Huyện nghèo và nỗi ám ảnh mang tên HIV

(Dân trí) - Theo thống kê chưa đầy đủ của cán bộ Trung tâm y tế huyện thì lũy tiến đến năm 2015, toàn huyện Quế Phong (Nghệ An) có hơn 1.700 bệnh nhân nhiễm HIV. Quế Phong là địa phương đứng sau thành phố Vinh về số lượng người nhiễm "H" của tỉnh Nghệ An.

 

Ông Sầm Văn Lâm - Trưởng phòng kiểm soát dịch bệnh HIV/AIDS Trung tâm y tế huyện Quế Phong: Lũy tiến đến nay, Quế Phong có khoảng 1.700 người nhiễm HIV, hiện có hơn 700 người đang điều trị ARV tại Trung tâm y tế huyện.
Ông Sầm Văn Lâm - Trưởng phòng kiểm soát dịch bệnh HIV/AIDS Trung tâm y tế huyện Quế Phong: "Lũy tiến đến nay, Quế Phong có khoảng 1.700 người nhiễm HIV, hiện có hơn 700 người đang điều trị ARV tại Trung tâm y tế huyện".

Cách đây 4 năm chúng tôi đã có bài phản ánh về tình trạng nhiễm HIV ở huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An). 4 năm trước, người dân ở đây vẫn chưa có nhận thức rõ ràng về căn bệnh thể kỷ này, đến nỗi, họ hồn nhiên nghĩ HIV chỉ là con sâu nằm trong bụng khiến mình ốm yếu, phải uống rượu thật nhiều để đuổi con sâu đi (?). Không có kiến thức sơ đẳng về căn bệnh này bởi vậy kiến thức phòng chống lây lan dịch bệnh cũng chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Vậy nên cái vòng luẩn quẩn chồng nhiễm "H" lây cho vợ. Vợ nhiễm "H" truyền sang con cứ diễn ra như con suối chảy từ trên nguồn về.

4 năm quay lại, câu chuyện về căn bệnh thế kỷ này vẫn ám ảnh chúng tôi bởi nó vẫn như một cơn lốc càn quét qua các bản nghèo, để lại những phận đời đắng đót, thê lương. Ông Sầm Văn Lâm – Trưởng khoa kiểm soát dịch bệnh HIV/AIDS, Trung tâm y tế huyện Quế Phong nhẩm tính, từ khi bệnh nhân nhiễm HIV đầu tiên của huyện được phát hiện cho đến nay thì Quế Phong có hơn 1.700 bệnh nhân HIV. Hiện có hơn 700 người đang điều trị ARV tại trung tâm.

“5 năm trước thì bệnh nhân nhiễm HIV của Quế Phong xếp áp chót toàn tỉnh nhưng đến nay thì số bệnh nhân HIV/AIDS của huyện xếp thứ 2 toàn tỉnh, chỉ sau thành phố Vinh. Cách đây 2 năm tình trạng nhiễm HIV có chững lại nhưng sau đó lại tiếp tục tăng cao. Số lượng người nhiễm HIV hiện đã được kiểm soát bởi đội ngũ nhân viên Trung tâm được cấp kinh phí về tận từng thôn bản để làm xét nghiệm sàng lọc tại chỗ”, ông Lê Quang Trung – Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Quế Phong cho hay.

Lữ Thị H. bị lây nhiễm HIV từ chồng. Hiện H. đang được điều trị ARV tại Trung tâm y tế huyện Quế Phong.
Lữ Thị H. bị lây nhiễm HIV từ chồng. Hiện H. đang được điều trị ARV tại Trung tâm y tế huyện Quế Phong.

Lữ Thị H. (bản Kim Khê, Châu Kim, Quế Phong) mới 21 tuổi nhưng vất vả, lam lũ cộng với căn bệnh “H” tàn phá cơ thể khiến H. như người phụ nữ đã bước qua tuổi 30. Hà Văn H. – chồng cô bị nhiễm HIV sau một lần dùng chung kim tiêm với bạn nghiện. Không biết mình bị nhiễm căn bệnh thế kỷ nên Hà Văn H. lây bệnh sang cho vợ.

