Nghệ An:
Mưa lũ làm 8 người chết, hơn 1.000 ngôi nhà bị nhấn chìm
(Dân trí) - Chiều 11/10, Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An cho biết, đợt mưa lũ mấy ngày qua trên địa bàn tỉnh này đã có 8 người chết và hơn 1.000 ngôi nhà bị nước nhấn chìm.
Báo cáo mới nhất từ Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, trong các ngày từ 9-11/11 mưa lũ đã gây ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Đến chiều 11/10, mưa lũ đã khiến 34 nhà dân bị sập, hơn 1.000 hộ bị ngập nước (Nghĩa Đàn: 97 hộ; Quỳnh Lưu: 445, Quỳ Hợp 171, Thái Hòa : 163, Quỳ Châu: 42, Tân Kỳ: 41, Thanh Chương: 15, Anh Sơn: 20, Tương Dương: 2, Hoàng Mai: 2, Nam Đàn: 1).
Mưa lớn làm nước sông lên cao gây sạt lở bờ sông Lam, kè bảo vệ đê Tả Lam (địa bàn xã Hưng Hòa, thành phố Vinh; xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên; xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương, đê Tả Lam phía hữu huyện Thanh Chương, xã Nam Trung huyện Nam Đàn, sông Rộ, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương...); gây sạt lở đất bờ sông Lam sát nhà dân , thôn Lam Bồng, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông và có vết nứt dọc mép hành lang đường quốc lộ 7 chiều dài khoảng 25m.
Mưa lũ gây sạt lở 100 mét ở núi Rậm, xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên, núi Nhón xã Hưng Thắng huyện Hưng Nguyên, 812 mét đường giao thông địa phương bị sạt lở; cầu loại nhỏ, cầu tràn, cầu tạm bị hư hỏng, sạt lở; cống giao thông nội đồng bị hư hỏng: 140 cái...
Trong một diễn biến khác, mưa lớn trong những ngày qua đã tạo ra dòng chảy mạnh, gây xói lở, có nguy cơ cuốn trôi 3 nhà dân tại bản Na Loi, xã Na Loi, huyện biên giới Kỳ Sơn.
Trước nguy cơ dòng chảy sập nhà dân, Đồn Biên phòng Na Loi, BĐBP Nghệ An đã huy động cán bộ chiến sĩ đơn vị cùng với dân quân địa phương và bà con nhân dân khơi dòng chảy mới, ngăn dòng nước xói thẳng vào nhà dân, cứu giúp 3 gia đình trước nguy cơ bị trôi, sụp nhà.
Trên địa bàn xã, trạm biến áp điện bị chập cháy, gây mất điện sinh hoạt trên diện rộng, sớm nhất phải 10 ngày sau mới có thể cung cấp điện trở lại.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa, lũ, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công điện khẩn số 19/CĐ.UBND về việc khắc phục hậu quả đợt áp thấp nhiệt đới và mưa lũ, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương:
- Tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người bị chết, gia đình có nhà bị hư hỏng nặng, gia đình chính sách, neo đơn.
- Huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ trên địa bàn để hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả, sửa chữa lại nhà cửa, cây cối, thu dọn, xử lý vệ sinh môi trường; khử trùng, không thể dịch bệnh bùng phát, lây lan; nhanh chóng khôi phục sản xuất nông nghiệp.
- Triển khai đánh giá, thống kê thiệt hại để chủ động hỗ trợ và khắc phục hậu quả và báo cáo với các cơ quan chức năng liên quan.
- Phối hợp chặt chẽ với các công ty Thủy lợi trên địa bàn để vận hành tối đa công suất các trạm bơm tiêu, cống tiêu, kênh tiêu, để tiêu úng kịp thời cho khu vực đô thị, khu vực dân cư và sản xuất nông nghiệp.
- Đến thời điểm này các hồ trên địa bàn tỉnh đã tích đầy nước, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị, giám đốc các công ty thủy lợi tăng cường tuần tra canh gác, phát hiện xử lý kịp thời sự cố giờ đầu và báo cáo về UBND tỉnh (qua Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh).
- Tiếp tục triển khai phương án phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; các vị trí có nguy cơ sạt lở, ngầm, tràn, tắc đường để cảnh báo cho nhân dân biết; huy động phương tiện, lực lượng trực gác để hướng dẫn giao thông, cảnh giới, cấm đường để đảm bảo an toàn. Nghiêm cấm người dân đánh bắt cá, vớt củi trên sông khi có lũ lụt.
- Sửa chữa các công trình bị hư hỏng như: công trình giao thông, thủy lợi, hệ thống điện, trường học, y tế, công trình cấp nước sinh hoạt và cơ sở hạ tầng thiết yếu khác để sớm ổn định đời sống cho nhân dân...
Nguyễn Duy