Nặng lòng nỗi lo mất mùa của người trồng quất khi Tết sắp về

(Dân trí) - Những năm gần đây, hình ảnh quất ế bị vứt chỏng chơ bên vệ đường vào chiều 29, 30 Tết đã không còn quá xa lạ. Năm nay, nỗi lo của người trồng quất lại lớn hơn gấp bội, bởi nhiều cây đang có hiện tượng thiếu nước, ngả lá vàng, cho quả nhỏ.


Lá cây có hiện tượng ngả vàng.

Lá cây có hiện tượng ngả vàng.

Càng những ngày cận tháng Chạp, nhịp sống của người trồng quất tại các vườn ở Quảng An, Tứ Liên (Tây Hồ) lại càng hối hả hơn. Vườn nào cũng có người đang tỉa lá, chăm chút từng gốc cây, chùm quả. Nhưng khi nghe hỏi về tình hình cây quất năm nay, không mấy ai nén nổi tiếng thở dài.

Quất hỏng, nguy cơ mất mùa

Bước vào khu đất rộng thênh thang của nhà vườn Hào Chiêm, dễ nhận thấy các cây quất ở đây đang được phân thành hai trạng thái đối lập. Bên trồng cây quất nhỏ, lá đã ngả vàng gần hết, quả không tươi và cây thiếu sức sống. Bên khu đất còn lại là những cây to, nhiều quả, được cắt tỉa cẩn thận và được chủ vườn chăm chút kĩ hơn cả. Nhưng nhìn kĩ, cây không thực sự có màu xanh mướt và quả cũng nhỏ hơn so với những năm được mùa.

Vừa liên tục loại bớt những lá bắt đầu hỏng, chị chủ vườn Hào Chiêm vừa than thở: “Cùng một mảnh đất, cùng một người trồng mà không hiểu sao lại có hiện tượng lạ như vậy. Mấy nhà quanh đây đã cùng nhau tìm cách, nhưng cuối cùng chả có kết luận hay giải pháp nào được đưa ra. Chung quy cũng do thời tiết năm nay quá khắc nghiệt.”


Ở những cây to, quả cũng rất bé, không mọng nước.

Ở những cây to, quả cũng rất bé, không mọng nước.

Theo kinh nghiệm của những người trồng quất ở Tứ Liên, phải năm nào trời mưa nhiều, độ ẩm phù hợp thì quất mới xanh lá, mọng quả. “Mọi năm tầm này là mưa dầm gió bấc, nhưng trời bây giờ nóng quá. Tháng trước tuy có mưa nhưng không đáng kể. Nghĩ cũng buồn, đã 2 năm quất hỏng, cây xấu. Năm được mùa quất đẹp thì ế, không ai chơi. Năm nay lại hỏng một nửa vườn. Còn từ giờ đến tháng 12, không biết tình hình sẽ ra sao.”, chị chủ vườn tâm sự.


Người trồng quất đang đứng trước nỗi lo mất mùa.

Người trồng quất đang đứng trước nỗi lo mất mùa.

Có hy vọng nào cho quất thế, quất bonsai?

Trồng quất trong chậu, quất bonsai đòi hỏi nhiều công sức hơn bởi người trồng phải tạo dáng ngay từ khi cây còn bé. Tuy công đoạn phức tạp hơn, nhưng theo lời chia sẻ của chú Tiến, chủ vườn quất bonsai, lời lãi không được bao nhiêu. Hơn nữa, năm nay, mọi người đều lo lắng vì quất có nguy cơ mất mùa.

Để đối phó với thời tiết năm nay, người trồng quất phải tưới nước nhiều. Nhưng vì trời hanh khô, nên dù có “cứu” được thì cây cũng không đẹp. “Đến thời điểm này rồi, có áp dụng biện pháp nào cũng không kịp nữa. Đất lâu rồi cũng mất màu, mà thời tiết lại thất thường quá. Cũng chả biết làm sao.”, chú Tiến nói.


Vườn cây quất bonsai, quất thế.

Vườn cây quất bonsai, quất thế.

Để có một cây quất được giá, chú Tiến phải bẻ cho các cành tỏa ra nhiều hướng. Thêm nữa, đến gần Tết, làm sao cho cây có nhiều lộc thì mới càng giá trị. “Nếu sắp tới trời mưa thì may ra chúng tôi còn được chút hy vọng. Trồng quất bonsai đỡ hơn trồng quất đất, nhưng tình hình chẳng khả quan hơn là bao. Vẫn an ủi nhau, thôi thì trông vào trời vậy.”


Một chậu quất được tỉa cẩn thận được bán với giá 2-3 triệu đồng.

Một chậu quất được tỉa cẩn thận được bán với giá 2-3 triệu đồng.

Cách đó vài nhà, một vườn quất khác cũng gặp tình trạng tương tự. Đứng nhìn vườn cây mất cả năm trởi chăm sóc, một người trồng quất buồn bã: “Cả nhà trông vào vườn quất. Trồng thì cứ trồng, chăm thì cứ chăm. Nhưng giá cả thế nào, lỗ hay lãi, chính chúng tôi cũng chưa biết được.”

Trông vào trời, cậy vào khách

Vụ mùa bội thu hay không phần nhiều phụ thuộc vào thời tiết. Đó là điều ai cũng hiểu. Nhưng khi trò chuyện với người dân ở vùng trồng quất Quảng An, Tứ Liên, hầu hết mọi người đều có chung một nỗi niềm. “Ngày xưa, khi chưa có nhiều các loại cây cảnh lạ như bây giờ, cứ đến Tết là nhà ai cũng phải bày một cây quất thì mới đúng không khí cổ truyền. Những năm gần đây, người mua quất thưa hẳn, mà họ còn so đo, trả giá, nên chúng tôi càng nặng nỗi lo.”


Mùa quất năm nay trông vào trời, trông cả vào… người mua.

Mùa quất năm nay trông vào trời, trông cả vào… người mua.

Gặp một người trồng quất đã hơn 15 năm ở Quảng An, ông cho biết: “Tôi biết có những người năm nào cũng mua quất vì không có nó, họ sẽ thấy Tết “thiếu”. Kể cả không có điều kiện thì vẫn cố sắm cây quất nhỏ. Nhưng đó chỉ là số ít. Giờ người có tiền họ thích những giống cây sang trọng hơn. Đúng là càng ngày, quất càng mất vị trí và ý nghĩa của nó.”

Nói về tình hình mất mùa của “đất” quất năm nay, ông trầm ngâm: “Nếu giống như mọi năm, còn khoảng 15 ngày nữa là sẽ vào đợt khách bắt đầu xuống vườn hỏi mua. Mong là từ giờ đến lúc đấy trời thương, cho ít mưa xuống, đỡ khổ người làng chúng tôi.”

Bài và ảnh: Hoàng Ngọc