Mẹ kế bạo hành bé gái 8 tuổi thường khoe gì trên trang cá nhân?

Hà Trang

(Dân trí) - Trái ngược với những hành động "bạo lực", "tàn ác" ngoài đời thực, trên trang cá nhân được cho là của người "mẹ kế" lại xây dựng hình ảnh bóng bẩy, hoàn hảo, tỏ vẻ yêu thương con riêng của chồng.

Vụ việc bé 8 tuổi tại TPHCM bị mẹ kế Võ Nguyễn Quỳnh Trang (SN 1995, quê Gia Lai, trú quận Bình Thạnh) hành hạ, dẫn đến cái chết thương tâm gây phẫn nộ dư luận những ngày qua.

Càng xót xa hơn khi tại hiện trường vụ án, cơ quan công an ghi nhận nhiều hình ảnh đau lòng như: cây lau nhà bị gãy trên đó có dính chùm tóc của bé. Ngoài ra còn có bảng danh sách dài ghi hàng loạt công việc hàng ngày cháu bé 8 tuổi phải làm như: hút bụi, đổ rác, lau nhà, lau bàn thờ Phật, lau bàn ghế, lau bàn học, giặt đồ, sấy đồ, xếp đồ…

Làm việc với cơ quan công an, Trang khai trong thời gian dạy kèm con riêng của chồng học online đã đặt mua chiếc roi mây trên mạng, khi roi bị gãy, cô sử dụng gậy lau nhà để đánh bé. 

Sau khi sự việc xảy ra, cư dân mạng đã nhanh chóng tìm ra tài khoản Facebook được cho là của "mẹ kế" cháu bé.

Điều khiến dư luận bức xúc là trái ngược với những hành động "bạo lực", "tàn ác" ngoài đời thực, trên mạng xã hội, Võ Nguyễn Quỳnh Trang lại xây dựng là người "hay nói đạo lý", thường xuyên khoe cuộc sống sang chảnh, yêu thương con riêng của chồng.

Mẹ kế bạo hành bé gái 8 tuổi thường khoe gì trên trang cá nhân? - 1

Trên trang cá nhân được cho là của người mẹ kế thường xuyên khoe cuộc sống sang chảnh, đồ đạc đắt tiền. (Ảnh chụp màn hình). 

Ở phần mô tả tiểu sử trên trang cá nhân, Trang chia sẻ một đoạn trích dẫn bằng tiếng Anh: "I am not trying to give an image of a fairytale, perfect, everything else, I am just being myself" (Tạm dịch: Tôi không muốn cố gắng xây dựng hình ảnh một tiên nữ, tôi chỉ muốn là chính mình).

Thậm chí, trong một bài đăng được cho là của Trang trong hội nhóm tìm người làm, "mẹ kế" này còn thể hiện sự lo lắng "con riêng của chồng có thể bị giúp việc bạo hành".

"Nhà neo đơn 2 người lớn và một trẻ em, em bé 7 tuổi đã đi học chỉ có tối về chăm chút thì cô (người giúp việc - PV) thường xuyên nạt nộ, chửi bới", Trang viết và bình luận: "Đó trước giờ nhà em không lắp camera không biết lúc nhỏ con em có bị đánh đập không nữa".  

Mẹ kế bạo hành bé gái 8 tuổi thường khoe gì trên trang cá nhân? - 2

Nhiều người dùng mạng bức xúc tràn vào facebook cá nhân được cho là của mẹ kế để lại bình luận tiêu cực. (Ảnh: Facebook).

Gần đây nhất, trong dịp lễ Noel, Trang xuất hiện với "khoảnh khắc hạnh phúc" bên chồng và con riêng khi cả ba cùng nhau trang trí cây thông trong nhà. 

Ngay sau khi bài viết cùng những bình luận của Trang được chia sẻ lại, rất nhiều người đã bày tỏ sự phẫn nộ cho rằng người mẹ kế này sống quá "giả tạo", chỉ vờ yêu thương con riêng của chồng trên mạng xã hội, trong khi hành động ngoài đời thực lại khác xa.

Một số người cũng bình luận, nếu chỉ theo dõi cuộc sống của người mẹ kế trên Facebook họ sẽ không thể tin được Trang lại có thể đối xử với con riêng của chồng tàn ác như vậy.

"Cô ấy xây dựng hình ảnh của mình quá hoàn hảo trên mạng xã hội"; "Đây là hệ lụy của lối sống ảo, luôn ảo tưởng về bản thân. Lúc nào cũng muốn bản thân trên mạng lung linh, huyền ảo nhưng đời thực thì lại trái ngược"…

Thực tế, những câu chuyện về việc "sống ảo", "đạo đức giả", làm màu trên mạng xã hội không phải là mới. Lâu nay, nhiều chuyên gia cũng đã lên tiếng bình luận về trào lưu sống này. Có những trường hợp sống ảo mang lại niềm vui như ngoại hình mình xấu xí và thiếu tự tin, dùng đến công nghệ để làm mình đẹp hơn trên mạng xã hội.

Khi đẹp hơn, lung linh hơn họ sẽ thấy tự tin và có được niềm vui trong cuộc sống. Ngược lại, việc sống ảo quá đà cũng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy.

Chia sẻ với PV Dân trí, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội cho hay, "chuyện nhiều người sống đạo đức giả không phải lạ". Nhiều người hiện nay quá chú trọng vào việc xây dựng hình ảnh hoàn hảo, bóng bẩy trên mạng nhưng lại không quan tâm việc chăm chút đạo đức hoàn thiện bản thân ngoài đời thực. 

"Cuộc sống của nhiều người hiện nay đang bị chia đôi, sống ảo nhiều hơn. Đây là một hiện thực của cuộc sống hiện đại. Điều này cũng phản ánh nền giáo dục, văn hóa của chúng ta đang chạy theo những thứ bóng bẩy, ưa hình thức bên ngoài nhưng giá trị đạo đức bên trong cần hơn thì lại ít được quan tâm", bà Hồng nói.

Mẹ kế bạo hành bé gái 8 tuổi thường khoe gì trên trang cá nhân? - 3

Người thân làm lễ tưởng niệm cháu A. vào tối 27/12 (Ảnh: A.X.).

Chia sẻ cảm xúc khi đọc các thông tin về cháu bé 8 tuổi bị bạo hành đến chết ở TPHCM, chuyên gia này liên tục dùng từ "đau lòng", "không thể tưởng tượng nổi".

"Đây là một vụ việc khủng khiếp và tôi rất đau lòng, choáng váng. Tôi không thể tưởng tượng được nỗi đau mà cháu bé phải gánh chịu khi bị bạo hành trong thời gian kéo dài như vậy.

Tôi cũng không thể lý giải được vì sao người mẹ kế lại có thể nhẫn tâm như vậy, đây không phải là cách đối xử mà một người phụ nữ có thể dành cho một đứa trẻ dù đứa bé ấy không có quan hệ ruột rà máu mủ với mình. Dù nguyên nhân là gì đi chăng nữa thì hành động này cũng quá tàn ác, nhẫn tâm, vượt qua sự tưởng tượng của người bình thường", bà Hồng bức xúc.

Chuyên gia này cũng cho rằng, câu chuyện đau lòng này là bài học lớn về trách nhiệm làm cha làm mẹ dành cho con cái đặc biệt là những đứa trẻ phải chịu sự thiệt thòi khi bố mẹ chia tay nhau.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng kiến nghị cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm vụ việc, để răn đe, tránh những câu chuyện tương tự xảy ra. Ngoài ra, cần phải hoàn thiện khung pháp lý pháp luật để kịp thời phát hiện, bảo vệ trẻ em trong những vụ việc bạo hành tương tự.

"Người ta sẵn sàng thể hiện sự bức xúc trên mạng, đau xót về cái chết thương tâm của cháu bé với các bình luận, biểu tượng cảm xúc nhưng ngoài đời thực có thể "bàng quan", không dám lên tiếng khi chứng kiến các câu chuyện bạo hành.

Văn hóa lối sống đô thị hiện đại, gấp gáp khiến nhiều người ít quan tâm đến cuộc sống của nhau, họ sợ phiền hà nên né tránh can thiệp.

Chuyện bạo lực gia đình vẫn chưa được coi là trách nhiệm của xã hội. Lên tiếng bảo vệ một đứa trẻ bạo lực phải được xem là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi cá nhân. Đây là dịp để mọi người thay đổi suy nghĩ, nhìn nhận lại, đặc biệt các nhà làm chính sách phải tạo ra hành lang pháp lý, can thiệp kịp thời.

Đứa trẻ không chỉ là con của một gia đình mà là còn là thành viên của cộng đồng, của xã hội ai cũng phải có trách nhiệm bảo vệ", bà Hồng khẳng định.