân tình với chị em mà nên coi trọng, chớ bỡn cợt. Bởi, chỉ lao động nữ mới thấy nó thực tế, ý nghĩa thế nào. Theo chính sách này, trong kỳ kinh, mỗi ngày chị em sẽ được nghỉ 30 phút, tối thiểu 3 ngày một tháng và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Thời gian nghỉ cụ thể do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động.

Các nhà làm luật ở Việt Nam ngày càng có những thay đổi vô cùng tích cực về tư duy chính sách đặc thù liên quan đến phái yếu. Trước việc luật hóa ngày “đèn đỏ”, việc đàn ông cũng được nghỉ thai sản để chăm sóc vợ (Luật bảo hiểm xã hổi sửa đổi, hiệu lực từ 1/1/2016, lao động nam được nghỉ từ 5 đến 14 ngày tùy tình trạng sinh của vợ) cũng đã được thông qua.

Chúng ta nên mừng với những chuyển biến văn minh và nhân ái như vậy, dù còn khoảng cách xa nữa so với một số nước có chính sách chăm sóc phụ nữ cực tốt như Na Uy, Phần Lan, Iceland, Đan Mạch, Thụy Điển… Ở điều kiện hiện tại, chúng ta khó lòng “ép buộc” đàn ông phải nghỉ việc để chăm vợ đẻ, càng khó yêu cầu một bác sĩ (hoặc y tá) chuyên theo dõi, phục vụ một sản phụ từ lúc phát hiện có thai đến lúc lâm bồn…, nhưng hoàn toàn chấp nhận được với thứ hạng 98 thế giới về chăm sóc bà mẹ, trẻ em được Tổ chức cứu trợ trẻ em (Save the Children) công bố đầu tháng 5 vừa qua, khi chúng ta vừa “thoát nghèo” chưa lâu.

Đấy là trên phương diện văn bản luật pháp, còn khoảng cách với thực tế đang xa hay gần cũng cần có đánh giá một cách nghiêm túc trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật. Lao động nữ, đặc biệt là công nhân ở các khu công nghiệp, đang bị đối xử thế nào? Lao động nữ ở các doanh nghiệp tư nhân, nước ngoài có thực sự được đối xử nhân văn như tinh thần của luật, hay đang bị các chủ sử dụng lao động vắt kiệt sức, bất kể “đèn đỏ” hay thai sản?

Để chủ trương nhân văn ấy đi vào cuộc sống khó hơn nhiều và đòi hỏi sự cứng rắn của người thực thi luật pháp. Chứ chuyện lên danh sách cô này cô kia bị “đèn đỏ” bao lâu, bao lần… chẳng có gì cần băn khoăn hay đáng khôi hài. Chính thế mới thực tế và văn minh!

Theo Gia đình & Xã hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm