Khu vườn đặc biệt của người phụ nữ Việt lấy chồng thuộc bộ tộc kỳ lạ ở Mỹ
(Dân trí) - Kinh tế gia đình của vợ chồng chị Nhi hiện chủ yếu trông chờ vào mảnh vườn nhỏ này. Mỗi tuần 2-3 lần, họ mang rau, quả tới các phiên chợ nông sản để bán.
Chị Yến Nhi (35 tuổi, quê Kiên Giang) hiện sống cùng chồng - anh John Lapp (39 tuổi) - ở bang Tennessee, Mỹ.
Chồng chị Yến Nhi vốn là một thành viên của cộng đồng người Amish - bộ tộc từ chối thế giới hiện đại, lựa chọn lối sống tối giản. Họ chủ yếu đi lại bằng xe ngựa, không dùng điện, không sở hữu ô tô, không xem tivi...
Mặc dù đã rời bỏ cộng đồng từ năm 2018 nhưng anh John Lapp vẫn duy trì nhiều thói quen của bộ tộc.
Ngoài việc tự xây dựng một ngôi nhà bằng kỹ thuật làm nhà gỗ của người Amish, anh John còn kiến tạo một khu vườn xanh tươi để phục vụ lối sống tự cung tự cấp của gia đình.
Khu đất của vợ chồng chị Nhi rộng khoảng 8ha. Ngoài phần đất xây nhà, họ dành phần lớn diện tích để làm vườn.
Khu vườn là nơi cung cấp nguồn nông sản giúp vợ chồng anh chị có thu nhập mỗi ngày. Dù sinh sống ở đất nước hiện đại bậc nhất thế giới nhưng anh chị lựa chọn cách làm nông nghiệp theo lối truyền thống, chủ yếu dựa vào sức người.
Người Amish coi nông nghiệp là nền tảng cơ bản trong cuộc sống. Ảnh hưởng từ điều này, vợ chồng chị Nhi lựa chọn canh tác hữu cơ theo hướng nông nghiệp bền vững. Họ mua phân bò về bón vườn, bào mùn cưa để rải lên luống ngăn cỏ...
Trong vườn, chị Nhi trồng nhiều loại rau, củ, quả như dâu tây, bí ngòi, cà chua, bắp cải, củ dền, rau xanh… Các loại rau, quả chị trồng có thể ăn trực tiếp luôn tại vườn vì luôn sạch, không dùng thuốc trừ sâu.
Đặc biệt, chị trồng thêm hoa oải hương để làm nến hoặc bán hoa khô trang trí. Đây là mặt hàng được nhiều người dân trong vùng ưa thích.
Ngoài khu vườn ngoài trời được chia thành các ô, đóng khung gỗ và chia tầng như ruộng bậc thang, vợ chồng chị Nhi còn dựng một vườn rau trong nhà để chăm bón các loại cây giống, cây con, rau mầm.
Chị Nhi kể, thời điểm khó khăn nhất với họ khi chuyển về nhà mới là cuối năm 2022, bang Tennessee gặp phải trận khô hạn lịch sử.
Ngôi nhà của gia đình chị nằm trên khu đất vốn là rừng nguyên sinh cũ, thưa vắng người sinh sống. Trong khu vực này, không phải gia đình nào cũng kết nối được với hệ thống nước sạch của công ty địa phương.
Gia đình chị Nhi từng đào giếng khoan nhưng nước bị phèn không thể sử dụng. Họ đành chuyển qua mua bồn chứa nước mưa và tận dụng thêm nước suối.
Song dù sử dụng tiết kiệm nhưng nguồn nước mưa vẫn dần cạn kiệt. Con suối gần nhà cũng không có nước. Cà chua trồng trong vườn không ra trái. Nhìn mảnh vườn xơ xác, vợ chồng chị Nhi nản lòng.
Không có nước, nhiều ngày cả gia đình không tắm, đồ cũng không giặt được. May mắn khi đó họ được một vài người sống trong nhà thờ gần đó giúp đỡ, mời tới ăn cơm và đem đồ qua giặt giũ.
Trải qua những ngày tháng khổ sở vì thiếu nước, vợ chồng chị Nhi đã đào thêm những chiếc ao. Đây là nơi chứa nước để gia đình trồng cây.
Kinh tế của vợ chồng chị Nhi hiện chủ yếu trông chờ vào mảnh vườn nhỏ này. Mỗi tuần 2-3 lần, họ mang rau, quả tới các phiên chợ nông sản để bán.
Người phụ nữ còn tự chế ra một loại sốt mè đen chuyên để trộn salad. "Tôi đặt tên sốt này là sốt châu Á. Loại sốt được khá nhiều người địa phương yêu thích vì thế tôi cũng có thêm thu nhập cho gia đình", chị Nhi kể.
Tính trung bình, họ thu được khoảng 400-800USD/tuần, tùy vào lượng nông sản bán ra. Hằng tuần, vợ chồng chị Nhi thay nhau đi chợ để bán các nông sản do tự tay mình trồng.
Ngoài việc lựa chọn lối sống nông nghiệp, cặp vợ chồng Việt - Mỹ còn học các bí quyết bảo quản thực phẩm, rau củ quả theo cách của người Amish để trữ các loại thực phẩm từ 2 đến 3 năm mà không cần tới tủ lạnh.
Họ cũng không sử dụng tivi trong nhà vì cho rằng xem tivi rất mất thời gian. Cả hai hạn chế đến bệnh viện, chữa bệnh bằng thảo dược.
Lựa chọn lối sống tối giản, mưu sinh dựa vào nông nghiệp, Yến Nhi không giống với hình ảnh "phụ nữ Việt lấy chồng ngoại quốc" ăn sung mặc sướng, tận hưởng cuộc sống hiện đại trong tưởng tượng của nhiều người.
Tuy nhiên, Yến Nhi lại cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống hiện tại của mình. Cô học được phong cách sống và các thói quen tốt từ chồng, sống thân thiện với môi trường, phát triển bản thân nhưng không làm tổn hại đến tự nhiên.