Lần đầu tiên Trung Quốc xét xử vụ việc vợ chồng ly hôn bỏ bê con cái

Bích Ngọc

(Dân trí) - Vụ án đầu tiên liên quan tới việc cha mẹ bỏ bê con cái đã vừa được tòa án tại Trung Quốc đưa ra xét xử. Vụ việc thu hút sự quan tâm của truyền thông - dư luận nước này.

Lần đầu tiên Trung Quốc xét xử vụ việc vợ chồng ly hôn bỏ bê con cái - 1

Vụ án đầu tiên liên quan tới việc cha mẹ bỏ bê con cái đã vừa được tòa án tại Trung Quốc đưa ra xét xử. Vụ việc thu hút sự quan tâm của truyền thông - dư luận nước này (Ảnh: SCMP).

Tòa án tại huyện Thiên Tâm, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, vừa đưa ra quyết định xung quanh vụ việc một bé gái 9 tuổi bị cha mẹ bỏ bê sau ly hôn. Cô bé sống một mình bên người trông trẻ trong một căn hộ riêng rẽ, không có sự giám sát, chăm nom hàng ngày của cả cha lẫn mẹ.

Giờ đây, tòa án yêu cầu bé gái được đưa về sống với mẹ. Sau khi cha mẹ của cô bé ly hôn hồi tháng 8/2020, cô bé ban đầu ở với mẹ, nhưng người cha đã tới mang con gái đi, vì cho rằng nơi ở mới của hai mẹ con quá xa ngôi trường mà cô bé đang theo học.

Sau đó, người cha thuê một người trông trẻ toàn thời gian và giao cô con gái cho người này trông nom, chăm sóc toàn bộ. Cô bé 9 tuổi sống với người trông trẻ trong căn hộ riêng. Cả cha và mẹ của cô bé đều không sống gần căn hộ này. Người mẹ sau đó chỉ tới thăm con vào các cuối tuần.

Tòa án hiện yêu cầu bé gái được đưa về sống với mẹ và người mẹ có trách nhiệm phải tới trường của con gái ít nhất một tuần một lần để được biết về việc học của con ở trường đang diễn ra như thế nào.

Kể từ năm 2022 này, pháp luật Trung quốc bắt đầu đưa vào thi hành Luật Giáo dục Gia đình. Theo đó, các bậc cha mẹ phải là những người chăm sóc, nuôi dưỡng con cái một cách có trách nhiệm, nếu không thực hiện được điều ấy, cha mẹ sẽ phải chịu sự phán xử và hình phạt của pháp luật.

Luật này được đưa ra nhằm nâng cao hơn nữa hoạt động bảo vệ trẻ em tại Trung Quốc. Trước đây, cách chăm sóc, nuôi dưỡng con cái của các bậc cha mẹ tại Trung Quốc chủ yếu được xem là việc riêng tư của mỗi gia đình và thường pháp luật không can thiệp vào.

Nhưng vụ việc xoay quanh cô bé 9 tuổi ở Hồ Nam bị cha mẹ bỏ bê sau ly hôn là một vụ việc có tính chất tiên phong trong cách thức nhà chức trách Trung Quốc can thiệp vào việc nuôi nấng con cái của các bậc cha mẹ.

Lần đầu tiên Trung Quốc xét xử vụ việc vợ chồng ly hôn bỏ bê con cái - 2

Luật Giáo dục Gia đình được đưa ra nhằm mục đích chính là để các bậc cha mẹ ý thức rõ hơn về hành động của mình, làm sao để họ tạo nên một môi trường phát triển tốt đẹp, lành mạnh cho con nhỏ (Ảnh: SCMP).

Lệnh mà tòa án đưa ra trong vụ việc cô bé 9 tuổi sẽ có hiệu lực trong vòng một năm. Sau thời hạn đó, cha ruột của bé gái hoặc các người thân ruột thịt khác có thể đệ đơn yêu cầu có những sự thay đổi trong việc chăm sóc đứa trẻ, lúc đó, tòa án sẽ tiếp tục cân nhắc các điều kiện để đưa ra phán quyết tiếp theo.

Trong thời gian một năm tới, người mẹ có thể sẽ bị phạt bằng các hình thức cảnh cáo nhắc nhở, phạt tiền hoặc bị tạm giữ nếu không tuân thủ theo các yêu cầu của tòa án trong hoạt động chăm sóc con nhỏ.

Thẩm phán Zhou Dan - người đưa ra phán quyết trong vụ việc lần này khẳng định rằng Luật Giáo dục Gia đình được đưa ra nhằm mục đích chính là để các bậc cha mẹ ý thức rõ hơn về hành động của mình, làm sao để họ tạo nên một môi trường phát triển tốt đẹp, lành mạnh cho con nhỏ.

Thực tế, Trung Quốc đã có Luật Giáo dục Bắt buộc yêu cầu các bậc cha mẹ và người giám hộ phải đảm bảo trẻ nhỏ được đi học tối thiểu 9 năm trong chương trình giáo dục phổ thông cơ bản, Luật Bảo vệ Trẻ em yêu cầu cha mẹ và người giám hộ phải bảo vệ sức khỏe thể chất - tinh thần cho trẻ.

Điểm khác biệt ở Luật Giáo dục Gia đình lần này là các điều luật chú trọng tới cha mẹ và trách nhiệm của họ, nếu không thực hiện được trách nhiệm - nghĩa vụ của mình, các bậc cha mẹ sẽ bị pháp luật xử lý.

Bên cạnh việc xử lý những hành vi như bỏ bê hay bạo hành trẻ nhỏ, luật mới này cũng yêu cầu các bậc cha mẹ và người giám hộ giảm áp lực học tập đối với trẻ nhỏ, không bắt trẻ tham gia các lớp học thêm sau giờ học chính khóa.

Theo www.scmp.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm