Đà Nẵng

Làng bánh tráng hối hả chạy đua với Tết

(Dân trí) - Theo truyền thống từ bao đời nay của người dân làng Túy Loan (xã Hòa Nhơn, Hòa Vang, TP Đà nẵng), bánh tráng là món ăn truyền thống trong mỗi gia đình nơi đây mỗi dịp Tết đến. Những ngày này, người dân nơi đây đang Tết tất bật chạy đua với Tết để phục vụ nhu cầu của người dân.

Tất bật cả ngày

Vào đầu tháng 12 âm lịch, người làng nghề bánh tráng Túy Loan lại gấp gáp cho ra lò những mẻ bánh nóng hổi để kịp giao hàng cho các “mối” từ các tỉnh lẻ hoặc dùng trong những hộ gia đình có nhu cầu trên địa bàn Đà Nẵng. Bánh tráng Túy Loan không đơn thuần là những chiếc bánh tráng bình thường , mà nó mang hương vị đặc trưng riêng trong ẩm thực của mỗi gia đình trên mảnh đất Hòa Vang linh thiêng.

Những ngày giáp Tết Nguyên Đán là thời điểm bánh tráng được đặt hàng và tiêu thụ nhiều. Từ ba, bốn giờ sáng, người làm đã có mặt tại xưởng bánh để bắt đầu công việc của mình, những lò bánh lại rực lửa, hương thơm của bánh tráng nghi ngút lan tỏa vào tận mũi khiến người ta có cảm giác thèm thuồng.

 

Khâu tráng bánh
Khâu tráng bánh

Bắt đầu từ tháng 11 theo lịch dương, nhà bà Đặng Thị Lan ( làng Túy Loan, Hòa Nhơn, Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đã có nhiều người đặt hàng từ khắp nơi. Gia đình bà Lan là một trong những hộ gia đình làm bánh tráng lâu đời ở làng Túy Loan. “Cách đây một tháng gia đình tôi đã nhận đơn đặt hàng tết. Bánh tráng bảo quán tốt để được hai tháng nên có thế làm sớm mà không sợ bị hư. Thời gian này có nhiều nơi đặt hàng nhiều nên không chỉ người trong nhà phụ giúp mà chúng tôi còn thuê thêm người phụ”- bà Lan chia sẻ.

Mỗi ngày gia đình bà Lan làm 800 chiếc, còn bây giờ cận tết nhiều người đặt hàng nên mỗi ngày gia đình bà làm từ 1000- 1.200 chiếc bánh tráng để kịp giao cho khách hàng. Bánh tráng được chia làm hai loại to và nhỏ, loại to thì 100.000 đồng/ 10 chiếc, loại bánh nhỏ thì 25.000 đồng/10 chiếc.

Bánh được tráng hai lớp đều tay để không quá dày hoặc quá mỏng, quá trình làm ít nhất phải có hai người làm, một người vào khuôn và một người phơi bánh, hộ gia đình nào sản xuất nhiều thì phải có ba người trở lên để chuẩn bị nguyên liệu, phơi bánh cho kịp thời vụ.

 

Những chiếc bánh sau khi tráng xong được đem ra phơi
Những chiếc bánh sau khi tráng xong được đem ra phơi

Chia tay gia đình bà Lan, chúng tôi ghé qua lò làm bánh tráng của gia đình ông Đinh Mỹ, cũng là một trong những gia đình làm bánh tráng ngon có tiếng trong vùng được nhiều người biết đến.

Gia đình ông Đinh Mỹ ( 55 tuổi, làng Túy Loan, Hòa Nhơn) làm bánh tráng quanh năm. Ngày thường gia đình ông làm 700 chiếc để giao cho các chợ, cửa hàng, hộ gia đình… Cận tết, thì làm nhiều hơn. “ Từ tháng 12 tới giờ, ngày nào vợ chồng tôi cũng thức dậy từ lúc 4h sáng để chuẩn bị nguyên liệu, đổ than, nhóm lửa và làm bánh cho tới 22h đêm mới nghỉ tay đi ngủ” ông Mỹ cho biết.

 

Những ngày này, các lò bánh đều rất tất bật
Những ngày này, các lò bánh đều rất tất bật

Tháng 12 này, gia đình ông Mỹ tăng cường làm bánh tráng phục vụ cho dịp Tết với số lượng 1000 chiếc/ngày, trừ tổng chi phí thì ông thu về tiền lời 15-20 triệu/tháng.

