Là đồ thừa của động vật, tại sao ngọc trai lại đắt đỏ đến như vậy?

(Dân trí) - Ngọc trai được coi là biểu tượng của sự quý phái cũng như đẳng cấp của giới thượng lưu suốt nhiều thế kỷ qua. Vậy điều gì thực sự tạo nên giá trị của thứ mà con người xem là đá quý, trong khi lại là “đồ bỏ” của động vật này?

Có không ít những bộ phận cơ thể hay thậm chí là thứ “đồ bỏ” của động vật lại rất quý giá với cuộc sống con người và thường sở hữu mức giá không tưởng!

Có thể điểm qua một vài loại như: bóng cá sủ vàng (được dùng để chế tạo chỉ tự tiêu trong y khoa) giá lên đến 1 tỷ/kg; máu con sam (điều chế chất phát hiện sự nhiễm khuẩn trong vaccine, các dụng cụ y tế) cũng là loại chất lỏng đắt nhất thế giới với giá lên đến 400 triệu đồng/lít; chất thải của cá Nhà Táng còn được biết đến với tên gọi Long Diên Hương (dùng trong ngành sản xuất nước hoa) đắt gấp 30 lần bạc về khối lượng; gần gũi và thân quen hơn chúng ta có ngọc trai, thứ được sử dụng làm đồ trang sức suốt hàng ngàn năm qua, thực chất cũng chỉ là một sản phẩm phát sinh trong cơ chế tự vệ của loài thân mềm.

Ngọc trai từng là thứ chỉ dành cho hoàng gia và tầng lớp quý tộc!

Ngọc trai được coi là biểu tượng của sự quý phái cũng như giới thượng lưu suốt nhiều thế kỷ qua. Các nhà cai trị của Ấn Độ hay các nữ hoàng ở châu Âu, thời kỳ trước, luôn có thói quen khóac lên mình một số lượng khổng lồ ngọc trai, như một thứ để biểu thị quyền uy.

Thậm chí, đến tận ngày nay, loại đá quý “hữu cơ” này vẫn không hề đánh mất ngôi vị của mình, khi luôn hiện diện trên thảm đỏ, những bộ váy cưới đắt tiền hay đơn giản là một món trang sức đeo thường này của phái đẹp.

Là đồ thừa của động vật, tại sao ngọc trai lại đắt đỏ đến như vậy? - 1

Năm 2018, mặt dây chuyển, với tâm điểm là một viên ngọc trai hình giọt nước cỡ lớn từng thuộc về nữ hoàng Pháp Marie Antoinette, đã được bán đấu giá với số tiền lên đến 32 triệu USD. Đây cũng chính là món trang sức ngọc trai đắt nhất thế thế giới. Bên cạnh những “siêu phẩm” như vậy, giá ngọc trai thông thường cũng đã ở mức không dành cho “phần đông” dân số. Vậy lý do nào đã khiến một thứ vô dụng với con trai lại trở nên đắt đỏ như vậy?

Là đồ thừa của động vật, tại sao ngọc trai lại đắt đỏ đến như vậy? - 2

Ngọc trai được hình thành như thế nào?

Ngọc trai hình thành thông qua cơ chế tự vệ của loài nhuyễn thể. Hiểu một cách nôm na: Khi có dị vật (thường là các sinh vật nhỏ,cát) lọt qua được lớp vỏ và xâm nhập vào phần thân mềm của các loài trai/sò, chúng sẽ tự tiết ra chất khoáng aragonit hoặc canxit được dính với nhau bởi chất hữu cơ conchiolin.

Sự kết hợp của hỗn hợp này tạo ra thứ được gọi là xà cừ. Nhiệm vụ của xà cừ là bao bọc lấy dị vật để dị vật không làm tổn thương cơ thể trai/sò, Quá trình phủ xà cừ này sẽ lặp đi lặp lại và lớn dần lên thành viên ngọc trai sáng bóng mà chúng ta thường thấy.

Là đồ thừa của động vật, tại sao ngọc trai lại đắt đỏ đến như vậy? - 3

Trước khi có công nghệ nuôi cấy ngọc, muốn thu thập ngọc trai, các thợ lặn phải mò xuống tận đáy sông, đáy biển bắt và kiểm tra từng con trai/sò một để tìm ngọc. Quy trình tìm ngọc này khiến ngọc trai tự nhiên là một sản vật thực sự quý hiếm và đắt đỏ. Theo ước tính, một mẻ 3 tấn trai/sò thường chỉ có 3-4 con là sở hữu viên ngọc hoàn hảo.

Ngọc trai chỉ thực sự trở nên phổ biến khi xuất hiện công nghệ nuôi cấy ngọc nhân tạo. Cũng bắt chước theo cơ chế hình thành ngọc trong tự nhiên, người ta sẽ chủ động cấy một dị vật gây kích thích, thường là mảnh vỏ trai, biểu mô của loài thân mềm vào cơ quan sinh dục của con trai. Sau một thời gian (khoảng 6 tháng) người ta sẽ tiến hành lấy viên ngọc, lúc này đã đạt kích cỡ mong muốn, và chế tác thành các món trang sức.

