Bình Định:

Lão nông hiến đất, bỏ tiền túi xây cầu qua suối

Doãn Công

(Dân trí) - Về mùa mưa lũ, thấy người dân lội suối để lên nương vất vả, ông Liêm vận động bạn bè và tự bỏ thêm 60 triệu đồng để xây cây cầu bê tông vững chắc vừa phục vụ gia đình vừa cho bà con.

Lão nông ở Bình Định hiến đất, bỏ tiền túi xây cầu qua suối

Ở miền đất võ Bình Định, chuyện những người nông dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn, đến chuyện người nông dân tự bỏ cả trăm triệu đồng tiền tích cóp gần cả đời đem ra xây cầu chẳng còn xa lạ. Thế nhưng, với người dân ở thôn Vạn Thuận, xã Cát Hưng (huyện Phù Cát) vẫn rất ngưỡng mộ và biết ơn việc làm ý nghĩa của lão nông Phan Thanh Liêm (69 tuổi, người ở cùng thôn).

Ông Liêm là người đứng ra huy động nguồn kinh phí xây cầu bê tông vững chắc với số tiền 90 triệu đồng, riêng ông đã đóng góp 60 triệu đồng.

Bình Định: Lão nông hiến đất, bỏ tiền túi xây cầu qua suối - 1
Lão nông Phan Thanh Liêm bỏ 60 triệu đồng để xây cầu bê tông qua suối.

Theo ông Liêm chia sẻ, trước đây cứ mỗi mùa mưa lũ, gia đình ông và bà con trong xóm phải lội qua con suối nước chảy xiết để lên nương rẫy chăm sóc cây trồng và chăn thả gia súc, hiểm nguy luôn rình rập. Từ đó, ông Liêm mới nghĩ đến chuyện tìm nguồn kinh phí để xây dựng cầu, vừa là phục vụ cho gia đình, vừa giúp bà con trong xóm.

“Tôi may mắn có ông bạn sinh sống ở nước ngoài lâu năm và cũng có điều kiện. Sau khi nghe tôi trình bày mong muốn xây cây cầu nhỏ giúp bà con lên nương rẫy cho bớt vất vả thì anh bạn đồng ý hỗ trợ một phần, còn tôi bỏ thêm 60 triệu đồng. Người dân ở đây sống dựa vào làm nông, kinh tế còn khó khăn nên tôi vận động bà con, không góp của thì cùng góp công để làm cầu. Tất cả bà con trong xóm đều nhiệt tình ủng hộ và cây cầu hoàn thành sau gần 1 tháng thi công. Từ ngày có cây cầu này, bà con đi lại lên nương rẫy, đi chăn thả gia súc rất thuận lợi. Đặc biệt, trước đây đến vụ thu hoạch gặp muôn vàn khó khăn thì nay xe máy cày vào tận rẫy nên bà con rất phấn khởi”, ông Liêm chia sẻ.

Không chỉ bỏ tiền túi ra làm cầu, ông Liêm còn hiến hàng trăm mét vuông đất nông nghiệp để mở rộng đường giúp việc đi lại của bà con thêm thuận tiện. “Cầu có rồi mà đường đi quá nhỏ nên tôi tự hiến đất rẫy để mở rộng đường, còn đoạn nào không phải đất của gia đình thì tôi vận động bà con hiến, vì đó là lợi ích chung”, ông Liêm nói.

Chưa dừng lại ở đó, khi địa phương thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều hộ dân ở trong thôn hiến đất làm đường giao thông, trong đó gia đình ông Liêm là một trong hộ dân luôn gương mẫu đi đầu thực hiện chủ trương.

Lão nông hiến đất, bỏ tiền túi xây cầu qua suối - 2
Ông Liêm đứng trên cây cầu được người dân đặt tên là cầu ông Năm

Ông còn tự nguyện hiến hơn 90m2 đất, chặt 3 cây xoài đang cho quả và phá hàng rào lưới B40 với chiều dài 35m, trị giá hơn 40 triệu đồng để mở rộng đường bê tông nông thôn.

“Biết đất là quý, tấc đất là tấc vàng, giá trị của đất mỗi ngày một tăng. Nếu đem bán thì tôi có một khoản tiền không nhỏ để phát triển kinh tế gia đình, nhưng điều quan trọng mà tôi suy nghĩ là mình phải đóng góp được gì để xây dựng quê hương”, ông Liêm tâm sự.

Ông Liêm còn tiên phong trong việc xây dựng bể chứa rác thải gia đình và vận động mọi người cùng làm để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường nông thôn; tham gia vận động bà con nhân dân cùng hiến đất làm đường bê tông nông thôn.

Trưởng thôn Mỹ Thuận Nguyễn Văn Hiệp cho biết, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, hộ ông Phan Thanh Liêm là gia đình tiêu biểu đi đầu trong các phong trào ở địa phương. Không chỉ bỏ tiền túi xây cầu, ông còn hiến đất làm đường bê tông nông thôn được tỉnh, huyện ghi nhận thành tích.

Lão nông hiến đất, bỏ tiền túi xây cầu qua suối - 3

Ông Liêm còn hiến cả trăm mét vuông đất rẫy để mở đường rộng giúp bà con đi lại thuận tiện.

“Việc làm của ông Liêm rất ý nghĩa, góp một phần trong quá trình xây dựng nông thôn mới cho quê hương nói chung và thôn Mỹ Thuận nói riêng. Bà con rất hưởng ứng, đóng góp ngày công để cùng nhau xây cầu dân sinh. Đến nay, cây cầu hoàn thành bà con đi lại rất thuận tiện. Ghi nhận việc làm của ông Liêm người dân hay gọi ông với cái tên trìu mến là cầu ông Năm”, ông Hiệp chia sẻ.

Về xã Cát Hưng hôm nay sẽ dễ nhận thấy sự thay da, đổi thịt ở vùng quê nông thôn Mỹ Thuận nói riêng và của huyện Phù Cát nói chung đều có sự đóng góp tâm huyết của những cá nhân gương mẫu như ông Liêm.