Lời nhắn nhủ tha thiết của người cựu binh già tới Đoàn 559

Bởi chiến tranh đâu phải trò đùa,nên mặc dù nó đã qua hơn 40 năm nay, nhưng vẫn còn đó những nỗi đau chia cắt, có những người con đất Bắc đã hi sinh và nằm lại đâu đó trên chiến trường, chưa được trở về đoàn tụ cùng người thân.

Nhắc đến Đoàn 559 – bộ đội Trường Sơn – là nói đến một trong những niềm kiêu hãnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, một binh đoàn lừng lẫy giữa đại ngàn Trường Sơn trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Bằng những cống hiến to lớn của mình, đoàn 559 đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử, làm cho con đường mang tên Bác là cầu nối giữa hậu phương và tiền tuyến lớn, hậu phương vững chắc của chiến trường miền Nam và Đông Dương, đóng góp rất quan trọng vào thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chiến tranh đã qua đi 40 năm, cái tên Đoàn 559 vẫn còn được nhiều người nhắc tới, vì những thắng lợi vẻ vang và còn cả vì những nỗi đau chia cắt hơn 40 năm nay chưa lành.


Đường Trường Sơn qua đèo Chư Poong, tỉnh Gia Lai năm 1974 - Ảnh: T.LIỆU

Đường Trường Sơn qua đèo Chư Poong, tỉnh Gia Lai năm 1974 - Ảnh: T.LIỆU

 

Liệt sỹ Phạm Như Cầm, sinh năm 1943. Nhập ngũ: Tháng 8/1964. Ngày vào Đảng: 01/07/1966, chính thức ngày 01/07/1967. Nguyên quán: Xã Giao Yến, Xuân Thủy, Nam Hà (nay là Giao Yến, Giao Thủy, Nam Định). Hy sinh: 4/04/1973 tại mặt trận phía Nam trong trường hợp chống Mỹ bảo vệ Tổ quốc. Được xác nhận là Liệt sỹ, được đơn vị mai táng tại khu vực riêng của đơn vị gần mặt trận (theo giấy báo tin của tỉnh đội Nam Hà).

Trích trang 532 lịch sử đoàn 559 xuất bản năm 1999 có đoạn viết: “sau Hội nghị quân chính mùa xuân năm 1973, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 tổ chức 2 đoàn đi khảo sát nắm tình hình để làm cơ sở cho luận chứng thực tiễn báo cáo của Bộ Quốc phòng chuẩn bị vận chuyển chiến lược phục vụ chiến trường. Đoàn đi hướng Đông do đồng chí Tư lệnh dẫn đầu. Đoàn đi hướng Tây do đồng chí Đặng Tính Chính ủy dẫn đầu. Xuất phát từ huyện Hướng Hóa, Quảng Trị theo đường 9 đến bản Đông rẽ sang đường 128 qua đường 17 đến cao nguyên Pô Lô Ven đi vào miền Đông Nam Bộ. Kết hợp thị sát tuyến đường, Đoàn đã vào làm việc với các sư đoàn 471, 472, 564 và Quân khu Hạ Lào để thống nhất chủ trương, biện pháp tiến hành xây dựng cơ bản tuyến đường, chuẩn bị mọi mặt cho nhiệm vụ tới và giúp Bạn vùng giải phóng. Sáng 03/04/1973 Đoàn đi thăm đơn vị tiền tiêu fBB 968 ở Pắc Soòng vị trí chiến lược ở Nam Lào mới giải phóng. Trên đường đi xa trúng mìn. Các đồng chí: Đại tá Đặng Tính Chính ủy đoàn 559, Vũ Quang Bình Chính ủy F968, Nguyễn Xuân Yêm Cục phó tham mưu – công binh Đoàn bộ 559, Trịnh Quý, Đoàn văn công Trường Sơn, Phạm Như Cầm y sỹ và đồng chí lái xe hy sinh”.

Sau giải phóng, gia đình nhắn tin tìm kiếm phần mộ của liệt sỹ Phạm Như Cầm qua Báo Quân đội Nhân dân. Có một vài đồng đội cho biết: Phần mộ Đại tá Đặng Tính được đưa về nghĩa trang Mai Dịch – Hà Nội, phần mộ đồng chí Yêm được đưa về an táng tại quê nhà Hà Tĩnh. Bộ tư lệnh Đoàn 559 tổ chức tang lễ cho đồng chí Vũ Quang Bình, đồng chí Phạm Như Cầm và đồng chí lái xe được an táng tại nghĩa trang xã Hiền Ninh, Lệ Thủy, Quảng Bình, năm 1975 được đưa về nghĩa trang Trường Sơn.

Căn cứ vào những thông tin trên, đại tá Lưu Thanh Toan, người cựu binh già đồng thời cũng là cháu ruột của Liệt sỹ Phạm Như Cầm đã nhiều lần tổ chức anh em đi tìm mộ người cậu tại rất nhiều nơi như Quảng Trị, Quảng Bình theo như những thông tin trên nhà có được, mọi việc tưởng chừng như rất rõ nhưng rốt cuộc lại không hề có kết quả.

Với chút thông tin còn sót lại, trích trong sổ theo dõi liệt sỹ của Binh đoàn 12 thì sơ yếu tóm tắt của liệt sỹ Phạm Như Cầm đều đúng như tên viết thành Phạm Thư Cầm; Tư liệu làm căn cứ tìm mộ ghi là: “Hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bị mìn” và có dòng chú thích: TN: Đội điều trị E35, F471,  người cựu binh già Lưu Thanh Toan( số ĐT: 0968.64.99.66) tha thiết nhắn gửi tới những người cựu binh Đoàn 559 xưa kia, còn lưu giữ chút ký ức về liệt sỹ Phạm Như Cầm, xin báo giúp gia đình để đưa phần mộ liệt sỹ Phạm Như Cầm về đoàn tụ cùng quê hương và những người thân ruột thịt.