Quảng Nam:

Làng mắm hơn trăm tuổi vẫn "sống khỏe"

Công Bính Ngô Linh

(Dân trí) - Trải qua bao thăng trầm thời gian và sự cạnh tranh gay gắt của thị trường, làng mắm hơn trăm tuổi Cửa Khe (xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) vẫn "sống khỏe", nuôi ước mơ vươn xa.

Nhờ nghề mắm mà có cơ ngơi, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn

Hơn trăm năm có lẻ, người ở Cửa Khe sinh ra là đã nghe mùi mắm. Ít thì nhà vài hũ, nhiều thì làm mấy thùng. Họ làm mắm từ cái thuở Cửa Khe có một con nước lớn dẫn từ biển vào, thuở ghe bầu từ phố thị Hội An theo cái khe nước vào làng này để mua mắm đi buôn đường xa, thuở cái bến nơi cửa sông tàu bè đậu tấp nập để đưa cá cơm vào tận làng.

Làng mắm hơn trăm tuổi vẫn sống khỏe - 1

Cá làm mắm là cá cơm than thường đánh bắt tại vùng biển Cù Lao Chàm, Hội An.

Trải qua biết bao thăng trầm, khó khăn, người dân nơi đây vẫn bám nghề và làm cho làng nghề nước mắm truyền thống Cửa Khe không ngừng vươn xa.

Hiện tại, làng nghề nước mắm Cửa Khe có 60 hộ gia đình làm nghề, trong đó có 10 cơ sở tham gia tổ hợp tác. Mỗi năm, làng nghề nước mắm Cửa Khe bán ra thị trường khoảng 120.000-150.000 lít, với giá bán từ 50.000-60.000 nghìn đồng/lít tùy loại. Ngoài thị trường truyền thống trong tỉnh Quảng Nam, mắm Cửa Khe còn được vào các siêu thị hay có đại lý ủy quyền tại Đà Nẵng, Hà Nội…

Làng mắm hơn trăm tuổi vẫn sống khỏe - 2

Cứ 2kg cá cơm tươi trộn 1kg muối, ủ chượp trong vòng 12 tháng là cho ra 1 lít nước mắm nguyên chất.

Theo những người dân làng nghề, nước mắm Cửa Khe chỉ được chế biến từ cá cơm than đánh bắt quanh khu vực biển Cù Lao Chàm (TP Hội An). Quy trình sản xuất nước mắm được bắt đầu ngay từ trên tàu, sau khi vớt cá từ dưới biển lên, cá được rửa sạch bằng nước biển, loại bỏ tạp chất rồi trộn với muối theo tỉ lệ thích hợp. Cá này gọi là cá chượp.

Làng mắm hơn trăm tuổi vẫn sống khỏe - 3

Đúng thời gian, người làm mắm sẽ kiểm tra để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Cá chượp được bảo quản trong hầm tàu, được phủ bằng 1 lớp muối dày khoảng 5cm. Khi về đến biển Cửa Khe, cá chượp được bốc dỡ cho vào thùng ủ tiếp. Đến khoảng 9-18 tháng, bà con bắt đầu rút nước mắm nhĩ. Vì muối ngay từ lúc cá còn tươi sống nên giá trị dinh dưỡng trong mắm cao, hương vị thơm ngon đầy hấp dẫn.

Làng mắm hơn trăm tuổi vẫn sống khỏe - 4

Đến khoảng 9-18 tháng, bà con bắt đầu rút nước mắm nhĩ.

Bà Lê Thị Lợi, chủ cơ sở nước mắm Bà Lợi ( thôn 6, làng nước mắm Cửa Khe) cho hay: "Mặc dù, giá nước mắm của làng nghề cao hơn so với các loại nước mắm công nghiệp khác nhưng khách hàng rất ưa chuộng, nhiều khi không có đủ để cung cấp, nhất là dịp tết... Nhiều gia đình cũng khá lên nhờ nghề mắm, nuôi con ăn học đến chốn".

Hiện tại, cơ sở sản xuất nước mắm của gia đình bà Lợi có 5 lao động thường xuyên, với mức lương trung bình từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, cơ sở sản xuất và cho ra lò khoảng hơn 7.000 - 8.000 lít/năm, doanh thu khoảng 350 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình bà lãi khoảng 150-180 triệu đồng/năm.

