"Làng siêu đẻ" ở Tây Nguyên: Nơi bố mẹ nhớ nhầm tên các con

Cứ hai năm một cháu đều đặn, sau 23 năm lấy nhau, anh Bu (42 tuổi) và chị A Mon (41 tuổi) có tổng cộng 11 người con. Ở làng của anh Bu, gia đình ít cũng có 6 - 7 người con, nhiều thì lên tới mười mấy người.

Mẹ 40 tuổi có... 12 con

Cách trung tâm TP.Pleiku khoảng 20 km, nhưng làng Ea Luh (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai) quanh năm nghèo đói. Làng có 100% là người dân tộc Xê Đăng, trong đó đa số là hộ nghèo. Đây là làng được đưa vào diện đặc biệt khó khăn, các ngôi nhà ở đây được xây dựng từ những năm 2005 – 2007 theo Chương trình 134 của Chính phủ, cạnh đó là hàng chục căn nhà gỗ xiêu vẹo được làm tạm bợ.


Đều đều hai năm một cháu nên năm đứa trẻ gần như trạc tuổi nhau

Đều đều hai năm một cháu nên năm đứa trẻ gần như trạc tuổi nhau

Từ lâu, làng Ea Luh được mệnh danh là làng “siêu đẻ”. Mới vào tới đầu làng, nhìn vào sân nhà nào chúng tôi cũng thấy hàng chục đứa trẻ đang nô đùa. Bước vào nhà anh Bu, chỉ tính riêng những đứa trẻ có mặt trong nhà đã 5 cháu. Những đứa trẻ này chỉ cách nhau tầm 1 - 2 tuổi, mặt mày đen nhẻm, khi thấy người lạ vào nhà, chúng chạy vào trong căn buồng chật chội trốn biệt tăm.

Anh Bu bộc bạch: “Con cái mình mà, sinh ra thì phải nuôi chứ chẳng lẽ bỏ đi à? Trời sinh voi thì trời sinh cỏ thôi. Nhà mình có 11 cháu, cứ đều đều 2 năm một cháu. 4 cháu học hết cấp hai thì nghỉ học đi làm thuê ở Sài Gòn, 6 đứa còn lại đang học, một đứa năm nay mới 3 tuổi. Nhà có 500 gốc cà phê thôi nên mùa này cũng chẳng có việc gì làm cả".

Khi chúng tôi hỏi tiếp, anh chị có định sinh thêm không? Anh Bu trả lời: “Chưa biết được, đẻ thì đẻ thôi chứ sao biết được..”.


Nhiều phụ nữ vừa địu con, vừa đi làm kiếm cơm nuôi gia đình

Nhiều phụ nữ vừa địu con, vừa đi làm kiếm cơm nuôi gia đình

Dù đã có 11 người con nhưng so với chị Viên ở cùng làng, gia đình anh Bu vẫn ít hơn 1 người. Mới 40 tuổi nhưng chị Viên chẳng khác bà lão 60 của làng Ea Luh. Khi chúng tôi hỏi về những đứa trẻ trong nhà, sau một hồi nhẩm tính chị Viên trả lời: “Vợ chồng mình có tất cả 12 mặt con”. Đúng 12h trưa, 6 đứa bé mặt mũi, chân tay còn lấm lem đất cát, chạy vội từ ngoài sân vào nhà tranh nhau từng miếng cơm cháy. Sau khi đã có được những miếng cháy, lũ trẻ tản ra mỗi đứa một góc sân ăn ngon lành.

Bố mẹ nhớ nhầm tên con

Câu nói "đẻ đến hết trứng thì thôi" tưởng là câu nói đùa ở đâu đó, nhưng lại là thật ở "làng siêu đẻ" này.

“Có gì lạ đâu, người Xê Đăng mình quan niệm đông con, đông của. Nhà nào càng đông con càng có nhiều người làm việc. Mình cũng giống như mẹ và các chị mình thôi, đẻ xong lại tiếp tục mang bầu đứa khác, chắc đẻ đến khi nào hết trứng thì thôi. Nhiều khi mình còn không nhớ hết tên các con vì nhiều quá, tên lại gần giống nhau nữa, hay nhầm lắm…”, chị Viên hồn nhiên nói.

Nếu những đứa trẻ này vẫn được cắp sách đến trường, lớn lên có nghề nghiệp không nói làm gì, nhưng phần lớn chúng đều nghỉ học sớm, đứa học cao nhất cũng chỉ đến lớp 9. Học hành là chuyện khá xa vời, bởi lo được ngày 3 bữa cơm cho những đứa trẻ cũng là gánh nặng với không ít gia đình ở ngôi làng này.


Có những gia đình vì quá đông con nên bố mẹ không nhớ hết tên con

Có những gia đình vì quá đông con nên bố mẹ không nhớ hết tên con

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê – Trưởng thôn làng Ea Luh cho biết: “Ea Luh là làng đặc biệt khó khăn, làng chỉ có 121 hộ nhưng tới 728 khẩu. Nhận thức được việc sinh đẻ không có kế hoạch của người dân trong làng nên chúng tôi đã cùng xã tuyên truyền các biện pháp sinh đẻ có kế hoạch, nhưng không được.

Nhà nhiều nhất là 12 người, nhà ít nhất khoảng 7 - 8 người. Người trong làng đều làm nông hết, vì không ai được học hành đến nơi đến chốn. Một số hộ còn làm thêm công nhân ở công ty chè ngay đầu làng, nhưng kinh tế cũng không ổn định. Đất đai, vườn rẫy thì ít nhưng lại quá nhiều con”.

Chị H’Jiar, cán bộ dân số xã Ea Luh cho hay, chính quyền địa phương đã nhiều lần hướng dẫn các cặp vợ chồng những biện pháp tránh thai hiệu quả, nhưng do là người đồng bào dân tộc thiểu số nên người dân xấu hổ không thực hiện.

Mỗi lần phát bao cao su, người dân chỉ mang về nhà rồi vứt đi, chứ không sử dụng. Chính vì thế, tình hình dân số trong xã không có chiều hướng thuyên giảm mà ngày càng gia tăng.

Theo Dân Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm