Già làng Y Kông kể chuyện yêu, chuyện chết của người Cơ Tu

(Dân trí) - “Ngày xưa nam nữ Cơ Tu yêu nhau mà nhớ nhung lại lấy tiếng kèn Abel gửi gắm nổi niềm. Kèn này thổi bằng hơi thôi mà âm thanh len lỏi qua núi, qua rừng nghe rất gợi như lời tỉ tê tâm sự”- Già làng Y Kông bắt đầu câu chuyện của mình.

Già làng Y Kông bắt đầu câu chuyện về văn hóa bản địa bằng âm thanh phát ra từ những nhạc cụ truyền thống của đồng Cơ Tu do chính tay ông chế tác.

Già làng Y Kông cùng vợ chơi những nhạc cụ truyền thống của dân tộc Cơ Tu (ở huyện miền Đông Giang, Quảng Nam)
 
 
"Tình yêu của người Cơ Tu được gửi gắm qua âm nhạc"

Già làng Y Kông(SN 1928), tên thật là Nguyễn Văn Dư, khi tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi, ông đổi tên thành Y Kông. Ông nguyên là chủ tịch huyện Hiên cũ (nay tách thành các huyện Đông Giang, Tây Giang). Về hưu năm 2002, suốt 10 năm nay, già Y Kông bền bỉ với ý nguyện của mình về việc tìm lại bản sắc dân tộc với những nhạc cụ truyền thống, những điệu lý, những gùi, những tượng gỗ… gắn bó với đời sống của đồng bào Cơ Tu nơi đây.

Già làng Y Kông
Già làng Y Kông

10 năm, già làng Y Kông đã có một bảo tàng văn hóa Cơ Tu thu nhỏ ngay tại nhà, một phần là những vật dụng già làng bôn ba sưu tầm, phần khác do ông tự chế tác. Già nói: “Bản sắc văn hóa dân tộc mình, cái chi hay thì mình phải giữ để cho thế hệ sau còn biết tới chứ mai một tiếc lắm".

Lấy cây kèn Abel, thổi một điệu lý, ông nói “Ngày xưa nam nữ Cơ Tu yêu nhau mà nhớ nhung lại lấy tiếng kèn Abel gửi gắm nổi niềm. Kèn này thổi bằng hơi thôi mà âm thanh len lỏi qua núi, qua rừng nghe rất gợi như lời tỉ tê tâm sự. Nghe tiếng Abel là biết rằng có đôi nào đó đang tỏ tình với nhau”.

Ông cụ tuổi ngoài râu tóc bạc trắng, tuổi đã ngoài 80, cười vui kể chuyện thời trai trẻ: “Ngày xưa tui cũng có nhiều người yêu lắm. Đồng bào mình có tục ngủ thăm (các cô gái cho người yêu ngủ thăm để tâm sự, tìm hiểu nhau). Nhiều cô thuận cho tui ngủ thăm, mà tui nghèo, cha mẹ người ta không ưng, rứa là không lấy được nhau. Yêu nhau mà không lấy được nhau, nhớ nhau lại thổi kèn Abel. Tiếng kèn Abel khi ấy càng da diết, réo rắt”.

Kèn Abel
Kèn Abel

Đặt cây Abel xuống, già Y Kông lấy thêm mấy nhạc cụ khác. Già nói: “Đây là đàn Tơhheh. Vợ chồng trong nhà hờn trách nhau, thậm chí là mắng nhau thì đánh đàn này, chẳng có lời qua tiếng lại chi nhiều, mỗi cái âm thanh dùng dằng nói lý của Tơhheh ni thôi là thấm thía".

Già Y Kông đánh đàn Tơhheh
Già Y Kông đánh đàn Tơhheh

Người Cơ Tu muốn tự làm quan tài cho mình

Khách ghé thăm nhà của già làng Y Kông nằm ngay trên đường quốc lộ lên các huyện miền núi phía tây tỉnh Quảng Nam, cách nông trường Quyết Thắng (thuộc xã Ba, huyện Đông Giang, Quảng Nam) độ chừng 1km đi về phía trung tâm huyện, ngoài thưởng lãm những nhạc cụ truyền thống và nghe già trình diễn, hẳn khó mà bỏ qua chiếc quan tài kỳ lạ nằm ngay trong phòng khách.

Chiếc quan tài được già làng đặt tên là T’rang Ch’ríh (nghĩa là chiếc quan tài kỳ lạ), đúng như thiết kế độc đáo của hiện vật đặc biệt trong bảo tàng văn hóa Cơ Tu ở nhà già làng Y Kông này.

Quan tài có hình dáng muột thân cây, cũng chính là nguyên bản cây gỗ lâu năm mà già phải cậy thanh niên trai tráng trong làng kéo từ rừng về mất hàng tháng trời. Hai đầu quan tài, già làng đẽo thành một đầu trâu, là con vật linh thiêng trong tín ngưỡng của người Cơ Tu, một đầu voi-là con vật biểu trưng cho sức mạnh của núi rừng theo cách lý giải của chủ nhân. Hai bên thân chạm hình rồng bay lượn rất tinh xảo. Theo già Y Kông, ngày xưa, phải những người giàu có, hay có địa vị, khi mất đi mới được chôn cất trong chiếc quan tài như này.

Già Y Kông đánh đàn Tơhheh

Già Y Kông đánh đàn Tơhheh
Chiếc quan tài có thiết kế độc đáo với những nét chạm trỗ cầu kỳ, tinh xảo đậm nét văn hóa Cơ Tu 

Chiếc quan tài làm xong từ năm 2010. Già Y Kông kể: “Hồi đó, phải mất 5-6 tháng ròng mới làm xong. Người ta kéo nhau tới coi đông lắm, phần có mấy ai tự đẽo quan tài cho mình như tôi bao giờ, phần vì hình dáng kỳ lại của nó. Nó kỳ lạ với du khách các nơi, nhiều khách nước ngoài tới coi cứ hỏi tôi lý giải từng chi tiết của chiếc quan tài. Nó cũng lạ mắt với cả mấy đứa trẻ Cơ Tu bây chừ. Tôi làm quan tài cho mình, cũng là để cho thanh niên Cơ Tu xem cách làm quan tài của người Cơ Tu, như ngày xưa cha tôi đã chỉ vẽ cho tôi. Ngay chiếc quan tài cũng phần nào nói lên đời sông văn hóa truyền thống của người Cơ Tu”

Những câu chuyện về văn hóa Cơ Tu truyền thống được kể từ một nhân chứng sống hiếm hoi như già làng Y Kông cứ cuốn hút chúng tôi mãi từ chuyện này sang chuyện khác, từ vật dụng này sang vật dụng khác. Hình ảnh già làng Y Kông ngồi trước hiên nhà rông thu nhỏ do chính già dựng lên, với những tượng gỗ sống động bày khắp nhà, bắt đầu câu chuyện văn hóa Cơ Tu từ tiếng kèn Abel thật khó quên nếu đã một lần đến thăm và được chuyện trò cùng ông.

Già làng nay đã ở tuổi gần đất xa trời ấy gửi gắm một ước mong trong từng ngày, từng ngày bền bỉ sưu tầm, chế tác lại những hiện vật, nhạc cụ của người Cơ Tu xưa, rằng: “Già mong lớp trẻ Cơ Tu thấy được cái hay, cái đẹp của đồng bào mình để giữ gìn và phát huy. Và già muốn cho mọi người thấy, kể cho mọi người biết về dân tộc Cơ Tu như một niềm tự hào về bản sắc văn hóa của đồng bào Cơ Tu”.

Khánh Hiền