Làng mắm hơn trăm tuổi vẫn sống khỏe - 5

Mỗi năm, làng nghề nước mắm Cửa Khe bán ra thị trường khoảng 120.000-150.000 lít, với giá bán từ 50.000-60.000 nghìn đồng/lít tùy loại.

Ông Phan Thanh Vân - Chủ tịch xã Bình Dương (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) cho biết: "Làng mắm Cửa Khe có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh, đặc biệt là tổ chức hoạt động sản xuất mắm gắn với phát triển du lịch. Người dân luôn chú trọng về chất lượng sản phẩm, đặt uy tín lên hàng đầu để giữ vững thương hiệu truyền thống của làng nghề. Đồng thời, tích cực tham gia các hội chợ để đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội vươn xa hơn".

Miệt mài với nghề mắm và "không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm" là tiêu chí đầu tiên mà làng nghề đặt ra. Chính vì lẽ đó mà vừa qua, sản phẩm nước mắm làng Cửa Khe đã đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao.

Làng mắm hơn trăm tuổi vẫn sống khỏe - 6

Nhờ nghề mắm mà nhiều người có cơ ngơi và nuôi con ăn học…

Năm tháng đổi dời, làng Cửa Khe giờ như "chàng tí hon" khi tồn tại bên cạnh những "gã khổng lồ" thời hiện đại. Đó là những thương hiệu nước chấm công nghiệp quy mô khắp mọi miền rồi các dự án du lịch đẳng cấp triệu đô, tỷ đô ngay liền cạnh. Giờ đây, Cửa Khe đứng yên cũng là đang tụt lại, nên phải nỗ lực khẳng định sản phẩm làng nghề truyền thống.

Những người trẻ với khát vọng đưa thương hiệu làng vươn xa

Anh Võ Nguyên Tùng - Trưởng ban làng nghề nước mắm Cửa Khe chia sẻ: "Có hai phương thức chính để chúng tôi duy trì làng nghề, một là tìm đến khách hàng và còn lại là khách hàng tìm đến chúng tôi. Việc tìm đến khách hàng thì chúng tôi đã làm lâu nay nhưng cốt lõi muốn tồn tại bền vững thì phải làm sao để vế thứ hai thành hiện thực".

Làng mắm hơn trăm tuổi vẫn sống khỏe - 7

 Những người trẻ của làng đang góp phần gìn giữ, tìm cơ hội đưa sản phẩm làng nghề vươn xa.

Trong những năm qua, để tiếp cận khách hàng, những người trẻ kế nghiệp làng mắm như anh Tùng vẫn luôn miệt mài quảng bá sản phẩm ở những "sân chơi" lớn hơn như chợ phiên, ngày hội khởi nghiệp…

Nói về những dự định trong việc phát triển làng nghề, anh Tùng cho biết, đầu tiên là tập trung xây dựng cổng làng nghề truyền thống nước mắm Cửa Khe, tiếp đó sẽ xây dựng nhà trưng bày và giới thiệu sản phẩm của làng nghề.

Đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoặc HTX ở địa phương làm du lịch gắn với làng nghề và cộng đồng, qua đó tạo công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn.

Tất cả đang được những người con của làng từng ngày góp nhặt, lên ý tưởng để thực hiện giấc mơ đưa thương hiệu nước mắm Cửa Khe vượt qua "ao làng", hiện thực hóa khát vọng "chuyển mình" của làng.

"Bất cứ ai đem được một du khách về làng là đã góp một tay giúp làng hồi sinh, giúp cho nhiều người có thu nhập tăng thêm để trang trải. Chúng tôi muốn người làng rồi đây sẽ kiếm thêm thu nhập từ giá trị văn hóa của làng", anh Tùng tâm sự.

Với nguồn khách dự báo sẽ ngày càng phát triển ở khu vực phía nam TP Hội An trong tương lai, những người trẻ của làng Cửa Khe đang mong muốn nương vào dòng khách lưu trú tại các khu du lịch ở đây, hướng họ đến việc trải nghiệm văn hóa bản địa. Điều này cũng là một giải pháp để kéo dài thời gian lưu trú của khách khi đến địa phương. Từ đó, làng nghề truyền thống và du lịch địa phương cùng phát triển.