Gia Lai:
Lênh đênh phận “phu cà phê” đi “hái tết”
(Dân trí) - Tây Nguyên vào đông cũng là lúc báo hiệu cho một mùa vụ thu hoạch cà phê mới. Nhân công từ các tỉnh lân cận như Phú Yên, Bình Định, Quãng Ngãi… lại “ngược ngàn” lên vùng đất đỏ bazan để hái cà phê thuê.
Xa xứ lên vùng cao “hái tết”
Vào tháng 10 – 11, khi công việc ngoài đồng đã xong, những bà con vùng xuôi lại kéo nhau lên các tỉnh Tây Nguyên để hái cà phê thuê. Từ các đôi vợ chồng đến những chàng trai, cô gái chưa lập gia đình đều khăn gói lên vùng cao để làm nhân công hái cà phê.
Mỗi gia đình có từ 3-5 ha cà phê thì cần đến khoảng 6 nhân công thu hái liên tục khoảng gần 1 tháng. Dựa vào các mối quan hệ thân quen, chủ vườn đã nhờ họ hàng từ miền xuôi lên để hái cà phê cho tiện. Nhưng một số nhân công sợ phiền đến chủ nên thường sống tạm trong những căn nhà rẫy và hái theo hình thức khoán (hái và tính tiền theo năng suất).
Thường bà con đi hái cà phê phải dậy từ 4h sáng “lục đục” nấu bữa sáng và chuẩn bị cơm dành cho bữa trưa. 6h sáng, khi lớp sương trên lá còn chưa khô, các bà con đã ra trải bạt dưới gốc để hái cho đủ năng suất.
Tâm sự với chúng tôi, chị Đinh Thị Nhinh (26 tuổi, quê ở Quảng Ngãi) cho biết: “Công việc của tôi bắt đầu từ 6 giờ sáng và kết thúc lúc 11 giờ trưa và chiều làm từ 13h đến 18h. Vì theo hình thức hái khoán nên tôi phải hái thật nhanh. Thường mỗi ngày chúng tôi hái được từ 2 – 3 tạ thì chủ sẽ trả khoảng 250 ngàn đồng, trừ ăn uống chi phí thì con khoảng 150 ngàn/ngày…”.
Anh Đinh Văn Đam, chồng chị Nhinh tiếp lời: “Năm 2017 vừa rồi, ngoài quê tôi phải hứng chịu hậu quả nặng nề của bão, lũ nên nhà cửa cũng điêu đứng, hoa màu thì trôi hết. Không có gì để làm, mà tết thì sắp tới gần. Chính vì vậy, hai vợ chồng đã bàn nhau gửi con cho nhà ngoại để vào đây đi hái cà thuê nhằm kiếm thêm chút tiền trang trải dịp tết…”.
Các phu cà phê sống tạm trong những căn chòi để theo vụ cà phê trong năm
Ăn vội bát cơm trưa dưới gốc cà phê, chị Đinh Thị Nga (40 tuổi, quê ở Quảng Ngãi) bộc bạch: “Những năm đầu tôi không quen hát cà phê nên đôi nay bị phồng dộp lên. Dù đã mang hai đôi bao tay nhưng khi hái cà phê vẫn còn thấy đau. Dù vậy, cũng chịu để làm cho kịp người ta, mà có tiền đưa về tiêu tết. Dần dần, đôi bàn tay trở nên chai sạm nên cũng không còn đau nữa. Như thường lệ năm nào cũng vậy, cứ vào vụ cà phê là gia đình ông Danh lại rủ tôi vào đi hái cà phê giúp gia đình…”.
“Cũng vì sợ phiền chủ, nên các nhân công đã chủ động ra ở trên những căn chòi để tiện cho việc thu hái. Nói chung so với việc ruộng đồng thì nghề hái cà phê này thu nhập cao hơn và ở đây cũng ít tiêu xài nên có thể dành đưa về mua quần áo mới cho các con được…”, chị Nga tâm sự thêm.
Sống khổ trong “cái rét” vùng cao… mong tết ấm no
Theo ghi nhận của PV, năm nay cà phê mất mùa gần 50% sản lượng kéo theo bà con hái cũng không đạt. Sản lượng thấp kéo theo tiền công thấp nên bà con phải nỗ lực hái nhanh hơn. Cũng vì “miếng cơm, manh áo” và có thêm tiền tiêu tết nên mọi người ai cũng động viên nhau làm thêm giờ…
Cuộc sống của những "phu cà phê" lên vùng cao mưu sinh
Nhìn bà con miền xuôi sống trong những căn chòi tạm bợ giữa cái rét mùa đông khiến bao người xót xa. Từ 6h sáng đến hơn 6h tối, mọi người mới rời vườn cà phê để về lại căn chòi nghỉ ngời. Chồng thì giúp chủ khuôn vác cà phê xuống sân, vợ đổ vội chén gạo, thổi nồi cơm. 8h đêm, mọi người lại quanh quần bên mâm cơm giữa rừng rồi cùng ăn và cười nói, kể về chuyện buồn vui trong ngày.
Những bàn tay trầy xước, rướm máu vì muốn hái nhanh hay vết bầm tím trên đôi vai khi vác cà phê. Nhưng vì cuộc sống gia đình và những đứa con đang chờ bộ quần áo mới nên họ quên đi tất cả những khó khăn vất vả để vui vẻ, cười nói, động viên nhau.
Bữa cơm của những người xa xứ... mong một cái tết ấm no
Ông Nguyễn Văn Hiệp (41 tuổi, quê ở Nghệ An) tâm sự: “Sống giữa rừng cà phê này chúng tôi luôn lấy gia đình làm động lực để cố gắng. Thu nhập trung bình của người hái cà phê thuê dao động từ 180.000 – 200.000 đồng/người/ngày, tùy vào sản phẩm mà họ hái được. Cũng không quá nhiều, nhưng đó là khoản thu nhập đáng kể của người lao động có được sau một ngày lao động vất vả. Đó là số tiền họ để dành lo cho cái tết được ấm no hơn….”.
Phạm Hoàng