Lớp học tiếng Anh miễn phí của kỹ sư suýt bỏ học vì bệnh tật
(Dân trí) - Đến thôn Minh Hòa 3, xã Minh Khai, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội mà hỏi thăm anh Nguyễn Chí Thuận (SN 1979) thì không ai là không biết. Đám trẻ ở đây đa phần gọi anh là “thầy” bởi chúng đều được tham gia lớp học ấm áp nghĩa tình của người giáo viên không có bằng sư phạm này.
Lấy nhà mở lớp học miễn phí
Bây giờ, gian phòng cấp 4 nhỏ bé giữa vườn cây nhà anh Thuận đã có đủ cả bàn ghế, phấn bảng, tủ sách và máy chiếu. Cách đây mấy năm, anh cho sơn sửa, tu bổ lại nơi này, biến nó thành một phòng học khang trang và tiện nghi. Lũ trẻ trong xóm hồn nhiên nhận xét: “Chỗ này còn xịn hơn trên trường cháu học”.
Hơn 8 giờ sáng, thấy học sinh đã đông đủ, anh Thuận cầm máy tính và sách vở chậm rãi bước vào. Giờ học tiếng Anh bắt đầu.
Chưa một ngày học nghiệp vụ sư phạm, nhưng Thuận tỏ ra rất chủ động trong bài giảng của mình. Anh không dùng sách giáo khoa, cũng không nặng nề chuyện đọc chép. Lớp học vùng quê nhưng được cập nhập những phương thức giáo dục vô cùng tân tiến: học qua tranh ảnh, video hay qua các câu chuyện.
Học từ vựng liên quan đến chủ đề các hiện tượng thiên nhiên, Thuận giải thích cho học sinh mây được tạo ra như thế nào, điều kiện ra sao thì sấm, chớp xuất hiện,… Đám trẻ nghịch ngợm ồn ã cả góc sân trước giờ vào lớp, giờ ngồi chăm chú theo dõi như khi nghe bà kể chuyện.
Trên nền vôi trắng tinh của căn lớp nổi bật dòng chữ: “Khiêm tốn – Thành thật – Yêu người”. Đó chính là triết lý giáo dục của người thầy đặc biệt này. Anh bình thản lý giải: “3 tính từ chính là 3 giá trị cốt lõi của của tư duy tích cực. Bình thường mình học trường học, mình được học tri thức, mình cũng được học đạo đức và phát triển kỹ năng sống nhưng nó không được sâu. Ở đây, mình muốn các bạn rèn luyện điều đó”.
Và đây cũng là lý do để cho ra đời cái tên “lớp học tích cực”. Không chỉ dạy cái chữ, Thuận còn luôn muốn truyền cho những học sinh của mình một lối sống đẹp đẽ, nhân văn. Điều đặc biệt, lớp học của anh Thuận hoàn toàn miễn phí.
Người thầy thắp lửa
“Thầy em giỏi lắm, em rất tự hào khi được học thầy” – cô bé Hoàng Thị Minh Phương (học sinh trường THCS Minh Khai) ríu rít khoe về người thầy đặc biệt của mình. Và Minh Phương đã không nói quá. Thuận được người dân cả xã biết đến là một tấm gương giàu lòng nghị lực, giỏi giang và tốt bụng.
Hơn 20 năm trước, khi còn là một cậu học sinh THCS, căn bệnh viêm cột sống dính khớp quái ác đã khiến Thuận phải nghỉ học và tưởng chừng không đi lại được. Thế nhưng, bằng tất cả nghị lực và quyết tâm, anh đã tập luyện để có tiếp tục trở lại con đường học tập. Đến nay, Thuận đã có trong tay tấm bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (hệ đào tạo liên kết giữa Trường Đại học Troy - Mỹ với Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội). Anh cũng là giám đốc Công ty cổ phần Sililab Việt Nam - nơi chuyên nghiên cứu, sản xuất các phần mềm hỗ trợ quản lý doanh nghiệp.
Hành trình từ một chàng trai suýt phải bỏ học vì bệnh tật đến một giám đốc, một kĩ sư công nghệ thông tin xuất sắc của Nguyễn Chí Thuận đã truyền cảm hứng cho những người trẻ Minh Khai hôm nay. Các bạn tập hợp lại dưới “mái nhà chung” do anh Thuận sáng lập: Hội Thanh niên Tích cực Minh Khai (Positive Young Association – PYA). Hội thường xuyên triển khai các hoạt động tình nguyện thiết thực, giàu ý nghĩa như dọn dẹp và trang trí đường làng, xây dựng tủ sách, tổ chức sinh hoạt văn nghệ, thể thao,…
Lớp học miễn phí của anh Thuận cũng thường xuyên chào đón những cựu học sinh quay trở lại giúp sức, tiếp nối “hành trình tích cực”. Phí Thị Nụ (sinh viên ĐH Hà Nội) là một trường hợp như vậy. Gắn bó với lớp học trong cả hai vai trò là học sinh và người giảng dạy, Nụ cho biết: “Hồi ôn thi đại học thì mình nhận được sự giúp đỡ của các anh chị ở đây. Đến khi đỗ đại học, có thời gian rảnh thì mình quay lại đây và dạy các bé học. Mình rất khâm phục anh Thuận về nghị lực, tài năng của anh ấy”.
Trái với những lời ngợi khen ấy, Nguyễn Chí Thuận vẫn luôn bình tâm nói về động lực hoàn thành mọi việc: “Mọi công việc mình đều yêu thích và có giá trị riêng. Nó làm cho mình có năng lượng để làm nên mình không hề thấy mệt”.
Nguyễn Hải