Thanh Hóa:
Làng làm hương tất bật vào vụ Tết
(Dân trí) - Một mùi hương nhẹ dịu, sâu lắng mà ấp áp lạ thường xua tan đi cái lạnh tê tái của những ngày cuối đông. Đó là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi đến thăm làng hương truyền thống Quán Giò, thành phố Thanh Hóa khi cái tết Ông Công, Ông Táo đang đến gần.
Công nghệ sản xuất hương truyền thống
Những ngày này, người làm nghề ở Quán Giò đang bước vào thời điểm nhộn nhịp nhất trong năm, ai ai cũng tất bật với công việc, bởi đây cũng là mùa làm ăn chính của họ.
Nằm giữa trung tâm thành phố Thanh Hóagười dân Quán Giò sản xuất hương quanh năm, tuy nhiên, vào những tháng cuối năm việc làm hương trở nên tất bật, rộn ràng hơn bao giờ hết. Trên con đường dẫn vào làng, đâu đâu cũng bắt gặp cảnh lao động khẩn trương, hối hả, nhộn nhịp của những người làm nghề. Người trộn bột, người xe hương, người phơi phóng, ai ai cũng nỗ lực để để hoàn thành những đơn hàng cuối cùng của năm cũ, chuẩn bị đón Tết.
Mặc dù hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại hương được làm theo phương pháp công nghiệp, pha tạp nhiều chất phụ gia hóa học để tạo mùi nhưng người làm hương Quán Giò vẫn trung thành với công nghệ sản xuất hương truyền thống.
Người làng hương Quán Giò cũng không biết chính xác nghề truyền thống này đã lưu truyền bao nhiêu năm chỉ biết rằng bao đời nay, cha ông họ sinh ra đã biết có nghề làm hương này.
Thương hiệu riêng, mùi thơm đặc trưng
Theo cụ Lê Thị Nhưỡng (85 tuổi), người từng mấy chục năm gắn bó với nghề, trước đây, hương liệu chính để làm hương phải là rễ cây trầm. Hiện rễ trầm ngày càng khan hiếm nên nguyên liệu làm hương được thay thế bằng rễ cây trám để tạo mùi hương thơm dịu nhẹ, kết hợp với than phụ gia để tăng độ cháy cho thẻ hương. Tất cả nguyên liệu được nghiền nhỏ sau đó mang nhào vừa với nước để hỗn hợp bột đạt độ “dẻo quánh” là có thể bắt đầu công đoạn se hương.
Theo những người làm nghề ở Quán Giò, công đoạn se hương tuy không vất vả nhưng đòi hỏi sự cần cù, khéo léo, tỷ mỉ của người thợ. Mặc dù hiện nay đã có máy móc thay thế nhưng nhiều hộ gia đình làm hương ở Quán Giò vẫn trung thành với phương pháp se hương thủ công. Bởi se bằng tay cây hương sẽ tròn trịa, không bị vỡ vụn và điều quan trọng là mùi hương đượm hơn.
Hiện nay, mỗi hộ gia đình ở ngõ Hàng Hương chỉ vẻn vẹn vài chục m2 cả sinh hoạt và sản xuất nhưng để hương khô đều, giữ được màu sắc và mùi hương đặc trưng, người làm nghề vẫn để hương khô tự nhiên bằng cách phơi trên giàn dưới trời nắng gió từ 1 đến 2 ngày là khô. Theo kinh nghiệm của những người làm nghề, sấy bằng lửa nhanh hơn nhưng hương thường bị mất mùi, xỉn màu, hình thức và chất lượng đều không đạt yêu cầu. Chính sự chu đáo, nghiêm khắc của người thợ trong từng công đoạn chính là bí quyết làm nên thương hiệu hương Quán Giò với mùi thơm đặc trưng, nhẹ mà thanh, không sực nức nhưng lại phảng phất rất lâu.
Người làm hương Quán Giò cũng cho biết, trên thị trường có rất nhiều loại hương nhưng riêng hương Quán Giò vẫn giữ được mùi rất riêng và đặc trưng, đó là mùi thơm nhẹ nhàng, thanh thoát, hương cháy đượm, cuộn đẹp nên cứ mỗi dịp tết đến xuân về không quản ngại đường xa, rất nhiều khách thập phương lại tìm về đây để mua hương.
Trải qua những biến cố, thăng trầm của thời cuộc, hiện ở Quán Giò chỉ còn khoảng 30 gia đình còn lưu giữ nghề truyền thống. Khó khăn lớn nhất của người làm nghề là thiếu vốn và mặt bằng để mở rộng quy mô sản xuất. Những ngày nắng ráo, người dân phải tận dụng từng mặt đường, con ngõ, mái nhà, sân thượng để phơi hương. Nhưng những ngày mưa dầm, sản xuất phải dừng lại vì không có nơi phơi.
Giờ đây, hương Quán Giò không chỉ đơn thuần là sản phẩm tâm linh mà nó đã trở thành hàng hóa, không những mang lại thu nhập cho các hộ gia đình mà còn lưu giữ nghề truyền thống. Chính vì vậy, hàng năm, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, khắp trong nhà ngoài ngõ đâu đâu cũng phảng phất mùi thơm thanh khiết của hương tết như mang cả cái tình của người dân nơi đây.
Nguyễn Thùy