Vào những khi trời mưa thì bánh được sấy trên than hồng, còn trời nắng thì đưa ra phơi ngoài trời, bánh không nên phơi quá giòn, chỉ nên phơi một nắng là đủ. “ Để bánh ngon, thơm, giòn trước hết là khâu chuẩn bị nguyên liệu. Gạo thường được ngâm trước một đêm rồi mới đưa đi xay, gừng và tỏi giã nhuyễn rồi thêm vừng, muối hoặc đường và trộn lẫn vào nhau. Thường thì mỗi ang ( 8kg gạo) làm được khoảng 200 chiếc bánh, ngày thường gia đình tôi làm ba ang hoặc hơn” ông Mỹ chia sẻ.

Lưu giữ nghề truyền thống

“Trước đây, cả khu vực nhà nào cũng có lò bánh tráng nhưng bây giờ chỉ những gia đình sinh sống bằng nghề này mới tiếp tục duy trì. Gia đình tôi làm nghề này đến giờ là ba đời rồi. Ai có tâm với nghề mới đủ kiên trì giữ nghề vì làm bánh thì dễ nhưng để cho ra những chiếc bánh thơm ngon thì rất khó”- ông Đinh Mỹ nói gỏn lọn..

Để cho ra đời những chiếc bánh tráng thơm ngon, mang hương vị đặc trưng của làng bánh cổ truyền Túy Loan, quá trình làm bánh trải qua nhiều công đoạn, nguyên liệu được chuẩn bị từ chiều hôm trước.

Gạo làm bánh phải là gạo xiệc 13/2, gạo này rất khó nấu cơm, nhưng thích hợp để làm những mẻ bánh ngon. Bà con nông dân vùng này tranh thủ gieo mạ trong vụ đông xuân, gần tết mang ra làm bánh tráng. Cứ mỗi ang gạo là 12 lon mè trắng đã được bóc vỏ kết hợp với gừng, tỏi, đường hoặc muối. Với bàn tay khéo léo của các mẹ, các chị trong khâu tráng bánh, cộng với bí quyết pha bột đã làm nên chiếc bánh mịn màng, tròn trịa, đều đẹp đến tay người tiêu dùng.

 

Bánh tráng - món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết đối với người dân nơi đây 
Bánh tráng - món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết đối với người dân nơi đây 

Cô Hương, người có thâm niên nghề trong vùng cho hay: “Sở dĩ bánh tráng Túy Loan nổi tiếng là nhờ kinh nghiệm ông bà truyền lại cho đời con cháu những bí quyết mà chỉ người trong gia đình mới biết. Muốn cho bánh thơm ngon, giòn tan khi thưởng thức mà lại để được lâu, người trong nghề phải chọn đúng giống lúa, lúa phơi được nắng, không chọn lúa mới gặt hay lúa để lâu ngày. Quá trình phơi và gỡ bánh cũng là một nghệ thuật, muốn chiếc bánh nguyên vẹn, không cong vênh, sứt mẻ thì người phơi phải biết canh bếp sấy để gỡ cho đúng lúc”.

Không ai nhớ chính xác làng nghề này có từ bao giờ nhưng theo lời bà Đặng Thị Túy Phong với 50 năm tráng bánh, hồi bà còn nhỏ đã thấy ông bà, cha mẹ mình làm bánh. Lớn lên một chút thì đã biết phụ phơi bánh. Nhà nào cũng có lò bánh tráng, nhà đông thì có đến hai, ba lò. Gia đình bà Phong cũng là một trong những hộ gia đình hiếm hoi còn giữ nghề, nhưng vẫn không giấu được nỗi lo:“Nghề này phải dựa theo thời tiết, thời tiết thuận lợi thì bỏ công làm cũng có của ăn của để. Mấy đời ông bà, cha mẹ tôi đều sống bằng nghề này. Nhưng bây giờ khác rồi, con cháu được học hành đầy đủ, học ra trường chúng nó đi xin việc làm có mức lương ổn định hơn”.

Để giữ nghề và nâng cao chất lượng, cũng như quảng bá hình ảnh sản phẩm bánh tráng Túy Loan, hợp tác xã Hòa Nhơn đã được thành lập. Giờ đây bánh tráng Túy Loan đã được khoác trên mình mẫu mã, bao bì và thương hiệu riêng, góp phần làm đậm đà thêm hương sắc những mâm cúng dịp tết cổ truyền.

Huế Đinh – Lý Triện