Hội chứng về mắt do sử dụng máy vi tính

Những biểu hiện chủ yếu là: nhức đầu, mờ mắt, đau cổ, vai, lưng; cương tụ nhẹ kết mạc, cảm giác khô, kích thích tại mắt, căng thẳng về mắt hay mệt mỏi thị giác

Theo một số nghiên cứu của các nhà khoa học, có khoảng 60% người làm văn phòng mắc các bệnh lý về mắt, trong đó chủ yếu là bệnh khô mắt. TS.BS. Nguyễn Hữu Chức - Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Chợ Rẫy, Chủ tịch Hội Nhãn khoa Việt Nam cho biết, khoảng 90% người sử dụng 3 giờ hoặc hơn 3 giờ/ngày với máy vi tính hoặc màn hình TV sẽ có nguy cơ bị hội chứng thị giác do sử dụng máy vi tính (Computer Vision Syndrome, viết tắt là CVS).

Khoảng 90% người sử dụng có nguy cơ mắc hội chứng

Theo TS. Nguyễn Hữu Chức, khi sử dụng quá nhiều thời gian và liên tục với máy vi tính, màn hình TV mắt không được nghỉ ngơi có thể gây nên một hội chứng mà gần đây có một số tác giả gọi là hội chứng thị giác do sử dụng máy vi tính (Computer Vision Syndrome viết tắt là CVS). Những biểu hiện chủ yếu là: nhức đầu, mờ mắt, đau cổ, vai, lưng; cương tụ nhẹ kết mạc, cảm giác khô, kích thích tại mắt, căng thẳng về mắt hay mệt mỏi thị giác; có thể có hiện tượng song thị, chói sáng. Khoảng 90% người sử dụng 3 giờ hoặc hơn 3 giờ/ngày với máy vi tính hoặc màn hình TV sẽ có nguy cơ bị hội chứng này.

Hội chứng về mắt do sử dụng máy vi tính - 1

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hội chứng CVS. Thông thường trong khoảng 1 phút, mắt người sẽ chớp từ 12 - 18 lần, mỗi lần chớp nước mắt được tiết ra phủ lên toàn bộ mắt. Khi sử dụng máy tính do quá chăm chú nên số lần chớp mắt ít hơn bình thường (chỉ bằng khoảng 2/3 số lần so với bình thường). Dẫn đến giảm số lượng và chất lượng nước mắt phủ trên giác mạc. Ánh sáng phản xạ từ màn hình, làm mắt luôn luôn co đồng tử để giảm bớt ánh sáng vào mắt. Vị trí đặt màn hình không đúng, quá gần, cao hơn tầm mắt làm phải mở mắt lớn hơn và có xu hướng nhướng lên trên làm cho mắt bị khô.

Cách phòng tránh

TS. Nguyễn Hữu Chức khuyến cáo, những người làm việc nhiều trên máy tính nên uống nhiều nước, tránh ngồi hướng gió điều hòa thổi thẳng vào mặt. Chú tâm đến phản xạ chớp mắt. Sau 45 - 60 phút làm việc trên máy vi tính nghỉ 15 phút, nhìn xa, hoặc nhắm mắt nhẹ. Sử dụng thêm nước mắt nhân tạo. Không nên mang kính tiếp xúc khi làm việc với máy vi tính hoặc màn hình TV. Sắp đặt vị trí màn hình sao cho cửa sổ ở về một bên. Không để ánh nắng mặt trời không chiếu trực tiếp lên màn hình và mắt. Tắt bớt đèn trên trần nhà nếu quá sáng hoặc sử dụng đèn bàn có chụp. Đặt đèn tại vị trí sao cho ánh đèn không phản chiếu lên màn hình. Có thể đặt thêm kính lọc cho màn hình để lọc bớt ánh sáng. Màn hình nên được đặt cách mắt 50 - 60cm, tâm của màn hình đặt thấp hơn tầm mắt từ 10 - 20cm vì mắt của chúng ta chỉ làm việc thoải mái khi chúng ta liếc nhẹ xuống.

Điều chỉnh lượng ánh sáng trong phòng không quá sáng hoặc quá tối, sau đó ta sẽ chỉnh đến độ sáng và độ tương phản của màn hình cho đến khi mắt ta cảm thấy dễ chịu. Cỡ chữ lý tưởng là lớn gấp 3 lần cỡ chữ nhỏ nhất mà ta có thể đọc được. Lưu ý, muốn chỉnh được cỡ chữ này ta chỉ cần đứng xa máy tính một khoảng cách gấp 3 lần khoảng cách thông thường sử dụng máy và chỉnh cỡ chữ sao cho nhỏ nhất mà ta vẫn có thể đọc được. Chọn chữ đen trên nền trắng. Nếu có tật khúc xạ, đeo kính khi sử dụng máy vi tính vì các tật khúc xạ như viễn thị, loạn thị hay cận thị nếu không được điều chỉnh hoặc điều chỉnh không đúng sẽ dẫn đến nhức mỏi mắt nếu làm việc lâu trên màn hình.Kính đeo mắt loại có chống chói. Sắp xếp chỗ ngồi làm việc hợp để màn hình thẳng ngay trước mặt, không để lệch về một bên. Tư thế ngồi: thẳng lưng và 2 vai giữ ngang bằng.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo các bệnh nhân bị đau mắt nên tiêu thụ thức ăn giàu omega-3 để giúp ngăn ngừa tình trạng khô mắt, cũng như làm dịu mắt khi bị đau.

Theo chuyên gia Purslow, con người thường chớp mắt từ 12 - 18 lần mỗi phút, nhưng tỉ lệ này có thể giảm xuống còn 7 hoặc 8 lần mỗi phút trong trường hợp con người mải mê theo dõi màn hình máy tính, xem TV. Quên chớp mắt sẽ đẩy màng lệ, lớp chất nhờn bảo vệ bề mặt của mắt, vào tình trạng hoạt động không hiệu quả.

Theo Nguyên Na

SKĐS