Đắk Nông:

Khổ như… dân tái định cư

(Dân trí) - Sau 7 năm chuyển về khu tái định cư, người dân xã Đắk Plao vẫn phải sống trong cảnh thiếu đất sản xuất và không nước sạch. Cuộc sống khó khăn khiến nhiều người phải rời quê đi nơi khác kiếm sống.

Từ Quốc lộ 28, một con đường nhỏ đầy ổ voi, ổ gà dẫn chúng tôi đến khu tái định cư xã Đắk P’lao, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông. Khu tái định cư (KTĐC) thuộc dự án di dời dân xã Đắk P’lao cũ để xây dựng nhà máy thủy điện Đồng Nai 3. Tất cả người dân trong xã đã được bố trí nhà ở, thế nhưng gần 7 năm trôi qua, người dân KTĐC này lại phải “sống mòn” vì thiếu đất sản xuất và không có nước sạch.


Đất dốc, bạc màu và sỏi đá nên nhiều người để mặc không canh tác

Đất dốc, bạc màu và sỏi đá nên nhiều người để mặc không canh tác

Là một trong những người tự nguyện giao lại đất để phục vụ công trình thủy điện, cũng là người đầu tiên dọn về KTĐC sinh sống, nhưng 7 năm qua là chuỗi ngày dằn vặt, bực bội đối với anh Nguyễn Văn Tuấn (ngụ thôn 3). Anh Tuấn cho biết, phần lớn đất sản xuất của gia đình đều nằm trong diện thu hồi, tuy nhiên vẫn còn hơn 2 hecta vườn cà phê không bị ngập. Vì chưa nhận hết tiền đền bù nên gia đình anh muốn quay về làm để trang trải cuộc sống nhưng thủy điện không cho.

Người đàn ông này nói giọng bức xúc: “Tôi đã hy sinh nơi ở, vườn rẫy tại xã Đắk P’lao cũ để di chuyển về khu tái định cư sống, nhưng từng ấy năm trôi qua địa phương cũng không cấp cho tôi đất để tôi sản xuất. Trong khi nhà có 5, 6 miệng ăn nên tôi đề nghị được canh tác trên diện tích đất không bị ngập, vậy mà họ lại cho người khác làm”.

Góp thêm vào câu chuyện thiếu đất, chị H’Sợp (ngụ thôn 3) ngao ngán: “Ngày xưa khi chính quyền đi vận động, cứ nói hay rằng về nơi ở mới không thiếu đất đâu, đất lại tốt nữa. Vậy mà bây giờ vẫn chưa nhận được đất sản xất, có cục đất ném chim, đuổi gà mà cũng thiếu…”.


Nhà thiếu nước, người dân phải ra đập nước đục ngầu để tắm, giặt

Nhà thiếu nước, người dân phải ra đập nước đục ngầu để tắm, giặt

Lý giải về việc này, chị H’Sợp cho biết, xã quy định mỗi gia đình bốc thăm để nhận 4 sào đất. Ngày bắt đầu canh tác trên mảnh đất mà mình bốc được, thì người bên một công ty TNHH lại nói rằng đất đó thuộc về họ nên không cho gia đình chị gieo trồng trên mảnh đất đó. “Sử dụng hết tiền đền bù nên chồng phải đi làm thuê, còn tôi ở nhà lo việc con cái. Ở đây nhà nào cũng vậy, cuối năm hầu như cả làng đi nơi khác làm thuê, trong làng chỉ toàn phụ nữ, người già và trẻ con”, chị này cho hay.

Ông K’Tam, Phó chủ tịch UBND xã Đắk Plao thông tin: “Nhà nước bàn giao cho chính quyền xã, cấp cho mỗi hộ 4 sào đất, nhưng một số hộ chưa nhận được là do bốc phải mảnh đất đang tranh chấp với người dân xã Quảng Khê. UBND huyện Đắk Glong chưa giải quyết việc đền bù cho phía xã Quảng Khê nên người dân xã Đắk P’lao chưa thể để canh tác được”.

Không chỉ thiếu đất sản xuất, mà cả trăm hộ dân nơi đây còn chịu cảnh “khát” nước sinh hoạt, buộc phải dùng nguồn nước nhiễm phèn hoặc nước trong các hồ chứa tự nhiên.


Mỗi nhà được xây dựng một chết chứa nước nhưng lúc nào cũng khô hanh, để không

Mỗi nhà được xây dựng một chết chứa nước nhưng lúc nào cũng khô hanh, để không

Anh K’Song (ngụ thôn 1) xót xa, người dân trong bon luôn sống trong cảnh thiếu nước. Nhà nào có điều kiện thì bỏ tiền ra mua nước sinh hoạt với giá 50-100 ngàn/m3, nhà nào không có tiền đành ra hồ nước đục ngầu để lấy nước sinh hoạt. “Từ ngày về khu tái định cư chưa một lần nào mà bể nhà tôi chứa đầy nước, quanh năm suốt tháng khô cằn, may ra mùa mưa thì còn có nước ướt bể. Giờ chỉ mong chính quyền đầu tư cho một cái bể nước công cộng để cả làng được dùng, đỡ phải đi xa gánh nước về…” anh K’Song tâm sự.

Tương tự, năm 2011 gia đình ông K’Lanh (ngụ thôn 2) được Ban Quản lý Dự án thủy điện 6 hỗ trợ khoan giếng phục vụ nguồn nước cho sinh hoạt. Tuy nhiên, do nước giếng khoan khi bơm lên có nhiều phèn, mặc dù đã qua một hệ thống lọc nhưng nước vẫn có mùi tanh, thường nổi váng sau khi đun nấu nên ông phải dùng đến nguồn nước trong hồ chứa tự nhiên. Đây cũng là nguồn nước sử dụng cho ăn uống, tắm giặt của nhiều hộ gia đình.

Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ tịch UBND xã Đắk P'lao cho biết, hiện nay bà con trên địa bàn xã đang sử dụng nguồn nước từ các giếng đào và giếng khoan. Trước đây dự án Thủy điện Đồng Nai 3 cũng khoan giếng cho các hộ dân trong bon, 7 hộ chung một giếng, nhưng 71 giếng, có giếng không hề có nước, một số giếng khác thì nhiễm phèn quá nặng, người dân không thể sử dụng được. Trước tình trạng đó, địa phương đã báo cáo với huyện để có hướng xử lý, giúp bà con có nguồn nước bảo đảm chất lượng phục vụ sinh hoạt hằng ngày.

Trẻ em trong làng phải đi cả cây số mới lấy được nước về ăn uống
Trẻ em trong làng phải đi cả cây số mới lấy được nước về ăn uống

Được biết, vấn đề thiếu đói và nguy cơ tái nghèo đã và đang hiện hữu trước mắt. So với năm 2010, hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã Đắk Plao đã tăng lên hơn 16%, chiếm 66,8% dân số toàn xã.

Ngoài những lo lắng về đất đai, nguồn nước, từ ngày về KTĐC sinh sống, người già trong làng luôn canh cánh nỗi lo về bản sắc văn hóa. Vất vả mưu sinh nên dường như thế hệ trẻ đồng bào Mạ đã quên đi những giá trị văn hóa đã tồn tại hàng trăm năm nay.

Già làng K’Sôr (57 tuổi, bon B’Tong) chia sẻ : “Từ khi về KTĐC, chỉ đúng 2 lần tôi cùng các nghệ nhân khác sử dụng nhạc cụ truyền thống để biểu diễn nhân ngày kỉ niệm 10 năm thành lập huyện. Trước kia lúc còn ở xã cũ, mỗi khi rảnh rỗi, tôi hay dạy cho con cháu cách đánh cồng chiêng, nhưng bây giờ, cuộc sống khó khăn, gia đình tôi cũng phải bán đi dàn cồng chiêng duy nhất trong nhà để đổi lấy một con trâu… Nhiều lúc muốn dạy cho bọn trẻ trong làng nhưng cũng chẳng đứa nào còn thiết tha với nhạc cụ này”.

Còn đối với ông lão K’Yong (59 tuổi, bon P’Lao), cồng chiêng, khung cửi, thổ cẩm hay rượu cần… chỉ còn trong ký ức. Từ khi về đây, dân làng gần như đã bỏ quên phong tục mình, cưới hỏi, đám hội gì cũng không thấy mặc đồ truyền thống, cũng không còn sự có mặt của cồng chiêng, trong khi khung cửi cũng mang cất vào xó bếp.

Dương Phong- H’Dơng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm