Thanh Hóa:

Làng nghề Mật Sơn rộn ràng mùa đèn Trung thu

(Dân trí) - Năm nào cũng vậy, cứ đến gần dịp Tết Trung thu là làng Mật Sơn lại rộn ràng bởi những chuyến xe ra vào tấp nập lấy hàng lồng đèn. Hàng triệu chiếc lồng đèn từ nơi này tỏa đi khắp mọi nơi trong cả nước đến với các cháu thiếu nhi.

Mật Sơn thuộc phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa, là làng nghề làm hoa giấy, hàng mã từ lâu đã được tỉnh Thanh Hóa công nhận là làng nghề truyền thống.

Người dân ở đây chủ yếu sản xuất hàng mã, tuy nhiên cứ đến đầu tháng 8 âm lịch hàng năm, người làm nghề ở Mật Sơn bắt đầu chuyển sang làm lồng đèn để phục vụ các cháu thiếu nhi dịp Tết Trung thu.

Những ngày này, khi không khí Tết Trung thu tràn ngập trên khắp các phố phường cũng là lúc người dân đang tất bật hoàn thiện các sản phẩm để kịp giao cho khách... Mỗi năm, làng Mật Sơn có đến hàng triệu chiếc đèn ông sao phục vụ các em nhỏ dịp Tết Trung thu khắp trong Nam, ngoài Bắc.

Làng nghề Mật Sơn rộn ràng mùa đèn Trung thu - 1

Những chiếc đèn lồng cỡ lớn khiến người thợ phải mất cả tuần lễ mới xong

Những chiếc đèn lồng cỡ lớn khiến người thợ phải mất cả tuần lễ mới xong

Đến Mật Sơn, khắp các con ngõ, đâu đâu cũng thấy người dân làm lồng đèn. Cả làng có đến 2/3 dân số làm nghề này. Người chẻ nan luồng, buộc khung đèn, căng vải bạt, dán giấy bóng kính lên đèn ông sao, đèn lồng, đèn kéo quân... Người trang trí hoàn thiện, người bốc hàng đi nhập… tất cả đều tất bật với công việc để kịp giao hàng cho khách.

Bên cạnh đèn ông sao truyền thống, để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng, người làm nghề ở Mật Sơn còn sáng tạo ra nhiều loại lồng đèn với hình thức đa dạng hơn như: Hình tròn, hình trụ, hình hoa sen, hình rồng với đủ màu sắc hấp dẫn.


Trên chiếc đèn lồng thủ công luôn chứa đựng những nét văn hóa truyền thống. Vì vậy, nó vừa mang tính giải trí vừa giúp các em thiếu nhi hiểu và ghi nhớ về văn hóa dân tộc

Trên chiếc đèn lồng thủ công luôn chứa đựng những nét văn hóa truyền thống. Vì vậy, nó vừa mang tính giải trí vừa giúp các em thiếu nhi hiểu và ghi nhớ về văn hóa dân tộc

Mặc dù trên thị trường hiện nay có rất nhiều đồ chơi Trung thu cho các cháu thiếu nhi với mẫu mã phong phú, đa dạng, bắt mắt, nhưng những lồng đèn được làm hoàn toàn thủ công từ đôi bàn tay khéo léo và khối óc của những người thợ tâm huyết với nghề vẫn là món quà Trung thu ý nghĩa được nhiều gia đình lựa chọn dành tặng con em mình mỗi dịp Tết Trung thu hàng năm... Đó cũng là động lực để những người làm nghề ở Mật Sơn vượt qua khó khăn để bám trụ giữ nghề truyền thống.

Bà Châu Thị Thanh, chủ cơ sở sản xuất Minh Thanh thuộc khu phố Mật Sơn 2 cho biết: “Cứ đến khoảng cuối tháng bảy, tháng tám âm lịch, cả làng lại bắt tay vào làm các loại đèn Trung thu cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Làm đèn ông sao cũng rất kỳ công, ngoài việc phải lựa chọn kỹ về nguyên liệu thì thời gian để làm nên những chiếc đèn ông sao có kích thước lớn phải mất cả tuần”.

Để phục vụ thị hiếu, nhiều loại lồng đèn với hình thức đa dạng hơn như: Hình tròn, hình trụ, hình hoa sen, hình rồng với đủ màu sắc hấp dẫn.
Để phục vụ thị hiếu, nhiều loại lồng đèn với hình thức đa dạng hơn như: Hình tròn, hình trụ, hình hoa sen, hình rồng với đủ màu sắc hấp dẫn.

Với loại đèn kéo quân, đòi hỏi người thợ cần có những tinh tế, sáng tạo hơn. Đèn kéo quân thường được những người thợ trong làng Mật Sơn trang trí bằng những bức tranh về lịch sử, truyền thống dân tộc như: Bác Hồ với các cháu thiếu nhi, biển đảo Việt Nam, tranh Đông Hồ, hình 12 con giáp và những nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh, dễ thương... Không chỉ là một cách để thể hiện nét văn hóa Việt ngay trên từng chiếc đèn, mà còn góp phần giáo dục trẻ em hiểu thêm về truyền thuyết, lịch sử và văn hóa của cha ông, đất nước.

“Trên chiếc đèn lồng thủ công luôn chứa đựng những nét văn hóa truyền thống. Vì vậy, nó vừa mang tính giải trí vừa giúp các cháu hiểu và ghi nhớ về văn hóa dân tộc” – Lê Thị Thu, một công nhân làm đèn lồng cho biết.

Theo ông Lê Văn Hùng, người từng gắn bó hơn 20 năm với nghề làm lồng đèn truyền thống tại phố Mật Sơn 2 thì công việc làm đèn không mấy vất vả, nhưng cần rất nhiều công đoạn và thời gian.

“Để có được một chiếc đèn Trung thu đẹp, hấp dẫn trẻ thơ, đòi hỏi người thợ thủ công phải vô cùng tỉ mỉ, kiên trì từ việc chọn loại nứa bánh tẻ mắt to, đốt dài vừa dẻo, vừa dai đến khâu chẻ, vót nan, tạo khung, pha mầu. Tre làm đèn lồng phải là loại tre già còn tươi, để đảm bảo độ bền và tránh mối mọt. Một chiếc đèn Trung thu được coi là đẹp thì khung phải thật khít, kín, sắc nét, màu sắc rực rỡ, bắt mắt... Từng công đoạn một, dù nhỏ đến đâu cũng đòi hỏi sự tỉ mẩn, kiên trì qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ” – ông Hùng chia sẻ.

Do nhu cầu của thị trường hiện nay, nhiều khu phố, đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, trường học... trên địa bàn đặt nhiều loại lồng đèn cỡ to nên công đoạn làm đèn cũng được người làm nghề ở Mật Sơn cải tiến nhiều. Để làm nên những lồng đèn cỡ to từ 1,5 - 2 m, nhiều gia đình đã đầu tư súng hơi bắn ghim, khoan, máy cắt, máy vót tre, luồng, gỗ... Nhiều hộ ở Mật Sơn 2 còn đầu tư máy in bạt khổ lớn đảm bảo tính bền và thẩm mỹ cho từng sản phẩm.

Mặc dù những năm gần đây, phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường nhưng sắc đỏ của đèn lồng Mật Sơn đã và đang khẳng định vị thế của làng, minh chứng cho sức sống trường tồn của một làng nghề truyền thống.

Nguyễn Thùy

Dòng sự kiện: Rộn ràng Trung thu