Ném gối - Từ trò chơi cho trẻ em thành môn thể thao phổ biến ở Nhật

Trò chơi ném gối khá giống với chơi bóng né. Quy luật của trò chơi là dùng gối ném vào đội đối phương để đuổi họ ra khỏi sân. Mục tiêu cuối cùng trong cuộc đấu gối là đánh trúng đội trưởng.

Ném gối - Từ trò chơi cho trẻ em thành môn thể thao phổ biến ở Nhật - 1

Nguồn: Odditycentral.com.

Mỗi năm, hàng chục đội tuyển từ khắp nơi sẽ tìm đến thị trấn Ito của Nhật Bản để tranh tài tại một trong những sự kiện thể thao độc đáo nhất thế giới: Giải vô địch ném gối toàn Nhật Bản.

Ném gối là một trò tiêu khiển lâu đời của trẻ em trên khắp thế giới. Nhật Bản cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, chỉ có ở Nhật Bản, trò chơi này mới được nâng tầm lên vị thế của môn thể thao quốc gia, với các đội gồm người chơi ở mọi lứa tuổi, cạnh tranh với nhau để giành chiến thắng.

Sau khi đấu với nhau tại vòng loại khu vực, các đội chiến thắng sẽ gặp nhau tại thị trấn đánh cá nhỏ Ito nằm ở phía nam Tokyo, để cạnh tranh trong Giải vô địch ném gối toàn Nhật Bản. Đội chiến thắng cuối cùng sẽ đoạt danh hiệu "Võ sỹ gối giỏi nhất Nhật Bản".

Được biết Giải vô địch ném gối toàn Nhật Bản lấy cảm hứng từ 枕 投 げ makura-nage, một trò ném gối vui nhộn mà học sinh Nhật Bản thường chơi trước giờ đi ngủ ở trường học. Đây là trò chơi gắn liền với ký ức tuổi thơ, những năm tháng đến trường của hầu hết người Nhật Bản.

Do đó, một số người nghĩ rằng sẽ rất thú vị nếu đưa trò chơi này thành một giải đấu cạnh tranh và ai cũng có thể tham gia để sống lại với những kỷ niệm cũ. Giải đấu bắt đầu từ năm 2013 và được tổ chức hàng năm kể từ đó.

Được bắt đầu bởi một nhóm học sinh trung học ở thành phố Shizuoka, cuộc thi ném gối dựa trên một bộ quy tắc kỳ quặc nhưng tương đối đơn giản.

Trò chơi được diễn ra giữa hai đội, mỗi đội gồm năm người chơi mặc yukata - trang phục truyền thống mùa hè ở Nhật Bản và giả vờ ngủ trên nệm futon. Khi trọng tại thổi còi ra hiệu, người chơi đứng dậy lấy gối và bắt đầu trận đấu.

Trò chơi ném gối khá giống với chơi bóng né. Quy luật của trò chơi là dùng gối ném vào đội đối phương để đuổi họ ra khỏi trò chơi. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng trong cuộc đấu gối cạnh tranh là đánh trúng đội trưởng đối phương.

Một khi đội trưởng bị ném trúng, dù cho tất cả người chơi trong đội đều "sống" thì vòng đấu cũng sẽ kết thúc. Đội đầu tiên giành chiến thắng trong hai hiệp đấu kéo dài hai phút sẽ chiến thắng.

Để đảm bảo đội trưởng được bảo vệ trong suốt các hiệp đấu, một cầu thủ trong mỗi đội có thể sử dụng chăn để làm tấm khiên phòng thủ.

Dù được xem là một môn thể thao, trò chơi này vẫn có các quy tắc đặc biệt liên quan đến nguồn gốc của nó, như khi trọng tài bất chợt hô to cụm từ "Giáo viên đang đến," ngay lập tức một đội phải rút lui về đệm của họ trong vòng 10 giây. Đội còn lại có thể tận dụng thời điểm này để di chuyển xung quanh và cướp gối từ đội kia.

Quay trở lại năm 2014, một năm sau khi Giải vô địch ném gối toàn Nhật Bản bắt đầu, công ty Nhật Bản Makura Kabushikigaisha đã cho ra mắt một chiếc gối đặc biệt được thiết kế chuyên dùng trong các cuộc thi ném gối. Kể từ đó đến nay, nó vẫn là chiếc gối duy nhất được chính thức công nhận hợp lệ trong các giải đấu. 

Chiếc gối này có giá khoảng 3.150 yen (khoảng 700.000 VND) và có độ cân bằng hoàn hảo - đủ nặng để ném và đủ đàn hồi để không gây ra bất kỳ thương tích nào.

Vào tháng 2 hàng năm, các đội ném gối giỏi nhất ở Nhật Bản đều tập trung tại thị trấn Ito cho giải vô địch ném gối quốc gia.

Thành phần tham dự trải rộng ở mọi lứa tuổi, từ những học sinh trung học, đến những cựu chiến binh ở độ tuổi sáu mươi.

Mặc dù giải thưởng 100.000 yen (21 triệu VND) nghe có vẻ không nhiều, nhưng tất cả mọi người đều hào hứng tham gia, để giành chiến thắng và nhớ lại những kỷ niệm thời cắp sách tới trường.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm