Mẹ đứng trước cửa hàng đêm “canh” cho con trai giả gái ra đường

(Dân trí) - Mới đây tại Hà Nội đã diễn ra buổi tập huấn – giao lưu “Lắng nghe người chuyển giới”. Tại sự kiện này, nhiều người đã ngổn ngang cảm xúc khi lắng nghe tâm sự của những người chuyển giới về một cuộc sống bình thường.

Xót xa những thân phận bị xem “lạc loài”

Trúc Linh đến từ Hà Nội tâm sự, từ nhỏ cô đã nghĩ mình là con gái. Nhưng sự khác biệt của cô đã không được gia đình và bạn bè xung quanh chấp nhận. Mỗi khi buồn vì lạc lõng, cô chỉ biết khóc và khóc. Càng lớn, cô càng ý thức rõ hơn về giới tính của mình và muốn sống như một người con gái.

Mặc dù, rất đau khổ nhưng mẹ cô buộc phải đành “nhân nhượng” vì quá thương con. Cô kể, mỗi lần muốn mặc đồ nữ ra đường, mẹ cô phải đứng trước cửa xem có ai đi qua đi lại không, nếu không có ai mới ngoắc tay cho con dắt xe đi ra đường. Chính những câu chuyện này khiến Trúc Linh lúc nào cũng nặng trĩu một nỗi lòng, vừa thương đấng sinh thành, vừa thương phận mình... Cứ thế, cô cứ luẩn quẩn với những điều không lối thoát.

Người chuyển giới tâm sự trong buổi giao lưu tại Hà Nội.
Người chuyển giới tâm sự trong buổi giao lưu tại Hà Nội.

La Lam đến từ Yên Bái chia sẻ, tốt nghiệp đại học, cô cầm hồ sơ đi xin việc nhiều nơi nhưng thường bị các nhà tuyển dụng từ chối vì biết cô là người chuyển giới. Thời gian đầu, cô phải đối diện với không ít áp lực và thất vọng. Cuối cùng, sau rất nhiều trầy trật, cô phải chuyển sang làm đào tạo catwalk cho một công ty người mẫu.

“Khi chọn nghệ thuật, tôi dựa vào những mối quan hệ cá nhân để có được công việc. Tôi nghĩ, đôi khi, nếu sử dụng bằng đại học để đánh giá năng lực người chuyển giới thì người có bằng đại học lại bị kìm hãm vì cái tên của người chuyển giới”, La Lam nói.

Lò Văn Thủy là một người chuyển giới thuộc dân tộc Kháng – Sơn La, hiện đang làm đầu bếp cho một nhà hàng. Cô trải lòng, khó khăn lớn nhất trong sinh hoạt hàng ngày chính là việc cô phải đối diện với sự kỳ thị của những người xung quanh.

“Tôi phải đối diện với sự kỳ thị thường xuyên trong cuộc sống. Khi bưng đồ lên cho khách, mời rượu khách, khách nói “Sao con gái lại giọng con trai hóa ra pê – đê à?” rồi quay ra nhạo báng. Vì tự ti với sự kỳ thị mà dù thích người nọ người kia tôi cũng không dám mở lòng. Tôi chỉ ước có đủ điều kiện kinh tế để chuyển giới tính như chị Hương Giang”, Lò Văn Thủy kể.

Bản thân Tú Anh (Hà Nội) cũng từng bị kỳ thị rất nhiều trong khoảng thời gian 8 năm học cấp 2, 3. Cô luôn phải sống đơn độc, không có ai để chia sẻ được tâm tư, nỗi lòng mình.

“Mỗi ngày đi học, tôi cũng phải ngồi một xó, bị bạn bè đánh đập, không ai quan tâm. Tôi chỉ có điều ước duy nhất là được phẫu thuật chuyển giới. Tôi không dám nói điều này với ai, kể cả em gái thân nhất. Hiện tại cuộc sống của tôi không hề “Ok” chút nào dù đang hỗ trợ cộng đồng chuyển giới nữ”.

Trong số những người chuyển giới ở Việt Nam hiện nay, Mia may mắn hơn các bạn khác do sinh ra một vùng quê nghèo khó của Bến Tre nên cuộc sống ít xáo trộn. Thời còn đi học, cô ngày hai buổi đến trường rồi lại về phụ mẹ đi bán ở chợ và cứ thế trong suốt 12 năm học, Mia có cuộc sống bình yên. Mặc dù vậy, trong thâm tâm, cô vẫn có nhiều nỗi buồn. Từ nhỏ đã nữ tính nhưng không biết sống như thế nào vì thời điểm đó không có nhiều thông tin về LGBT.

“Năm đầu cấp 3, cô mạnh dạn viết thư gửi mục “Chuyện của chúng mình” báo Mực tím để hỏi: “Tôi sinh ra là con trai nhưng rất nữ tính và thích con trai, vậy giới tính của tôi là gì?. Câu trả lời cô nhận được: “Em là gay, là người đồng tính”. Từ đó tôi nghĩ mình là người đồng tính, gay. Hết cấp 3, tôi lên TP. HCM học đại học mới được tiếp cận môi trường, cộng đồng đa dạng hơn.

Tôi thấy không quen với bạn cộng đồng đồng tính. Tôi có khao khát được làm mẹ, làm vợ nhưng không biết làm sao. Năm 24 tuổi có cơ hội được học bổng đi Úc, chính môi trường ở Úc cho tôi cơ hội là được thông tin chính xác, hiểu về cộng đồng người LGBT. Tôi đã may mắn được một người Úc lấy làm vợ, hiện đang sống tại Việt Nam với tôi và chúng tôi có cô con gái nuôi 13 tuổi”, Mia chia sẻ.

Mong sớm ban hành Luật chuyển đổi giới tính

Trong buổi giao lưu, rất nhiều người thuộc cộng đồng LGBT đều bày tỏ mong muốn Luật chuyển đổi giới tính được ban hành để họ có thể được sống đúng với giới tính thật của mình.

Hương Giang Idol và các thành viên trong cộng đồng LGBT tham gia buổi giao lưu tại Hà Nội.
Hương Giang Idol và các thành viên trong cộng đồng LGBT tham gia buổi giao lưu tại Hà Nội.

Bạn Mai Châu (chuyển giới nữ) chia sẻ, trước đây cô nghĩ mình là người đồng tính vì ở Thái Bình cô chẳng bao giờ thấy người chuyển giới nào. Cho đến khi làm công việc thiết kế thời trang cô gặp được nhiều nữ diễn viên xinh đẹp hoạt động nghệ thuật. Mỗi lần đứng sau cánh gà nhìn các diễn viên biểu diễn, cô lại ước mơ ngày nào đó mình sẽ được như thế.

Sau này, khi gặp được người chuyển giới, cô thay đổi suy nghĩ theo hướng mình là người chuyển giới chứ không phải người đồng tính. Và cô quyết định thay thành lập nhóm chuyển giới. Đến 2016, khi tham gia cuộc thi Project Runway, cô được một bác sĩ tài trợ chuyển giới. Trải qua hàng giờ phẫu thuật đau đớn, khi tỉnh dậy trên bàn mổ, cô hạnh phúc tới mức nghĩ mình đang mơ. Từ thời điểm đó đến nay cô chưa bao giờ hối hận với hình ảnh mình đang có.

“Chúng tôi phải xuất hiện để người chuyển giới không vô hình và có hỗ trợ phù hợp”, Mai Châu nhấn mạnh.

Thiên Ân - người sáng lập tổ chức chuyển giới nam cho biết, mỗi ngày thức dậy, phải sống trong cơ thể mình không mong muốn, cậu không thích cơ thể mình. Sau thời gian đi làm, tiết kiệm được tiền để phẫu thuật chuyển từ nữ thành nam, cuộc sống của cậu vui vẻ hơn rất nhiều. Và bản thân cậu cũng như hơn 3000 người chuyển giới nam hiện nay trên Việt Nam mà cậu tiếp xúc chưa bao giờ cảm thấy hối hận vì đã làm như thế.

Ca sĩ Hương Giang Idol bày tỏ rằng, nhiều người đồng tính và chuyển giới rất tài giỏi nhưng họ vẫn gặp nhiều khó khăn vì cái nhìn của xã hội chưa cởi mở. Bởi lẽ đó mà cô đã kêu gọi mọi người ký thư ngỏ gửi Quốc hội sớm ban hành Luật Chuyển đổi giới tính để những người như cô có được một cuộc sống đúng nghĩa “sống”.

Hà Tùng Long

Ảnh: M.K