Thanh Hóa:

Lặng lẽ công việc của anh bưu tá vùng cao

(Dân trí) - Gần 10 năm qua, bất kể ngày mưa hay ngày nắng, đường sá gập ghềnh, đồi núi chia cắt, anh Di với chiếc xe máy cũ luôn rong ruổi trên các nẻo đường mang những cánh thư, công văn, sách báo, bưu phẩm… đến tận tay người nhận.

Tình cờ gặp anh Sung Văn Di (38 tuổi, dân tộc Mông, bản Chim, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, Thanh Hóa) trong dịp đến công tác tại các huyện miền núi. Anh đang hì hụi buộc cho chắc lại chiếc túi đựng bưu phẩm, sách báo sau yên xe.

Đưa tay quệt những giọt mồ hôi lăn đầy trên khuôn mặt sạm đen, anh bảo, trên này nếu thời tiết nắng còn đỡ chứ trời mưa thì khổ lắm. Ngoài việc đường sá trơn trượt, sình lầy đi lại khó khăn, còn phải đảm bảo “an toàn” cho thư từ, bưu phẩm. Người có thể ướt chứ công văn, giấy tờ thì không thể để bị dính nước.

Anh Di đang chuẩn bị công việc mang thư tín, báo chí về bản làng.
Anh Di đang chuẩn bị công việc mang thư tín, báo chí về bản làng.

Mỗi ngày, khi ông mặt trời lên đỉnh, cũng là lúc anh Di bắt đầu ngày làm việc của mình. Anh đến nhận sách báo, công văn, thư từ và bưu phẩm từ bưu điện huyện chuyển xuống, căn cứ vào địa chỉ người nhận, anh phân loại và sắp xếp thứ tự các giấy tờ, công văn, bưu phẩm theo từng tuyến đường đi.

Cứ như vậy, gần 10 năm qua, bất kể trời nắng hay mưa, ngày nào anh Di cũng vượt hàng chục cây số đường rừng, “làm bạn” với bao ngọn đèo, con suối để đưa thư, gửi báo đến các bản làng và đơn vị đóng giữa núi rừng hoang vu. Anh Di thuộc trong lòng bàn tay từng cái tên, ngôi nhà ở khu vực anh phụ trách. Địa bàn anh phụ trách có tới 20 bản, nhiều bản vùng sâu vùng xa đi cả ngày trời mới đến nơi.

Công việc vất vả là vậy nhưng gần 10 năm qua chưa bao giờ anh làm thất lạc thư tín.
Công việc vất vả là vậy nhưng gần 10 năm qua chưa bao giờ anh làm thất lạc thư tín.

Những ngày mưa lũ, có khi anh phải ngủ lại giữa rừng, chờ nước rút mới băng suối về lại làng, rồi tiếp tục chở sách, báo, thư tín sang các làng bản lân cận. Anh bảo sẽ cảm thấy day dứt dù chỉ một tờ báo hay một bức thư tín trong ngày chưa phát xong vì thế dù khó khăn là vậy nhưng không một ngày anh bỏ công việc quen thuộc của mình.

Theo anh Di, mỗi tháng, anh nhận được khoảng 500 nghìn đồng lương của ngành bưu điện; xã hỗ trợ thêm 200 nghìn đồng.

Anh Di tâm sự: “Số tiền này cũng chỉ đủ xăng xe, gặp tháng đen đủi xe hỏng một vài lần, không còn tiền sửa xe. Có lần đang đi vào thôn vùng sâu, bị hỏng dọc đường phải dắt bộ vài cây số.

Cực nhất là những hôm trời mưa, đường trơn dốc trượt, muỗi, vắt sinh sôi. Dù vậy, tôi vẫn yêu thích công việc này. Nếu không yêu thích thì không thể làm được vì khó khăn thì nhiều mà đồng lương quá ít ỏi”.

Nếu trời mưa, việc vận chuyển thư tín, báo chí, bưu phẩm của anh bưu tá sẽ gặp vô cùng khó khăn.
Nếu trời mưa, việc vận chuyển thư tín, báo chí, bưu phẩm của anh bưu tá sẽ gặp vô cùng khó khăn.

Dù công việc đi lại rất vất vả, nhưng suốt những năm qua, anh Sung Văn Di chưa một ngày chậm trễ công việc, hay làm thất lạc thư tín, báo chí.

Ông Sung Văn Lự (60 tuổi, ở bản Cặt, xã Pù Nhi) kể, ông đã quen cả tiếng xe máy và bước chân đi của anh Di, bao nhiêu năm nay, niềm vui của ông là luôn chờ anh Di mang báo đến.

“Nhờ anh Di mà đồng bào ở vùng sâu, vùng xa như chúng tôi vẫn nắm bắt kịp thời được thông tin, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của xã triển khai xuống; biết thêm tình hình của nhiều địa phương, cũng như đời sống của đồng bào các dân tộc trong cả nước từ những tờ báo mà chúng tôi nhận được kịp thời”, ông Lự nói.

Ông Lương Văn Xích, Chủ tịch UBND xã Pù Nhi cho biết: “Thời gian qua, các xã đặc biệt khó khăn, Trưởng thôn, Bí thư chi bộ, người có uy tín của các thôn, bản đều trong diện được thụ hưởng chính sách cấp báo như: Báo Thanh Hóa, Nhân dân, Dân tộc và Phát triển, Văn hóa, Nông nghiệp…; ngoài ra, lượng bưu phẩm chuyển phát cũng tăng đáng kể. Làm nghề bưu tá như anh Sung Văn Di phải tâm huyết và yêu nghề mới hoàn thành công việc”.

Nguyễn Thùy