Kỳ lạ cụ bà gần 90 tuổi vẫn vá xe mưu sinh bên vỉa hè Hà Nội

(Dân trí) - Dù đã gần 90 tuổi, nhưng cụ Vân vẫn giữ được thần thái tinh nhanh, khỏe mạnh. Hàng ngày dù nắng hay mưa cụ cũng đều đặn xách đồ nghề mưu sinh bên góc đường Đê La Thành bằng công việc bơm vá, sửa chữa xe.

Sinh năm 1928, năm nay đã gần 90 tuổi thế nhưng cụ bà Nguyễn Thị Vân (Đê La Thành – Hà Nội) vẫn hàng ngày đều đặn, mưu sinh bằng nghề sửa chữa, vá xe bên vỉa hè Hà Nội. Đồ nghề của cụ chỉ đơn giản là một cái bơm cũ kỹ, một hộp nhỏ đựng kìm, búa và dăm miếng xăm, lốp xe. Hàng ngày, cụ thường dậy từ 4h sáng, dành thời gian tập thể dục rồi mới chuẩn bị đồ đạc, mở hàng.

Nói về công việc đặc biệt của mình, cụ cười móm mém cho biết, học “lỏm” nghề sửa chữa xe từ người chồng quá cố. Trước đây, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên hai vợ chồng cụ Vân lặn lội từ Nam Định lên Hà Nội mưu sinh bằng đủ nghề kiếm sống. Đến khoảng năm 1996 thì ông bà “dắt díu” nhau chọn góc vỉa hè bên đường Đê La Thành để mở quán sửa chữa xe cho khách qua đường.

Dù mưa hay nắng, cụ Vân vẫn đều đặn xách đồ nghề mưu sinh bằng công việc bơm vá xe bên góc đường Đê La Thành. (Ảnh: Hà Trang)
Dù mưa hay nắng, cụ Vân vẫn đều đặn xách đồ nghề mưu sinh bằng công việc bơm vá xe bên góc đường Đê La Thành. (Ảnh: Hà Trang)

Cụ Vân để đồ nghề trong muốn chiếc làn nhựa để tiện việc di chuyển. (Ảnh: Hà Trang)
Cụ Vân để đồ nghề trong muốn chiếc làn nhựa để tiện việc di chuyển. (Ảnh: Hà Trang)

Cụ Vân kể, khi ấy cụ chủ yếu bán nước, còn chồng mới là thợ chính. Tuy nhiên, thỉnh thoảng phụ giúp ông lấy đồ nghề, rồi quan sát cách ông sửa xe, cụ cũng học luôn được “bí quyết nhà nghề”. Sau này, khi chồng mất, cụ Vân vẫn duy trì công việc này như một thói quen, niềm vui sống mỗi ngày. “Tôi ngồi đây đã hàng chục năm, ngày nào cũng mang đồ nghề ra sửa. Mưa gió cũng đội áo mưa ra, mùng 1 tết cũng ra… Ngày nào không đi làm là thấy buồn chân, buồn tay, không làm được việc gì ra hồn…”, cụ Vân tâm sự.

Đồ nghề của cụ Vân đơn giản là một chiếc bơm cũ kỹ, dăm miếng vá xe và búa, kìm. (Ảnh: Hà Trang)
Đồ nghề của cụ Vân đơn giản là một chiếc bơm cũ kỹ, dăm miếng vá xe và búa, kìm. (Ảnh: Hà Trang)
Dù đã gần 90 tuổi nhưng cụ vẫn thuần thục bơm, vá xe không khác gì thợ lành nghề, chuyên nghiệp. (Ảnh: Hà Trang)
Dù đã gần 90 tuổi nhưng cụ vẫn thuần thục bơm, vá xe không khác gì thợ lành nghề, chuyên nghiệp. (Ảnh: Hà Trang)

Vài năm trước, khi lượng xe đạp còn đông đúc, công việc của bà Vân có phần thuận lợi hơn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hàng quán mọc lên nhiều, lượng khách cũng thưa thớt hẳn. Mỗi ngày, may mắn lắm mới có 2, 3 khách sửa hoặc bơm vá. Lượng khách ít ỏi, nên một tháng thu nhập của cụ Vân từ công việc này chỉ được khoảng 1,5 triệu đồng. Số tiền ấy, một phần cụ đưa phụ con cái tiền ăn, một phần tích cóp phòng khi đau ốm. “Tháng nào cũng chỉ được bằng ấy, nhưng chục năm qua, tôi chịu khó tiết kiệm nên cũng để ra được một khoản”, cụ cười tủm tỉm khoe.

Cụ Vân hào hứng cho biết, hàng chục năm bán hàng ở góc vỉa hè cụ chưa bao giờ bị trả nhầm tiền cho khách. (Ảnh Hà Trang)
Cụ Vân hào hứng cho biết, hàng chục năm bán hàng ở góc vỉa hè cụ chưa bao giờ bị "trả nhầm" tiền cho khách. (Ảnh Hà Trang)

Dù đã gần 90 tuổi nhưng cụ Vân vẫn giữ được thần thái tinh nhanh, khỏe mạnh. Cụ khoe, chưa bao giờ bị “lẫn”, tiền hàng khách trả dù mệnh giá lớn đến đâu, cụ cũng tính toán chính xác, trả lại “không thừa, không thiếu một đồng”.

“Nhiều vị khách sửa xe, thấy tôi tuổi cao cũng tỏ ra ngạc nhiên, bất ngờ. Họ không tin là tôi đủ sức khỏe, minh mẫn để làm nghề này. Có lần, một anh thanh niên vá xe hết có mười mấy nghìn nhưng lại đưa tờ 500.000 nghìn “đố” tôi trả đúng. Đến khi nhận tiền thừa, anh này phải ngả mũ bái phục”, cụ Vân hào hứng kể.

Như để minh chứng, cụ Vân nhanh nhẹn, thuần thục “làm mẫu” một chiếc xe bị hỏng, khách gửi từ trưa cho chúng tôi thực nghiệm tay nghề của mình. Chỉ trong tíc tắc, cụ thoăn thoắt tháo xăm xe, dò vết thủng trong chậu nước mà không gặp bất cứ khó khăn gì. Xong đâu đấy, cụ Vân còn cẩn thận dắt xe cho khách vào ven đường một cách chuyên nghiệp không hề thua kém bất cứ thợ lành nghề nào. Cụ bảo, thế này vẫn chưa thấm tháp gì, mỗi ngày cụ vẫn đều đặn chống đẩy từ 20 – 30 cái và có thể đi bộ hàng km mà không biết mỏi chân, nhức gối là gì.

Cụ Vân có 4 người con ( hai trai, hai gái) và đều đã lập gia đình, tuy nhiên hoàn cảnh kinh tế cũng không khá giả gì. Thấy các con vất vả kiếm tiền nuôi con cái ăn học nên cụ không muốn mình trở thành gánh nặng. Phần khác, cụ quan niệm còn sức khỏe là còn phải làm việc, lao động. Chính vì thế, hàng chục năm gắn bó với công việc nặng nhọc, vất vả này, cụ chưa bao giờ thấy chạnh lòng hay buồn tủi.

Nhiều lúc, thương cụ Vân vất vả, con cháu trong nhà cũng ngỏ lời, mong cụ bỏ việc để có thời gian nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng nhưng cụ gạt đi ngay. “Mỗi ngày, ra đây được trò chuyện với mọi người, quan sát cuộc sống, phố phường còn thấy mình đang sống, mình có ích. Ngồi một chỗ, sức khỏe sẽ kém ngay mà đầu óc sao minh mẫn nổi. Chỉ khi nào tôi nằm liệt giường, không dậy nổi mới từ bỏ, bằng không cứ còn sức khỏe là tôi còn gắn bó với công việc này”, cụ nói.

Hà Trang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm