"Lá chắn xanh" của người dân ven biển Tiền Giang
(Dân trí) - Với diện tích rừng phòng hộ ven biển lớn nhất tỉnh Tiền Giang, huyện Tân Phú Đông có tiềm năng phát triển kinh tế biển. Tán rừng phòng hộ ven biển cũng là kế sinh nhai của hàng nghìn hộ dân trong khu vực.
Trong đó, có hộ gia đình anh N.V.L (sinh năm 1985, ngụ ấp Phú Hữu, xã Phú Tân) với 7 người con đang tuổi ăn, tuổi học. Vợ ở nhà nội trợ, chăm sóc các con, anh L. kiếm sống nhờ bám biển, thu hoạch hải sản dưới những cánh rừng phòng hộ trong huyện. Những cánh rừng này mang lại nguồn lợi thủy sản phong phú, đang nuôi sống nhiều hộ gia đình trong khu vực.
Do điều kiện hạn chế, nên anh Lành cũng chỉ đánh bắt được gần bờ. "Khi nào bắt đủ số lượng thủy sản mà chúng tôi đề ra thì mới về. Cả ngày đánh bắt vất vả có hôm được nhiều tôm, cá, hôm nào ít lại cố làm thêm bởi ở nhà còn 7 miệng ăn đang trông chờ cả vào tôi" - anh L chia sẻ.
Gia đình anh Đ.M.H sống gần đó cũng có cùng sinh kế. Có ngày thuận buồm xuôi gió, anh H đi ghe đánh bắt được nhiều tôm, cá, mực, ghẹ,… sẽ trở về nhà trong ngày. Nhưng cũng có chuyến đi 2-3 ngày thu hoạch đủ số lượng thủy sản thuyền mới trở về bến. Anh H chia sẻ: "Cũng nhờ nguồn lợi tôm, cá từ những rừng ngập mặn mà tôi có công ăn, việc làm. Nhưng việc đánh bắt ngày càng khó khăn, thủy hải sản có dấu hiệu ngày càng suy giảm do tình trạng sạt lở khu vực ven biển và thời tiết bất thường. Điều này ảnh hưởng đến thu nhập của người dân bám biển như tôi".
Ngoài công việc đánh bắt thủy sản, vợ anh Hương còn chăn nuôi thêm bò, dê và nuôi quảng canh để tăng thu nhập cho gia đình.
Cùng với anh L, anh H, kế sinh nhai của nhiều người dân nơi đây nhờ vào đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Mong muốn góp phần làm phong phú cho hệ thực vật ven biển, vừa qua, chương trình Tết An Bình 2023: "Xanh an bình - xanh Việt Nam" do Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBANK) kết hợp cùng Trung tâm Truyền thông và Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường trao tặng 10.000 cây đước và cây phi lao tại 3 ha khu rừng phòng hộ ven biển thuộc xã Phú Tân (huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang).
Rừng phòng hộ ven biển là vành đai tự nhiên có vai trò quan trọng và có ý nghĩa lớn đối người dân ven biển. Không chỉ góp phần bảo vệ các hệ sinh thái, đây còn là "dải đê xanh" vững chắc, góp phần ngăn chặn rủi ro từ những cơn cuồng phong, bão tố; giúp người dân yên tâm hơn mỗi khi bão đến.
Không chỉ đối mặt với sạt lở, xâm ngập mặn, người dân nơi đây cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn nước sạch. Từ sau Tết là thời điểm địa phương bước vào mùa hạn mặn. 5 năm trở lại đây hạn mặn xâm thực cao, kéo dài từ 6-7 tháng, lượng nước dự trữ trong năm không đủ để người dân sinh hoạt.
Trong khuôn khổ chương trình Tết An Bình 2023, ABBANK cũng đã đóng góp thêm 5 km đường ống nước sạch (nước máy) cho 136 hộ dân chưa tiếp cận được với nguồn nước máy của 2 xã này do khu vực nhà ở xa đường ống chính. Điều này giúp giảm bớt khó khăn trong sinh hoạt và sản xuất của người dân ở những nơi thiếu nước sạch, nhất là trong mùa hạn mặn.
Đại diện ABBANK cho biết, Tết An Bình 2023 tại huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang đã tiếp nối thêm "Hành trình gieo mầm hạnh phúc" của chương trình sau 13 năm thực hiện. Các hoạt động của chương trình được lựa chọn theo tôn chỉ không chỉ đơn thuần là mang một cái Tết ấm Tết no đến với các gia đình nhỏ, mà còn hướng tới sự ổn định và phát triển kinh tế trong lâu dài, góp phần làm thay đổi cuộc sống của bà con.
"Tặng cây xanh để hỗ trợ lợi ích kinh tế và bảo vệ cuộc sống cho người dân ở những khu vực cần sự giúp đỡ là món quà thiết thực và hướng đến lợi ích lâu dài đối với sự phát triển của một địa phương. Cho đến nay, ABBANK đã duy trì hoạt động này được ba năm liên tiếp theo lời kêu gọi của Chính phủ. Chúng tôi kỳ vọng sự chung tay này sẽ góp phần lan tỏa điều tốt đẹp đến với cộng đồng không chỉ bằng những thông điệp suông", bà Nguyễn Thị Hương - Phó tổng Giám đốc ABBANK chia sẻ.