Là đồ thừa của động vật, tại sao ngọc trai lại đắt đỏ đến như vậy? - 4

Sự khác nhau giữa ngọc trai nuôi và ngọc trai tự nhiên

Có ngoại hình rất giống với ngọc trai tự nhiên, sản lượng dồi dào và đặc biệt là giá thành rẻ, nên trên thị trường hiện nay hầu hết ngọc trai đều là được nuôi cấy nhân tạo. Dẫu vậy, dù khó phân biệt bằng mắt thường (với người không chuyên), ngọc trai tự nhiên vẫn có những tố chất đặc biệt mà ngọc trai nuôi không thể nào bắt chước được.

Là đồ thừa của động vật, tại sao ngọc trai lại đắt đỏ đến như vậy? - 5

Sự khác biệt về đẳng cấp giữa 2 loại ngọc trai sẽ được phơi bày rõ ràng nhất dưới phim chụp X-quang:

  • Ngọc trai tự nhiên sẽ có kết cấu thành nhiều vòng đồng tâm (tương tự như các lớp của củ hành tây) và gần như 100% thành phần của nó đều là xà cừ.
  • Ở ngọc trai nhân tạo, chúng ta có thể nhìn thấy kết cấu 2 phần không đồng nhất là nhân (dị vật được cấy vào) và lớp xà cừ. Đáng nói hơn, lớp xà cừ ở ngọc trai nuôi chỉ tráng một lớp rất mỏng ở bên ngoài , điều này đồng nghĩa với việc một viên ngọc trai nuôi thực chất chỉ có một phần nhỏ là ngọc trai!
Là đồ thừa của động vật, tại sao ngọc trai lại đắt đỏ đến như vậy? - 6

Ngoài ra, ngọc trai nuôi sẽ phát triển theo hình dạng của nhân cấy. Do vậy, hầu hết các ngọc trai loại này rất đồng nhất về hình dáng, kích cỡ. Trong khi đó, ngọc trai tự nhiên lại khó có thể đạt hình tròn hoàn hảo, mà lại phát triển ngẫu nhiên theo đủ kiểu hình.

Các yếu tố định nghĩa giá trị của ngọc trai

Nguồn gốc

Từ những thông tin vừa được đề cập ở trên, có thể kết luận rằng, sự công phu trong việc tìm kiếm (ngọc trai tự nhiên) hay chế tạo (ngọc trai nuôi) là một trong những lý do chính tạo nên cái giá đắt đỏ của ngọc trai.

Kích cỡ

Nguồn gốc là yếu tố tạo nên sự chênh lệch đáng kể về giá của một viên ngọc trai. Một yếu tố khác cũng khiến giá của viên ngọc này có thể đắt hơn viên ngọc khác chính là kích cỡ.

Cũng như nhiều loại đá quý khác, ngọc trai càng lớn thì sẽ càng đắt. Theo các chuyên gia, kích cỡ của viên ngọc phụ thuộc chủ yếu vào kích thước cơ thể của con trai/sò tạo ra nó. Ngọc trai Akoya (Nhật Bản) chỉ có thể đạt đường kính 9-10 milimet. Trong khi đó, ngọc trai Nam Thái Bình Dương hay ngọc trai đen đảo Tahiti có thể đạt đến con số 15-16 milimet. Chính kích thước khủng cũng đã khiến hai loại ngọc trai này luôn xếp ở vị trí dẫn đầu về giá thành: Một chuỗi hạt làm từ ngọc trai Nam Thái Bình Dương có thể đạt mức giá 32.000 USD (khoảng 743 triệu đồng).

Là đồ thừa của động vật, tại sao ngọc trai lại đắt đỏ đến như vậy? - 7

Màu sắc

Chúng ta thường biết đến và nhìn thấy những viên ngọc trai có màu trắng. Tuy nhiên, trên thực tế dải màu sắc của loại đá quý này thực sự rất phong phú, gồm có: vàng, trắng, hồng, đen… Và màu sắc cũng chính là một nhân tố dùng để định giá ngọc trai.

Là đồ thừa của động vật, tại sao ngọc trai lại đắt đỏ đến như vậy? - 8

Màu sắc của một viên ngọc quyết định chủ yếu bởi loài trai/sò vật chủ. Ví dụ như ngọc trai đen Tahiti có màu đen là bởi bên trong loài trai Pinctada margaritifera có màu đen, màu đen của viên ngọc cũng không cố định mà có thể sáng hơn hay tối hơn phụ thuộc vào quy trình nuôi cấy. Ngoài ra, đối với ngọc trai nuôi vì người ta thường cấy mô sống của một con trai/sò khác để tạo ngọc, nên nhân cấy này cũng tác động vào đặc điểm màu sắc của viên ngọc.

Các yếu tố khác

 Ngoài các yếu tố kể trên, còn nhiều đặc điểm khác để xác định giá trị của một viên ngọc trai như: Hình dáng và bề mặt (viên ngọc càng tròn, bề mặt càng trơn láng thì càng đắt), cách viên ngọc phản xạ lại ánh sáng (viên ngọc càng sáng bóng thì càng đắt) và đôi khi là cả giá trị lịch sử!

Là đồ thừa của động vật, tại sao ngọc trai lại đắt đỏ đến như vậy? - 9

 Minh Nhật