Mô hình nuôi khép kín sẽ loại bỏ việc lạm dụng kháng sinh, chất cấm
(Dân trí) - Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, muốn kiểm soát tốt và đẩy lùi thực trạng người dân lạm dụng kháng sinh, chất cấm trong nuôi trồng thủy sản thì cần phát triển các mô hình nuôi khép kín theo chuỗi…
Lạm dụng kháng sinh sẽ gây nhiều tác hại
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Đình Luân cho biết, thực tế việc sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị một số bệnh nhiễm khuẩn trong nuôi trồng thủy sản đã đem lại kết quả nhất định, như hạn chế sự phát triển vi khuẩn gây bệnh đã được áp dụng trong và ngoài nước. Tuy nhiên, việc phát triển mạnh không chỉ riêng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản mà còn bị ảnh hưởng của các ngành kinh tế khác dẫn đến chất lượng môi trường nước có dấu hiệu suy giảm trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thâm canh tăng vụ... đã làm cho tình hình dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản có diễn biến phức tạp. Từ những ảnh hưởng của nhiều khía cạnh khác nhau, dẫn đến người nuôi có xu hướng sử dụng kháng sinh nhiều hơn trong nuôi trồng thủy sản.
“Qua các kết quả nghiên cứu, khảo sát, giám sát thực tế ở các địa phương, đặc biệt là báo cáo giám sát về an toàn thực phẩm của các địa phương và của ngành thủy sản cũng đã phát hiện vẫn còn tồn dư kháng sinh trong nguyên liệu thủy sản. Nhiều cơ sở nuôi đã sử dụng kháng sinh dưới dạng nguyên liệu, kháng sinh không cho phép hoặc hạn chế sử dụng để trị bệnh cho thủy sản nuôi; trong đó, đặc biệt đáng lo ngại đó là lạm dụng kháng sinh để phòng bệnh” – ông Luân cho biết.
Cũng theo ông Luân, việc lạm dụng kháng sinh, sử dụng không đúng mục đích, không theo chỉ dẫn của các cơ quan chuyên môn đã làm cho tình hình kháng thuốc của vi khuẩn gia tăng, gia tăng không chỉ kháng kháng thuốc của vi khuẩn, tiêu diệt các vi khuẩn có lợi mà còn tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây hại phát triển, mất cân bằng sinh thái, chi phí sản xuất tăng, không có hiệu quả kinh tế... Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất đó là tồn dư kháng sinh trong các mặt hàng thủy sản vượt ngưỡng, làm tăng chi phí kiểm tra cho các cơ sở chế biến, nguy cơ hàng không đạt chất lượng bị trả về khi xuất khẩu, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng... làm cho sức cạnh tranh đối với các sản phẩm thủy sản sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Kiểm soát kháng sinh là nhiệm vụ trọng tâm
Ông Trần Đình Luân cho biết thêm, trong những năm qua, ngành thủy sản có những đóng góp đáng kể vào giá trị xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong ngành nông nghiệp nói chung và trong nuôi trồng thủy sản đã được các các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Kiểm soát kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng năm mà lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặt ra cho toàn ngành. Với vai trò hướng dẫn, chỉ đạo sản xuất... Tổng cục Thủy sản cũng coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và cần tập trung lực lượng để triển khai đồng bộ cùng với ngành và các địa phương.
“Thời gian qua, Tổng cục Thủy sản đã cùng với các đơn vị chức năng rà soát lại danh mục thuốc, hóa chất, kháng sinh cấm và được phép sử dụng ở Việt Nam, từ đó tuyên truyền phổ biến cho người nuôi trồng thủy sản biết và thực hiện. Tổng cục Thủy sản đã chỉ đạo các địa phương lồng ghép các nội dung tập huấn, tuyên truyền việc sử dụng kháng sinh đúng theo quy định và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cũng như tác hại trước mắt và lâu dài đối với việc lạm dụng kháng sinh đối với sản xuất thủy sản và sức khỏe của người tiêu dùng” – ông Luân nói.
Ngoài ra, ông Trần Đình Luân thông tin thêm, Tổng cục Thủy sản đã cùng với các địa phương đang đẩy mạnh áp dụng các mô hình nuôi thủy sản an toàn (VietGAP), mô hình nuôi thủy sản có kiểm soát ứng dụng công nghệ cao để hạn chế dịch bệnh xảy ra. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến nhân rộng các mô hình sản xuất sạch, không sử dụng kháng sinh, mô hình nuôi an toàn để nhiều người dân có thể tham khảo, áp dụng.
Để giúp người dân sản xuất hiệu quả, bên cạnh việc nghiên cứu, sản xuất và kiểm soát chất lượng con giống tốt, vật tư đầu vào đảm bảo, hướng dẫn quy trình nuôi an toàn... thì việc tổ chức lại sản xuất, gắn người dân sản xuất nhỏ lẻ thành các hợp tác xã và tổ hợp tác từ đó liên kết với các công ty/nhà máy để khép kín chuỗi liên kết sản xuất nhằm kiểm soát chặt chẽ quá trình sản xuất, giảm chi phí đầu vào, giảm thiểu rủi ro, dịch bệnh và tăng hiệu quả kinh tế cho người dân.
Với phương châm phòng bệnh bằng nhiều biện pháp tổng hợp đối với thủy sản nuôi cần được chú trọng. Do đó, trong những năm qua, công tác quan trắc cảnh bảo môi trường, dịch bệnh để cảnh báo sớm và có hướng dẫn kỹ thuật cụ thể đã được quan tâm, chú trọng. Chính vì vậy, việc kiểm soát tốt môi trường và các yếu tố đầu vào sẽ góp phần hạn chế dịch bệnh phát sinh và ngăn ngừa có hiệu quả việc lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản.
Nguyễn Dương