Lên non nghe chuyện tình của lão nông Cơ Tu cùng cây đàn Ta lư
(Dân trí) - Gắn bó với đàn Ta lư gần 50 năm qua, nghệ nhân ALăng Mỹ ở huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) vẫn nguyên vẹn tình yêu với nhạc cụ độc đáo này, như tình yêu của ông với bản sắc văn hóa đồng bào Cơ Tu.
Nặng tình với đàn Ta lư
Buổi chiều nghiêng nắng trên làng Tà Lang (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), trong không gian tĩnh lặng, ngân vang âm thanh tiếng đàn Ta lư.
Lần theo tiếng đàn, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân A Lăng Mỹ (63 tuổi), nghe ông kể về cây đàn huyền thoại của đồng bào Cơ Tu.
Nghệ nhân kể, ông bắt đầu chơi đàn Ta lư từ những năm 1968-1969, lạ là không phải từ quê hương mình, mà phải đến khi ông rời làng đồng bào Cơ Tu ở Tà Lang sang Lào mưu sinh.
Những ngày bôn ba trên đất khách quê người, ông lại da diết nhớ làng Tà Lang, nhớ cha mẹ, nhớ tiếng đàn Ta lư làng mình đã dưỡng nuôi tâm hồn ông từ những ngày thơ bé.
"Ngày còn nhỏ, khi theo cha lên rẫy, tôi đã nhìn thấy đàn Ta lư mà cha luôn mang theo trong gùi. Tôi mê mẩn khi nghe tiếng đàn của cha từ khi nào không biết", nghệ nhân A Lăng Mỹ nói.
Thế là ở Lào, tranh thủ những khi có thời gian, nghệ nhân tìm vật liệu rồi tỉ mẩn gọt gỗ, lấy dây phanh xe đạp làm dây đàn Ta lư.
"Hình dáng cây đàn ban đầu tôi làm ra không đẹp, tôi chưa ưng ý lắm. Nhưng khi chơi đàn, nghe tiếng đàn, tôi vui lắm! Thỏa nỗi nhớ làng", ông A Lăng Mỹ cười nói.
Cầm cây đàn Ta lư do mình làm ra, nghệ nhân A Lăng Mỹ nói đàn Ta lư cổ có 2 dây. Nhưng ngày nay để chơi được nhiều bản nhạc hơn, đàn được chế tác với 3 hoặc 4 dây.
Trong các công đoạn chế tác đàn Ta lư, khó nhất là việc bố trí dây để có âm thanh chuẩn. Việc này đòi hỏi người làm phải thông thuộc các làn điệu dân ca mới có thể đặt đúng vị trí và âm thanh không bị lạc điệu.
Trăn trở cùng tiếng đàn
Cầm trên tay chiếc đàn cũ kỹ, đánh một giai điệu vui tươi, nghệ nhân cười nói: "Đó là tiếng đàn gọi bạn tình, được dùng trong những lúc tỏ tình hoặc khi trai gái tìm hiểu nhau".
"Cũng nhờ tiếng đàn ấy mà xưa nhiều chàng trai đã khiến các cô gái ngây ngất, say đắm. Tiếng đàn nói hộ tiếng lòng mình. Bà nhà yêu tôi cũng vì tiếng đàn này đây", ông A Lăng Mỹ thổ lộ.
Tuổi thanh xuân của ông đã gắn bó với tiếng đàn Ta lư. Niềm vui và nỗi buồn trong cuộc sống đều được ông gửi gắm vào trong từng ca từ và giai điệu của chiếc đàn này.
Trong mắt bạn bè, dân làng, ông là người đặc biệt, bởi bây giờ hiếm có người nào lại mê đàn Ta lư như ông.
Cây đàn của ông A Lăng Mỹ được cất trong chiếc rương đặt ở phòng ngủ. Bên trong là tấm khăn dày để gói. Có thể nói, cây đàn được ông trân quý, chăm sóc, giữ gìn cẩn thận.
Vào mùa du lịch, du khách đến với xã Hòa Bắc, nhiều người tìm đến ông để nghe tiếng đàn.
Khi được hỏi về tâm nguyện của mình, ông mong mỏi được truyền lửa đam mê tiếng đàn Ta lư, tình yêu văn hóa bản địa đến với nhiều người, nhất là những người trẻ ở ngay làng đồng bào Cơ Tu quê hương ông.
"Vẫn biết lớp trẻ bây giờ có nhiều niềm vui hiện đại, nhưng tôi vẫn kiên trì nhen nhóm những ngọn lửa nhỏ. Ai muốn chơi đàn Ta lư tìm đến tôi, tôi sẵn lòng truyền dạy tất cả những kỹ nghệ mà tôi biết", nghệ nhân A Lăng Mỹ bộc bạch.