“Hôm bác sỹ thông báo bị nhiễm HIV em sợ quá chỉ biết khóc, chồng em cũng suy sụp lắm. Em nghĩ bị “ết” thì chắc là chết rồi nhưng các anh chị ở trung tâm động viên, bảo nếu điều trị đúng thì sẽ sống lâu. Hai vợ chồng em đều điều trị tại Trung tâm y tế huyện đó”, H. nói.

Điểm “nóng” HIV ở Quế Phong phải kể đến xã Tiền Phong. Theo ông Vi Văn Kim – Trưởng trạm y tế xã Tiền Phong thì tính đến tháng 11/2015 toàn xã có 198 người nhiễm "H", trong đó bản Na Sành “dẫn đầu” với 23 người, bản Ná Chạng 22 người, bản Tạng 20 người… Tuy nhiên đó mới chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm” bởi lẽ không phải tất cả những người thuộc diện nghi vấn đều đến cơ sở y tế để xét nghiệm và lấy thuốc điều trị.

Ông Hà Văn T. (bản Na Cháo, xã Đồng Văn, Quế Phong) buồn bã kể câu chuyện của đứa con trai út nhiễm H.
Ông Hà Văn T. (bản Na Cháo, xã Đồng Văn, Quế Phong) buồn bã kể câu chuyện của đứa con trai út nhiễm "H."

Bản Na Cháo (xã Đồng Văn, Quế Phong) có 95 hộ dân với 396 khẩu. “Bản có 8 người nhiễm HIV. Đó là con số trong danh sách công khai thôi còn thực tế có bao nhiêu người bị nhiễm thì không biết được vì vận động vợ, con những người nhiễm HIV đi kiểm tra không phải là dễ”, ông trưởng bản Hà Văn Minh thành thật.

Gia đình Lô Văn H (SN 1981, bản Na Cháo) có lẽ không phải là gia đình duy nhất bị “con ma ết” tàn phá. Năm 2011, Lô Văn H. bị phát hiện nhiễm HIV và chết sau đó một thời gian ngắn. 3 tháng sau cái chết của chồng, chị Hà Thị H. cũng lìa bỏ cuộc sống để lại 2 đứa con nhỏ (SN 2004 và 2006). “Hai đứa con nhà Lô Văn H. có bị nhiễm HIV không thì ta không biết vì sau khi bố mẹ chết thì cả hai được ông bà ngoại đón về bản Đồng Tiến cách đây gần 10km ở rồi”, trưởng bản Hà Văn Minh cho biết thêm.

Căn nhà của Hà Văn G. - một trong 8 bệnh nhân nhiễm HIV được ghi nhận tại bản Na Cháo.
Căn nhà của Hà Văn G. - một trong 8 bệnh nhân nhiễm HIV được ghi nhận tại bản Na Cháo.

Chiều tàn, ông Hà Văn T. (68 tuổi) vẫn ngồi tựa trên thềm nhà sàn nhìn ra xa. Phía cánh rừng, nơi vợ chồng Hà Văn G. và Hà Thị V, - con trai và con dâu ông đang đi gặt lúa rẫy mây đen kéo đen kịt, trời vần vũ sắp mưa. Bằng cái giọng lơ lớ, ông T. cho biết, cách đây lâu lắm rồi ông đã từng nghiện thuốc phiện. Cái thuốc phiện nó làm khổ vợ con ông, để lại cho ông di chứng căn bệnh viêm phổi mãn tính. Hơn 10 năm chìm đắm trong sự mê hoặc của nàng tiên nâu ông cũng có đủ dũng khí để dứt bỏ thứ khoái cảm chết người ấy.

Thế nhưng, chính ông cũng không ngờ, ma túy lại là con đường lây nhiễm HIV cho đứa con trai của ông. Cũng may, con dâu và cháu nội không nhiễm căn bệnh chết người này. Câu chuyện lây nhiễm HIV của con trai ông T. khiến chúng tôi không khỏi xót xa khi biết “đường đi” của “ết” không phải là do ý thức chủ quan của chính những người nhiễm HIV nơi huyện miền núi này.

                                                                                                   Hoàng Lam