Quảng Nam:

“Kỹ sư hai lúa” với những cải tiến sáng tạo hữu ích cho nông dân

(Dân trí) - Dù chưa qua trường lớp đào tạo nào nhưng ông đã tự mày mò nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật cho nhiều loại máy nông nghiệp giúp giảm sức lao động cho nông dân, giá thành rẻ, phù hợp điều kiện thực tế.

Đến thôn Bình Thạnh (xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam), hỏi về ông Nguyễn Khủng, tên thân mật là Ba Khủng thì ai cũng biết và khâm phục tài cải tiến các loại máy móc nông nghiệp của ông.

“Kỹ sư hai lúa” với những cải tiến sáng tạo hữu ích cho nông dân - 1

Ông Nguyễn Khủng bên máy tuốt đậu đang được ông cải tiến để giao cho khách hàng, máy đảm bảo đậu khi tuốt không văng ra ngoài, sạch sẽ hơn

Ông Khủng kể lại, có lần đến huyện Thăng Bình, thấy người ta làm máy tuốt lúa cải tiến từ máy tuốt tự đạp sang gắn máy nổ, ông mày mò học và tìm hiểu thêm những ưu khuyết điểm của nó khi sử dụng vào thực tế.

Với sự cố gắng học hỏi của bản thân, sau một thời gian ông Khủng đã học được một số kỹ năng, đồng thời khắc phục được những nhược điểm của loại máy tuốt lúa ở Thăng Bình lúc bấy giờ, rồi ông vừa làm vừa sử dụng vào thực tế cho ruộng nhà mình. Thấy ổn định ông mạnh dạn đầu tư chế tạo thêm nhiều tính năng mới dùng thử nghiệm, phục vụ gia đình và người quen trong vùng khi có nhu cầu.

“Kỹ sư hai lúa” với những cải tiến sáng tạo hữu ích cho nông dân - 2

Thùng đựng lúa có đường trượt đưa lúa ra ngoài mà không cần tốn nhiều sức được ông chế tạo phục vụ gia đình và những người có nhu cầu

“Ban đầu thấy người ta làm, mình cũng tò mò và học hỏi về thử, nhưng cũng chưa hiệu quả. Có nhiều lúc cặm cụi cả đêm ngoài đồng ruộng, khi đó còn sử dụng các loại máy nổ to, cồng kềnh, bộ phận chuyển động phức tạp, không khớp nên tuốt bị quấn lúa liên tục... Sau nhiều lần thử nghiệm, sửa chữa tại chỗ đã khắc phục những nhược điểm, tôi tìm mua các loại đồ phế liệu để chế lại và cho ra loại máy tuốt lúa hoàn hảo hơn, được người quanh vùng biết đến, đặt mua”, ông Khủng chia sẻ.

“Kỹ sư hai lúa” với những cải tiến sáng tạo hữu ích cho nông dân - 3

Dụng cụ đánh luống trên ruộng lúa trước khi gieo hạt được ông chế tạo để phục vụ nông nghiệp

Năm 1998, ông Khủng đầu tư vốn, tạo dựng mặt bằng, mở xưởng tại ngã tư Tú Bình (xã Tam Vinh) sản xuất các loại máy nông cụ. Bước đầu sản xuất, mỗi tháng ông Khủng nhận 3-4 đơn hàng về máy tuốt lúa, mỗi chiếc máy sau khi xuất xưởng có giá 2 triệu đồng (giá thị trường trên 3 triệu đồng).

Ngoài ra, ông còn nghiên cứu cải tiến máy tuốt đậu, bắp có tính ưu việt hơn so với các loại máy trên thị trường, đảm bảo hạt khi tuốt không bị văng ra ngoài, sạch sẽ hơn.

“Kỹ sư hai lúa” với những cải tiến sáng tạo hữu ích cho nông dân - 4

Xưởng rộng chừng 20m² là nơi để ông Khủng đam mê chế tạo, cải tiến máy móc, dụng cụ phục vụ nông nghiệp

Với quyết tâm cao và kinh nghiệm tích lũy được trong sản xuất, những lô sản phẩm làm ra có chất lượng ngày một tốt hơn, được khách hàng tin dùng, nhiều đơn đặt hàng đến từ các huyện lân cận như Trà My, Duy Xuyên, Núi Thành... Hàng sản xuất ra tiêu thụ thuận lợi, mỗi tháng ông Khủng nhận hơn 10 chiếc máy tuốt lúa, chưa kể máy tuốt các loại nông sản khác.

“Tôi sản xuất máy đều phải qua trải nghiệm thực tế, sửa chữa, cải tiến ngay trên đồng ruộng để biết được và khắc phục nhược điểm máy, đảm bảo người dân mua về dễ dàng sử dụng”, ông Khủng nói.

“Kỹ sư hai lúa” với những cải tiến sáng tạo hữu ích cho nông dân - 5

Ông Khủng bên những chiếc máy được cải tiến trước khi giao cho khách

Tuy nhiên, hiện các loại máy đập lúa liên hợp đang được sử dụng rộng rãi tại vùng đồng bằng nên ông Khủng dự tính sẽ mở rộng thị trường lên các huyện vùng cao Quảng Nam và lân cận, với việc canh tác ruộng bậc thang nên các loại máy cải tiến của ông sẽ rất phù hợp.

“Hiện nay, máy đập lúa liên hợp được người dân sử dụng nhiều nên hàng tôi làm ra không phù hợp với vùng đồng bằng nữa. Tôi đang cải tiến thêm máy, đảm bảo gọn nhẹ, công suất lớn, giá thành phù hợp túi tiền nông dân để đưa đi tiêu thụ tại các huyện vùng cao thường canh tác ruộng bậc thang.

Ưu điểm của máy cải tiến này là có thể tháo rời, dễ dàng lắp đặt, nếu gặp trời mưa cũng không phải tháo sàn dưới, lúa vẫn ở trên máy đảm bảo sạch sẽ, tiện lợi… Bên cạnh đó, tôi tận dụng các nguồn từ sắt, nhôm… phế liệu nên giá thành rẻ hơn, các mối hàn chắc chắn nên sử dụng sẽ lâu dài”, ông Khủng cho biết thêm.

Ngoài ra, các máy tuốt đậu, bắp hay công cụ đánh luống và nhiều loại nông cụ khác được ông Khủng mày mò nghiên cứu, cải tiến và chế tạo đang giúp ích rất nhiều cho việc đồng áng của người dân trong và ngoài địa phương.

Trong cuộc sống đời thường, ông Khủng luôn gương mẫu, vận động con cháu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, ông thường xuyên hưởng ứng việc làm từ thiện như giúp đỡ những hộ nghèo, khó khăn; tích cực ủng hộ các khoản đóng góp do chính quyền, đoàn thể vận động trong năm. Nhiều lao động có nhu cầu học nghề ông sẵn sàng hướng dẫn và tạo điều kiện mở xưởng làm ăn.

Ông Lê Văn Nguyên - Trưởng ban đại diện Người cao tuổi huyện Phú Ninh cho biết: “Phát huy vai trò “Tuổi cao gương sáng”, ông Nguyễn Khủng gương mẫu tham gia lao động sản xuất, là tấm gương tiêu biểu làm kinh tế, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Gia đình ông nhiều năm liền được công nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu cấp xã, cấp huyện; là hội viên tiêu biểu làm kinh tế giỏi, ông Khủng được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen do có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi”.

Công Bính-Ngô Linh