Lịch sử kỳ lạ của Sách kỷ lục Guinness

Từ năm 1955 đến nay, với trên 100 triệu ấn phẩm được bán tại 120 quốc gia trên thế giới, Sách Kỷ lục Guinness cùng với Kinh Thánh và Kinh Coran, được sử dụng rộng rãi nhất thế giới. Chính cuốn sách kỷ lục này cũng có một sự ra đời kỳ lạ.

Vào một ngày lạnh giá đầu năm 1955, trong một buổi đi săn, các thợ săn chim không đưa ra được kết luận về tốc độ bay của đàn chim ốc tiêu nên họ tranh luận với nhau kịch liệt. Trong số những người này có ngài Hugh Beaver, ông chủ của Hãng bia Arthur Guinness Son & Co.

 

Tuy chưa đến nỗi gay cấn, nhưng chẳng làm thế nào để phân định ai đúng ai sai xoay quanh tốc độ của các loài chim. Cuối cùng Hugh Beaver chợt lóe lên một ý nghĩ: “Tại sao không có một cái gì đó, để dựa vào...”. Đây chính là tiền đề của Sách Kỷ lục Guinness.

 

Khi trở về lại London, Hugh Beaver đã tra cứu cuốn Bách khoa toàn thư và một số sách liên quan khác về vấn đề tốc độ của loài chim, nhưng thất vọng vì không thấy cuốn nào nói được cụ thể. Hugh Beaver tự hỏi: “Tại sao không có một cuốn sách như thế? Chẳng hạn như một cuốn sách nói về những cái nhất, như nhanh nhất, dài nhất, lớn nhất, già nhất...?”.

 

Ông đem ý kiến ra tham khảo nhiều người và liền nhận được sự cộng tác của hai anh em sinh đôi nhà Mc-Whirter, con của chủ bút nhật báo Daily Mail ở London.

 

Hai anh em nhà Whirter liền bắt tay vào thực hiện một cuốn sách theo ý của Hugh Beaver và đặt  tên The Guinness Book of Records (Sách Kỷ lục Guinness) lấy ngay cái tên người nghĩ ra sáng kiến, đồng thời là người bảo trợ thực hiện. Đó là ngài Hugh Beaver, chủ Hãng bia Guinness.

 

Trong vòng sáu tháng, anh em nhà Whirter đã viết hàng ngàn lá thư đến các viện bảo tàng, các thư viện và đến nhiều học giả lỗi lạc của trên 100 quốc gia, rồi sau đó tập hợp tất cả những phúc đáp và cả những kiến thức sưu tập được, để vào lễ Giáng sinh năm 1955, cho ra đời một cuốn sách có tên gọi Sách Kỷ lục thế giới Guinness.

 

Và hai kỷ lục được chính thức thông báo đầu tiên là tốc độ 632m/phút của một xe ngựa kéo, gọi là kỷ lục của tốc độ trên mặt đất và kỷ lục về 27 lần sinh nở của một phụ nữ người Nga tên là Fedor Vassileva, trong đó có 16 lần sinh đôi, bảy lần sinh ba và bốn lần sinh tư, với tổng cộng 69 người con.

 

Tuy vừa mới phát hành nhưng các thư viện lập tức xếp Sách Kỷ lục Guinness vào danh mục thứ nhất, xem đó là một loại niên lịch của thế giới. Suốt bốn tháng đầu năm 1956, Sách Kỷ lục Guinness là một cuốn sách bán chạy nhất ở Anh.

 

   

Lịch sử kỳ lạ của Sách kỷ lục Guinness - 1

George Muresan (cao 2,72m) - người cao nhất thế giới được Sách Kỷ lục Guinness ghi nhận suốt 5 lần xuất bản.

Từ đó, anh em nhà Whirter, có sự tham gia đóng góp ý kiến của Hugh Beaver, đã không ngừng thêm thắt, cập nhật hóa, để cho ra đời những ấn bản tiếp theo, phát hành hàng năm, lên đến cả triệu ấn bản. ấn bản đặc biệt dành cho người Mỹ được xuất bản vào năm 1962 và kế đó là bằng tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Hoa...

 

Lúc đầu, Sách Kỷ lục Guinness chuyên cập nhật các kỷ lục thuộc lĩnh vực thể thao. Những kỷ lục này chiếm đến 80 trang, trong số 316 trang của cuốn sách. Đó là chưa kể những kỷ lục khác có liên quan đến thể thao, như trong chương nói về những thành tích của con người, có kể lại trường hợp của một người tên là Kenneth Bally đã thực hiện những cuộc chạy bộ về đêm trong suốt 44 năm liền, lập kỷ lục 136.432 km.

 

Trong những cuộc chạy đêm này, ông đã lập một kỷ lục khác, đó là hai lần bị những con chim cú mèo tấn công dữ dội, chỉ vì quần áo mà ông mặc có chất phát quang gây khó chịu cho chim cú.

 

Cũng có những kỷ lục được ghi nhận, nhưng sau đó đã gặp phải sự nghi ngờ và khó bề chứng minh đó đúng là sự thật. Như trường hợp của cây cọ dầu được xem là cổ nhất thế giới được tìm thấy ở ốc đảo Tenere của sa mạc Sahara vào năm 1981. Cây cọ dầu này là có thật, tuy nhiên, sau khi Sách Kỷ lục Guinness ghi vào ấn bản mới của mình, thì bất ngờ bị một xe tải do một người Pháp điều khiển đụng phải và bị trốc gốc chết. Do vậy, ấn bản năm 1982, nhà xuất bản đã loại bỏ kỷ lục này.

 

Trong 50 năm qua kể từ khi xuất bản những ấn phẩm đầu tiên, Sách Kỷ lục Guinness vẫn đều đặn xuất bản hàng năm, vẫn mang tên người bảo trợ là ngài Hugh Beaver Guinness và luôn ghi người có công đầu trong việc biên soạn là anh em sinh đôi nhà McWhirter. Nếu có hai kỷ lục còn chưa được ghi vào sách thì đó là sáng kiến của những người đã khai sinh ra Sách Kỷ lục Guinness.

 

Theo H.V.
An Ninh Thế Giới/Sélection